VCBS dự báo giá xăng dầu trong nước có thể tăng trong ngắn hạn chủ yếu do giá dầu Brent có xu hướng tăng trong bối cảnh nguồn cung dần thắt chặt, bên cạnh đó nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bảo dưỡng 55 ngày cũng gia tăng áp lực chi phí nhập khẩu cho doanh nghiệp đầu mối.
Dữ liệu của Bộ Công Thương cho thấy kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã có 23 đợt điều chỉnh giá, trong đó có 13 đợt tăng, 10 đợt giảm và 3 đợt giữ nguyên.
Xét riêng trong quý, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho biết bình quân giá xăng dầu bình quân quý II đã giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022 chủ yếu do giá dầu thô thế giới trong quý này giảm 32%, ngoài ra việc Liên Bộ Tài chính – Công Thương trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng tạo dư địa cho quỹ.
Triển vọng ngắn hạn, VCBS dự báo giá xăng dầu trong nước có thể tăng trong ngắn hạn chủ yếu do giá dầu Brent đã có mức tăng 2,1% lên mức 82,74 USD/thùng trong bối cảnh nguồn cung dần thắt chặt hơn từ các quốc gia OPEC+ và cam kết của Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bên cạnh đó, việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bảo dưỡng 55 ngày kể từ ngày 25/8 làm tăng áp lực chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Giá xăng dầu có thể tăng trong ngắn hạn. (Ảnh: Hoàng Anh)
Về triển vọng dài hạn, VCBS cho rằng giá dầu thô biến động và crackspread xăng dầu thay đổi khó dự báo. Tuy nhiên những khó khăn như giá dầu biến động mạnh, nguồn cung thiếu hụt, nước ta phải nhập khẩu xăng dầu giá cao trong khi giá bán trong nước chưa kịp điều chỉnh như trong năm 2022 có thể sẽ ít tiếp diễn vào năm 2023.
Bởi, sản lượng và nhu cầu xăng dầu đã phục hồi kể từ năm 2023 trong khi giá dầu thế giới dự kiến sẽ có diễn biến ổn định hơn so với năm 2022 giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro hạ giá trị hàng tồn kho.
Tuy nhiên với các doanh nghiệp lọc dầu, biên lợi nhuận có thể sẽ giảm trong năm 2023, nhưng vẫn sẽ duy trì ở mức cao so với trước khủng hoảng Nga – Ukraine do nhu cầu phục hồi sau đại dịch, trong khi thị trường dầu thô và xăng dầu thành phẩm tiếp tục thắt chặt do xung đột Nga - Ukraine kéo dài, đặc biệt là ở châu Âu.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm phát thải carbon sẽ làm hạn chế sự gia tăng công suất lọc dầu trong dài hạn.