Là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là ngành logistics, các địa phương tại miền Trung cần liên kết với nhau để tạo thành trung tâm vận chuyển có quy mô tầm cỡ.
Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia cho rằng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có nhiều lợi thế và điều kiện thuận lợi cho phát triển logistics để trở thành một trung tâm logistics mang tầm khu vực và quốc tế. Cụ thể, theo quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015, vùng miền Trung và Tây Nguyên sẽ hình thành và phát triển 6 trung tâm logistics hạng I, hạng II và 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không.
Theo đánh giá, với vai trò khu vực kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm ở hai đầu Nam Bắc, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn. Tuy nhiên, Vùng hiện chưa phát huy được vai trò cầu nối trung chuyển hàng hóa giữa nội Vùng và với cả nước, với các quốc gia trong khu vực, quốc tế.
Ở góc độ nghiên cứu, TS. Phan Thị Sông Thương, Viện khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ những bất cập về công tác tổ chức và liên kết vùng trong phát triển dịch vụ logistics xét trong tổng thể mạng lưới logistics Quốc gia và các nước trên thế giới. Cụ thể, TS. Thương nhìn nhận các địa phương hiện vẫn chưa có các chính sách cụ thể cho phát triển dịch vụ logistics mà chủ yếu được lồng ghép trong các chương trình, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực của địa phương.
“Về hạ tầng phục vụ cho logistics những năm gần đây đã được cải tạo, nâng cấp tuy nhiên sự liên kết phát triển hạ tầng giao thông trong vùng cho phát triển logistics vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thế như nguồn hàng sản xuất trong hàng chưa đủ lớn để phát triển mạnh dịch vụ logistics trong khi mật độ cảng biển tại vùng dày đặc. Ngoài ra còn có các yếu tố cơ sở hậu cảng biển, cảng hàng không chưa được đầu tư bài bản, hoạt động các cảng phần lớn là gom hàng nội địa chuyển đi Hải Phòng, TP. HCM để xuất khẩu, chưa có sự liên kết trong sử dụng chung hạ tầng dẫn đến cạnh tranh nguồn hàng,...”, TS. Phan Thị Sông Thương nói.
Theo ông Trần Chí Dũng, Nhóm Phát triển bền vững và Chuyển đổi số, Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA) đối với công tác quản lý cảng trong giai đoạn hiện nay đang được đơn giản hóa. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hiện nay là đầu tư thương mại hóa giữa các địa phương có cảng và xem xét liên kết với nhau cùng phát triển.
Đặc biệt, ông Dũng cho rằng các địa phương cũng cần suy tính lại về nguồn hàng đi qua cảng. Nhìn nhận về việc phát triển cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng, ông Dũng nói rằng cảng này không phải là cảng mắt xích quan trọng trong thương mại đầu tư vì hiện nay đang có rất nhiều cảng.
“Theo quan điểm cá nhân tôi, Đà Nẵng lấy cảng Tiên Sa để làm du lịch là rất tốt, còn lại cảng Liên Chiểu là cảng vận chuyển hàng hóa. Còn lại, cửa hành lang kinh tế Đông – Tây thì sẽ nằm ở Quảng Trị”, ông Dũng nói.
Về địa phương trong khu vực, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay địa phương đã được Chính phủ cho xây dựng Khu Kinh tế mở đầu tiên Việt Nam, sau gần 20 năm triển khai xây dựng đã khẳng định vai trò, vị trí của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, đưa Quảng Nam từ một tỉnh nghèo nay trở thành tỉnh tăng trưởng khá, thu ngân sách vượt chỉ tiêu giao,.. Tuy nhiên, ông Bửu cũng cho rằng từ ban đầu với chi phi logistic của tỉnh Quảng Nam cao hơn hai đầu đất nước trên 50%, đến nay, cùng với sự phát triển của Tập đoàn THACO Trường Hải trên nhiều lĩnh vực, chi phí logistic chỉ còn cao hơn hai đầu khoản 10% và Quảng Nam đang từng bước cải thiện, phấn đấu đến năm 2025 sẽ cân bằng và cạnh tranh với hai đầu đất nước.
“Làm sao tiếp tục tiết giảm được chi phí logistics là một nhiệm vụ chiến lược để phát triển sản xuất tại Quảng Nam nói riêng và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung. Vì vậy, Quảng Nam sẽ tập trung nỗ lực thực hiện các giải pháp về quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng như đầu tư Cảng hàng không, sân bay Chu Lai là trung tâm trung chuyển hành khách, hàng hoá và các dịch vụ hàng không tầm khu vực và Quốc tế gắn với phát triển khu đô thị sân hay theo hình thức xã hội hoá. Đồng thời, đầu tư cảng nước sâu Chu Lai với luồng Cảng đáp ứng cỡ tàu 5 vạn tấn, phát triển Cảng Chu Lai trở thành cảng chuyên dụng container cửa ngõ của miền Trung - Việt Nam”, ông Bửu cho hay.
Ngoài ra, Quảng Nam cũng sẽ đầu tư Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang với Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Oọc là cửa ngõ giao lưu, giao thương vào Lào, đông Bắc Thái Lan, Myanma phát triển hành lang kinh tế Đông Tây. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số kinh tế số, phát triển thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới. Phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư dịch vụ logistics, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế,...
Để logistics miền Trung phát triển xứng với tiềm năng, các chuyên gia cho đề xuất phương án đầu tiên cần hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động logistics để tăng cường sự kết nối liên hoàn trong chuỗi phân phối vùng.
Thứ hai, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics theo hướng tăng cường sự kết nối giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như kết nối giữa vùng với các vùng khác, khu vực và thế giới.
Thứ ba, liên kết mở rộng thị trường trên cơ sở tăng cương hợp tác giữa các tổ chức xã hội nghề nghiệp, giữa các địa phương trong vùng với các địa phương nước bạn (Lào, Thái Lan), giữa các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.
Thứ tư, đẩy mạnh liên kết ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động logistics và các dịch vụ hỗ trợ.
Thứ năm, mở rộng mạng lưới đào tạo nhân lực logistics theo hướng tăng cường sự hợp tác, liên kết trong đào tạo giữa các địa phương trong vùng và gắn với nhu cầu của thị trường nhân lực logistics trong vùng.