Phiên đầu tháng 8, bất chấp thị trường chung đỏ lửa, nhiều cổ phiếu vẫn ngược dòng xanh tích cực. Điều đáng nói, những doanh nghiệp của các cổ phiếu này lại vừa báo lãi suy giảm.
Phiên 1/8, nhiều cổ phiếu xanh tích cực dù doanh nghiệp vừa báo lãi suy giảm. (Ảnh minh họa)
Mới nhất, CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với doanh thu thuần 33.669 tỷ đồng, giảm gần 26% so cùng kỳ.
Giá vốn chiếm sát sao với 32.491 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp vỏn vẹn 1.177 tỷ đồng, lao dốc 89% so cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên chỉ hơn 3,6% so mức 20,8% của cùng kỳ.
Bù lại, kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính gấp 2,2 lần lên 714 tỷ đồng nhờ lãi suất cao hơn và hoàn nhập lỗ tỷ giá trong chi phí tài chính. Do đó, lãi ròng sau cùng của doanh nghiệp đạt 1.339 tỷ đồng, lao dốc 87% so cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Lọc hóa Dầu Bình Sơn đạt 67.735 tỷ đồng, giảm 22% so cùng kỳ nhưng đạt 71% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế giảm tới 76% về còn 2.970 tỷ đồng nhưng lại gấp 1,8 lần kế hoạch năm (1.628 tỷ đồng).
Trên thị trường, phiên 1/8, cổ phiếu BSR tăng lên mức 19.400 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,5 triệu cổ phiếu, ghi nhận mức tăng gần 24% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản khá sôi động khi bình quân hơn 8,5 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.
Tương tự, trong quý II/2023, lợi nhuận gộp của Fecon (FCN) tăng gần 18%, đạt 125 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 1,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 8 tỷ đồng.
Dù vậy, trên sàn chứng khoán, đón sóng đầu tư công, kể từ đầu tháng 4 tới nay, thị giá cổ phiếu FCN đã tăng đáng kể từ vùng giá hơn 11.000 đồng/cp lên đỉnh 17.900 đồng/cp vào ngày 24/7 vừa qua, tương đương tăng trưởng gần 60%. Đáng chú ý, sau khi công bố kết quả kinh doanh suy giảm, phiên 1/8, cổ phiếu FCN vẫn ngược dòng thị trường tăng giá thêm 0,6%.
Hay như Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với kết quả không mấy khả quan khi nhiều hoạt động giảm sút.
Theo đó, lợi nhuận quý II/2023 giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, trong đó hoạt động chính giảm 23% so với cùng kỳ, chỉ thu được 1.094 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, dù giảm trích lập dự phòng 6% chỉ còn 270 tỷ đồng, nhưng do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 1.675 tỷ đồng (giảm 24%), nên Eximbank chỉ đạt lãi trước thuế 1.405 tỷ đồng, giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước, mới hoàn thành 28% kế hoạch năm 2023.
Trên sàn chứng khoán, sau khi báo cáo kết quả kinh doanh kém tích cực, phiên 1/8, cổ phiêu EIB vẫn xanh ngược dòng thị trường, dừng ở mức giá 21.450 đồng/cp.
Trong vòng 3 tháng qua, cổ phiếu này đã ghi nhận mức tăng khoảng 5%. Thanh khoản cũng khá sôi động khi bình quân hơn 5,5 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.
Đặc biệt, cổ phiếu EIB liên tục ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận khủng trước các tranh chấp liên quan đến vị trí Chủ tịch. Tính riêng từ đầu tháng 7 đến nay, đã có hơn 146 triệu cổ phiếu được giao dịch với tổng giá trị hơn 3.034 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 20.754 đồng/cp.
Các phiên ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn như 19/7 (20,5 triệu cổ phiếu), phiên 14/7 (22 triệu cổ phiếu), phiên 7/7 (34 triệu cổ phiếu).
Châu Giang