Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này kể từ khi đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Trong khi nhiều cổ phiếu lúa gạo đối diện áp lực điều chỉnh, VSF của Tổng công ty Lương thực miền Nam -Công ty Cổ phần (Vinafood 2) vẫn toả sáng khi tăng kịch trần trong phiên 1/8. VSF đã duy trì 6 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó có 5 phiên phủ sắc tím để kéo thị giá lên mức 19.400 đồng/cp. Với biên độ giao động rộng tại UPCoM, thị giá VSF đã bứt phá 145% chỉ sau 1 tuần giao dịch.
Đáng chú ý, đây cũng là mức giá cao nhất của VSF kể từ khi doanh nghiệp này đăng ký giao dịch UPCOM vào tháng 4/2018 đến nay. Vốn hóa thị trường cũng tăng thêm 3.200 tỷ đồng sau một tuần để lần đầu vươn lên mức 5.475 tỷ đồng. Thanh khoản cũng cải thiện đáng kể từ vài nghìn lên đến trăm nghìn cổ phiếu khớp lệnh, thậm chí phiên 1/8 khối lượng khớp lệnh đạt kỷ lục ở mức hơn 500 nghìn đơn vị.
Lợi nhuận tăng gấp đôi trong quý 2/2023
Vinafood 2 từng là nhà sản xuất gạo lớn nhất cả nước với 22 công ty con và công ty liên kết và được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ. Trong suốt hơn 40 năm hoạt động, VSF là doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn với mức chế biến và xuất khẩu bình quân hàng năm đạt khoảng 2,8-3 triệu tấn gạo, kiêm ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, kể từ sau cổ phần hóa vào năm 2018, Vinafood 2 đối mặt với không ít lùm xùm do các sai phạm trong quản lý của dàn lãnh đạo cũ. Không chỉ vậy, vấn đề kinh doanh cốt lõi cũng gặp nhiều vướng mắc khiến doanh nghiệp này liên tục thua lỗ đậm hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2021.
Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 đang dần có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây. Năm 2022, VSF đã có bước ngoặt lớn khi lần đầu tiên có lãi sau khi thực hiện cổ phần hoá.
Trong báo cáo tài chính quý 2/2023 mới công bố, doanh thu VSF ghi nhận ở mức 6.867 tỷ đồng tăng 57% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dù chỉ đạt vỏn vẹn 9,4 tỷ đồng, song cũng đã cao hơn gấp đôi so với mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ KQKD tích cực trong quý 2, doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm của VSF lần lượt đạt 11.340 tỷ đồng và 9,9 tỷ đồng. Trong năm 2023, Vinafood 2 đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế là hơn 100 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2022.
Giải trình về hoạt động kinh doanh khởi sắc, công ty cho biết việc thực hiện tiết giảm các khoản chi phí, theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường và kịp thời nắm bắt cơ hội là yếu tố then chốt giúp công ty ghi nhận các chỉ tiêu kinh doanh tốt.
Triển vọng khả quan cho ngành gạo
Trên thực tế, cổ phiếu ngành gạo nói chung và VSF nói riêng đều đang được hỗ trợ bởi khá nhiều thông tin tích cực từ thị trường gạo xuất khẩu.
Điển hình nhất là kỳ vọng hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới sẽ hưởng lợi lớn khi Ấn Độ - nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đột ngột cấm xuất khẩu toàn bộ gạo giá rẻ để bình ổn giá trong nước. Sau Ấn Độ, Nga và UAE cũng đã thông báo tạm ngừng bán gạo ra nước ngoài.
Tính riêng tháng 6, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam đã tăng khoảng 9% so với thời điểm đầu năm, đạt trung bình 552 USD/tấn và đây cũng là mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất trong lịch sử. Theo đánh giá của nhiều một số chuyên gia, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và của một số nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á có thể tiếp tục tăng vọt do tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trên toàn cầutrong thời gian tới.
Trên cơ sở nhận định Việt Nam nắm giữ thị phần xuất khẩu gạo đáng kể trong các năm trước cùng trữ lượng lúa gạo lớn, Chứng khoán TPS kỳ vọng mảng xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục hưởng lợi từ mức gia tăng nhập khẩu của các đối tác quốc tế. Đặc biệt từ các nước ghi nhận mức nhập khẩu từ Việt Nam tăng đột biến từ Việt Nam trong 2023 như Phillipines và Trung Quốc.
Đội ngũ phân tích cho rằng ngành gạo Việt Nam đang có nhiều thuận lợi như nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị thiệt hại và hạn hán do sự xuất hiện của El Nino đẩy giá gạo lên cao. Giá xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp ngành gạo.
Tại buổi họp về tình hình xuất khẩu gạo mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin rằng, nhiều khả năng năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam có cơ hội lập kỷ lục mới, dự kiến xuất khẩu 8 triệu tấn, thu về hơn 4 tỷ USD.
Mai Chi