Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) dài 1.450km đi qua 13 tỉnh của 4 nước: Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam; bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (bang Mon) đến cửa khẩu Myawaddy (bang Kayin) ở biên giới Myanmar - Thái Lan, chạy qua 7 tỉnh của Thái Lan, xuyên qua Lào từ tỉnh Savannakhet đến cửa khẩu Dansavanh vào Việt Nam từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và điểm cuối là thành phố Đà Nẵng.
EWEC có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc mở rộng giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế. Khi được kết nối, EWEC được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các nước trong khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng (gồm: Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam).
Tuy vậy, suốt nhiều năm qua, tuyến hành lang kinh tế này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đang phân vân đến hạ tầng giao thông trên tuyến, các vướng mắc hiện hữu về thuế, phí, thông quan… đặc biệt là vai trò trung tâm của Đà Nẵng khi là cửa ngõ chính ra biển của EWEC. Qua tìm hiểu, mặc dù là điểm cuối của tuyến, nhưng lượng hàng hóa qua EWEC chưa nhiều; chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao do nhiều trạm thu phí cầu đường (chiếm bình quân 10-15% chi phí vận tải); tốn nhiên liệu nên khó thu hút nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan. Dù có rất nhiều lợi thế khi nằm trên EWEC, song thời gian qua, hoạt động thương mại giữa các địa phương trong khu vực miền Trung, nhất là Đà Nẵng với các địa phương của Thái Lan, hay Lào vẫn chưa như kỳ vọng.
Theo tính toán của tài xế xe container, một lô hàng từ Đà Nẵng đến Yangoon (Myanmar) mất tới 28 ngày. Tại mỗi cửa khẩu đều phải bốc dỡ hàng sang xe của nước sở tại. Xe hàng container từ Việt Nam nếu muốn chạy vào Lào để khỏi phải sang tải cũng mất nhiều thời gian làm thủ tục. Nhưng sau đó, container bắt buộc phải chuyển sang xe Thái Lan và sau đó một lần nữa chuyển lên xe Myanmar… Một hành trình như vậy tốn khá nhiều thời gian và chi phí, nhất là chi phí logistics còn khá cao. Trong khi đó, thủ tục thông quan cũng còn khá chậm. Nhiều ý kiến cho rằng, tuyến hành lang kinh tế này vẫn còn nhiều việc cần phải làm để phát huy thế mạnh liên kết, thông qua hội nhập đa ngành, tạo điều kiện cho thương mại xuyên biên giới và đầu tư, tăng cường sự tham gia tư nhân...
Trước sự phát triển mạnh mẽ của các trục giao thông Bắc - Nam, EWEC cần mở rộng, tăng quy mô các tuyến trục kết nối Đông - Tây để khơi thông nguồn lực phát triển của các quốc gia trên tuyến. Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng Tô Văn Hiệp cho biết, những năm qua, Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực, tích cực thực hiện mục tiêu và định hướng để xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á...; trung tâm kinh tế biển; đảm nhiệm vai trò là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển hàng hóa với các địa phương, các quốc gia khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa thông qua EWEC. Do đó, Đà Nẵng sẽ cùng các tỉnh, thành phố liên kết xây dựng hệ thống logistics hoàn thiện, hiện đại nhằm giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên EWEC kết nối với dòng chảy thương mại quốc tế trong thời gian tới là yêu cầu cần thiết.