• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 6:35:24 CH - Mở cửa
Nghệ An: Xuất khẩu gỗ liên tiếp đón nhận tin vui
Nguồn tin: Báo Công thương | 24/08/2023 3:06:50 CH

Ngành hàng xuất khẩu gỗ của Nghệ An đã sụt giảm bởi ảnh hưởng chung của nền kinh tế, liệu những tháng cuối năm có thể bứt tốc về đích với chỉ tiêu đề ra?

Sau thời gian dài “tắc” đầu ra, từ đầu tháng 7/2023 đến nay, đơn hàng xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp ở Nghệ An đang bắt đầu tăng trở lại.

Hồi phục đơn hàng

Thị trường xuất khẩu gỗ bắt đầu có những tín hiệu tích cực, bắt đầu khởi sắc trở lại khi lượng khách quan tâm nhiều hơn đến hàng hóa và giá cả mặt hàng này.

Tại Nghệ An, các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đã bắt đầu phục hồi sản xuất do có được đơn hàng tiêu thụ sản phẩm chế biến.

Doanh nghiệp Nghệ An xuất bán các lô hàng gỗ ghép thanh cho đối tác phía Nam để xuất khẩu

Vào thời điểm tháng 6/2023 nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn thị xã Thái Hòa, huyện Nghi Lộc... tồn kho hàng nghìn mét khối gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Có doanh nghiệp tồn kho với khối lượng hơn 3.000 mét khối các loại sản phẩm gỗ.

Đại diện Công ty CP Sản xuất và Thương mại gỗ Thanh Chương ở xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, cho biết: Thời điểm từ cuối năm 2022, xuất khẩu viên nén sang các thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản rất khó khăn, giá giảm sút.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 7/2023 đến nay, Nhà máy đã tìm kiếm được các đơn hàng tại Nhật Bản, xuất bán với khối lượng trên 11.000 tấn viên nén, giá 180 USD/tấn. Hiện tại, Nhà máy đang tiếp tục tìm kiếm thêm các đơn hàng khác để duy trì sản xuất 10.000 tấn sản phẩm/tháng, (tương đương thu mua 24.000 tấn keo nguyên liệu tại địa bàn huyện Thanh Chương).

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Chương: Địa phương hiện có trên 20.000 ha keo nguyên liệu, hàng năm thu hoạch từ 2.500-3.000 ha keo. Việc Công ty CP Sản xuất và Thương mại gỗ Thanh Chương tìm kiếm được đơn hàng xuất khẩu, hoạt động ổn định tiếp tục đem lại lợi ích cho cả người dân trồng keo và nhà máy. Sau thời gian dài keo “tắc” đầu ra, đến nay nhà máy hoạt động trở lại người dân đã bán keo cho nhà máy với giá từ 10,5-1,1 triệu đồng/tấn là đã có lãi.

Dăm gỗ ở Nghệ An đã hoạt động trở lại do tìm được các đơn hàng xuất khẩu

Cũng thời điểm này, Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Sông Hiếu (thị xã Thái Hòa), cũng tất bật đơn hàng xuất khẩu. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Nông lâm nghiệp Sông Hiếu cho hay: Công ty tồn kho gần 4.000 mét khối các sản phẩm gỗ ghép thanh, phôi gỗ, trị giá gần 30 tỷ đồng thời điểm cuối tháng 6/2023.

“Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay, công ty đã tìm kiếm được đối tác mới thu mua dăm gỗ từ các tỉnh phía Nam. Họ thu gom hàng và xuất qua Mỹ. Hiện nay, số gỗ tồn kho đã bán hết, nhà máy đã hoạt động trở lại 70% công suất. Nhờ đầu ra ổn định, nên gần 100 lao động có việc làm…” - ông Hoàng nói thêm.

Tương tự, Công ty TNHH Liên doanh nguyên liệu giấy Nghệ An PP ở xã Khánh Hợp (Nghi Lộc) cho hay: Từ đầu năm nhà máy tồn đọng trên 2.500 tấn dăm gỗ. Nhưng từ đầu tháng 7/2023, nhà máy đã kết hợp với các đơn vị chế biến dăm gỗ ở các tỉnh thành, cùng thu gom đã xuất được hàng qua thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.

Mở rộng thị trường, tích cực "săn đơn"

Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, địa phương này hiện có hơn 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, hơn 100 doanh nghiệp lâm sản ngoài gỗ và hơn 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Cũng theo Sở Công Thương, tỉnh Nghệ An phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đến năm 2025 đạt trên 1 tỷ USD.

Thời điểm 6 tháng đầu năm 2023, đơn hàng ở các doanh nghiệp trong ngành giảm trung bình trên 50%. Tuy nhiên, từ tháng 7/2023, các doanh nghiệp đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, chủ yếu xuất sang thị trường các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đặc biệt hiện tại, nguồn hàng tồn trước đó của các nhà máy chế biến gỗ cơ bản đã được giải phóng, các nhà máy đang hoạt động trở lại.

Nhiều năm nay, tỉnh Nghệ An khuyến khích người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn

Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ Nghệ An cho biết: Mặc dù ngành gỗ đã có khởi sắc, các doanh nghiệp đã tìm được các đơn hàng xuất khẩu, tuy nhiên số lượng đơn hàng chưa lớn, do vẫn còn khó khăn ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Vì vậy, các doanh nghiệp gỗ ở Nghệ An vẫn phải chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo chất lượng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu. Các doanh nghiệp ngành gỗ cần tập trung tái cấu trúc, tổ chức lại sản xuất của doanh nghiệp, trong đó chú trọng đổi mới công nghệ, hoàn thiện hệ thống quản trị sản xuất, nâng cao tính hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực để tiết giảm chi phí.

Tỉnh Nghệ An đang hướng đến việc tạo chuỗi liên kết từ khâu tạo giống, trồng rừng đến khai thác, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa người trồng rừng với doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Giải pháp được địa phương này đề ra là ưu tiên, khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, rừng trồng thâm canh, chiếm 30% diện rừng trồng của tỉnh; nâng cao năng suất trồng rừng; tạo thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Tuy nhiên, hiện nay tại Nghệ An việc liên doanh, liên kết trong sản xuất lâm nghiệp, các hình thức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lâm nghiệp chưa rõ nét, quy mô nhỏ lẻ, chưa đủ mạnh để thu hút các hộ gia đình, cá nhân tham gia sản xuất; thị trường đầu ra sản phẩm chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp ngoài tỉnh và ở nước ngoài.

Mặt khác, tại một số địa phương trong tỉnh, quy mô doanh nghiệp đa số còn nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; thu hút đầu tư chậm, chưa có nhiều dự án lớn mang tính động lực, tác động mạnh, thúc đẩy thị trường chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Tại Nghệ An, riêng đối với khai thác gỗ rừng trồng, tỉnh này phấn đấu đến năm 2025 đưa sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng đạt từ 2 - 2,2 triệu m3/năm. Đối với khai thác lâm sản ngoài gỗ, tỉnh hướng đến việc bảo vệ, khai thác bền vững 108.688 ha rừng mây, tre... hiện có.

Hoàng Trinh