Các ngân hàng đang trầy trật thanh lý tài sản đảm bảo. Nợ xấu tại các ngân hàng đang phình to và được dự báo còn gia tăng nếu phần thanh lý tài sản không được xử lý. Vậy làm sao xóa định kiến về tài sản thanh lý của ngân hàng?
Nợ xấu gia tăng, ngân hàng trầy trật thanh lý tài sản đảm bảo
Theo báo cáo tài chính quý II/2023, tính đến ngày 30/6, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết là hơn 188.000 tỷ đồng, tăng hơn 67.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những khoản nợ xấu nghi ngờ, nợ dưới tiêu chuẩn đều tăng tại hầu hết ngân hàng.
Còn theo thống kê từ WiGroup - tổ chức cung cấp dữ liệu tài chính và nghiên cứu thị trường - trong một năm qua, nợ có khả năng mất vốn, nợ nghi ngờ tăng gần 24.000 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn tăng 15.000 tỷ đồng.
Nợ xấu gia tăng trong bối cảnh chính sách tái cơ cấu nợ mới của Ngân hàng Nhà nước đã được triển khai từ tháng 4. Điều đó cho thấy những thách thức mà nền kinh tế và hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt.
Ngoài nguy cơ nợ xấu phình to, các ngân hàng còn đối mặt với thách thức do xử lý nợ đang gặp nhiều vướng mắc.
Nửa đầu năm nay, các nhà băng ráo riết thực hiện thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ trong bối cảnh tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao.
VietinBank mới đây thông báo danh sách gần 400 tài sản bảo đảm cần xử lý, trong đó có nhiều khách sạn 4-5 sao, tòa nhà văn phòng quy mô hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng khác cũng đang dồn dập bán đấu giá hàng trăm tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.
Tuy nhiên, việc thanh lý tài sản khá khó khăn. Rất nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo giá trị lớn liên quan tới bất động sản được rao bán hàng chục lần vẫn "ế".
Trong một năm qua, gần 13.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý nhưng chỉ có khoảng 10% trong số đó được mua bán theo giá thị trường. Nợ xấu tại các ngân hàng thương mại được dự báo còn gia tăng nếu phần thanh lý tài sản không được xử lý.
Liên quan đến chuyện ngân hàng “ế” khi thanh lý tài sản bảo đảm, các chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân do thị trường bất động sản đóng băng thì còn do thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam vẫn chưa được định hình và còn nhiều hạn chế.
Việc xử lý tài sản đảm bảo và thu hồi nợ còn nhiều vướng mắc, như: hành lang pháp lý cho quá trình xử lý nợ chưa đồng nhất, chưa có sự đồng bộ và thống nhất trong cách thức thực hiện...
Chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần sớm hoàn thiện nghị định về thị trường mua bán nợ; mở rộng phương thức mua bán nợ và sản phẩm, dịch vụ liên quan; cho phép thành lập hiệp hội các doanh nghiệp mua bán nợ; tổ chức nhận ủy thác cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty định giá, tổ chức xếp hạng tín nhiệm, công ty môi giới… Cùng với đó, cần phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản (nghiên cứu thành lập công ty tái cho vay thế chấp) để thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ.
Xóa định kiến về tài sản thanh lý của ngân hàng?
Hoạt động thanh lý tài sản thế chấp đang được thực hiện chủ yếu thông qua kênh bán đấu giá hoặc bán trực tiếp.
Tuy vậy, đang có định kiến của xã hội về tài sản thanh lý của ngân hàng như khó mua, thủ tục phức tạp, lo ngại tranh chấp trong quá trình tham gia đấu giá.
Trên thực tế, việc mua tài sản qua kênh này vẫn có những rủi ro nhất định. Việc bán đấu giá bất động sản là tài sản thế chấp có nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản. Có nhiều mảnh đất là tài sản đảm bảo của các khoản nợ liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nên việc sang tên sở hữu mất nhiều thời gian.
Song ưu điểm khi mua tài sản thế chấp của ngân hàng là về cơ bản giấy tờ đầy đủ và thủ tục pháp lý rất chặt chẽ.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: tất cả tài sản thế chấp như bất động sản, ô tô, ngân hàng đều có đầy đủ giấy tờ. Bởi về pháp lý, các tài sản này khi được nhận bảo đảm cho các khoản vay tín dụng phải qua nhiều bước xác minh từ bộ phận tín dụng và thẩm định, qua cơ quan công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo.
Khi được xác nhận tài sản không trong diện tranh chấp, không vướng quy hoạch, pháp lý đầy đủ… mới được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tín dụng và giải ngân từ ngân hàng. Ưu điểm của tài sản thanh lý là giá bán phù hợp theo giá thị trường.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính TS. Đinh Thế Hiển nhận định, việc bán đấu giá tài sản bảo đảm là bất động sản, ô tô tại các ngân hàng đang diễn ra phổ biến. Đây là cơ hội cho người muốn “săn lùng” tài sản với giá tốt.
Các ngân hàng sẽ sử dụng mức giá do bên thứ 3 là đơn vị định giá độc lập làm căn cứ để đưa ra mức giá bán thanh lý. Vì vậy, người mua bất động sản, ô tô thanh lý của ngân hàng có thể yên tâm khi mức giá bán khá sát với giá trị trường. Việc mua bán tài sản đấu giá được diễn ra công khai, minh bạch, không sợ bị “cò” đẩy giá.
Theo các chuyên gia, để xóa định kiến về tài sản thanh lý của ngân hàng, ngành ngân hàng cần thông tin rõ ràng, minh bạch về các tài sản cần thanh lý, trình tự thủ tục mua bán tài sản thanh lý cũng như những ưu điểm, giá bán… Từ đó, sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tham gia.
Minh Dũng