• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,08 +6,97/+0,56%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 2:45:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,08   +6,97/+0,56%  |   HNX-INDEX   224,19   +0,62/+0,28%  |   UPCOM-INDEX   92,19   -0,16/-0,17%  |   VN30   1.309,72   +8,20/+0,63%  |   HNX30   478,26   +2,66/+0,56%
29 Tháng Mười Một 2024 2:53:48 CH - Mở cửa
Nông nghiệp tháng 8/2023: Tăng diện tích sản xuất lúa, thủy sản đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu
Nguồn tin: Vneconomy | 29/08/2023 1:33:14 CH
Trong tháng 8, Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực xuống giống và tăng diện tích trồng lúa vụ thu đông, để tăng sản lượng gạo phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Với ngành thủy sản, nuôi trồng đang nỗ lực vượt khó để tăng sản lượng...
 
 
Sản xuất nông lâm thủy sản nỗ lực vượt khó, tăng sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm.
 
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp của cả nước tháng 8/2023 vẫn duy trì đà tăng trưởng. Trong đó, chăn nuôi phát triển ổn định; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng khá; tiến độ gieo trồng lúa tăng cao… Đây là cơ sở để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước; đồng thời ổn định nguồn hàng cho xuất khẩu.
 
THỦY SẢN: SẢN LƯỢNG NUÔI TRỒNG TĂNG, ĐÁNH BẮT GIẢM
 
Tổng cục Thống kê cho biết sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng 8/2023 ước đạt 837,4 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 584,7 nghìn tấn, tăng 1,4%; tôm đạt 139,3 nghìn tấn, tăng 4,1%; thủy sản khác đạt 113,4  nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 8/2023 ước đạt 485,8 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá ước đạt 304,9 nghìn tấn, tăng 3,3%; tôm ước đạt 128,4 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do đang là thời điểm thu hoạch, xuất khẩu vào một số thị trường tăng. Sản lượng cá tra tháng 8/2023 ước đạt 156,8 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
 
Sản lượng tôm thu hoạch trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do thị trường xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu phục hồi ở một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng cao. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 93,5 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 28,5 nghìn tấn, tăng 1,4%.
 
"Tính chung 8 tháng từ đầu năm 2023 đến nay, sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 5.931 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 4.254,3 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 812,2 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khác đạt 864,5 nghìn tấn, tăng 1,5%".
 
Theo Tổng cục Thống kê.
 
Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 8/2023 ước đạt 351,6 nghìn tấn, giảm 0,5% do bắt đầu vào mùa mưa bão, tàu thuyền hạn chế ra khơi đánh bắt. Trong đó: Cá đạt 279,8 nghìn tấn, giảm 0,5%; tôm đạt 10,9 nghìn tấn, giảm 0,9%, thủy sản khác đạt 60,9 nghìn tấn, giảm 0,2%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 330,5 nghìn tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
 
Nuôi trồng thủy sản đang gặp khó do giá thức ăn tăng nhanh, khiến giá thành sản xuất cá tra và tôm tăng quá cao. Đặc biệt, từ khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo tẻ, khiến giá cám gạo – một trong những nguyên liệu để sản xuất thức ăn thủy sản càng trở nên khan hiếm và giá bán tăng cao, trong khi đó Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cũng đã tác động đến giá cám mì nhập khẩu.
 
Khai thác thủy sản cũng đang gặp nhiều khó khăn do bắt đầu vào mùa mưa bão, tàu thuyền hạn chế ra khơi đánh bắt. Mặc dù vậy, cả nuôi trồng và khai thác thủy sản vẫn đang nỗ lực đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ chế biến và xuất khẩu.
 
Trong 7 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt gần 5 tỉ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính, xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 đem về gần 900 triệu USD, nâng kim ngạch 8 tháng lên 5,9 tỷ USD, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo hết năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỉ USD, giảm 15-16% so với năm ngoái.
 
TÍCH CỰC TRỒNG LÚA THU ĐÔNG ĐỂ TĂNG SẢN LƯỢNG GẠO CHO XUẤT KHẨU
 
Sản xuất lúa đang là “trọng tâm” của ngành nông nghiệp, trong bối cảnh toàn cầu đang bị đe dọa thiếu lương thực. Tổng cục Thống kê cho biết tính đến ngày 15/8/2023, cả nước gieo cấy được 1.387,3 nghìn ha lúa mùa, bằng 98,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương miền Bắc đạt 1.001 nghìn ha, bằng 97,8% cùng kỳ năm trước; các địa phương phía Nam đạt 386,3 nghìn ha, bằng 100,5%.
 
Diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước giảm chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó vùng đồng vùng Đồng bằng sông Hồng giảm 10,1 nghìn ha do chuyển sang đất phi nông nghiệp để đô thị hóa, làm đường và mở rộng các khu công nghiệp hoặc chuyển sang đất trồng cây lâu năm (Hà Nội giảm 2,4 nghìn ha, Hưng Yên giảm 1,4 nghìn ha). Vùng Bắc Trung Bộ giảm 5,3 nghìn ha do thời tiết nắng nóng từ đầu vụ nên không gieo trồng trên diện tích đất chưa chủ động được nguồn nước (Thanh Hóa giảm gần 3 nghìn ha, Nghệ An giảm 2,1 nghìn ha).
 
"Sản lượng thu hoạch vụ lúa hè thu ước đạt 11 triệu tấn, tăng 157 nghìn tấn so với vụ hè thu năm 2022".
 
Theo Tổng cục Thống kê.
 
Đối với sản xuất lúa vụ hè thu, diện tích gieo cấy ước đạt 1.912,5 nghìn ha, giảm 0,2% so với vụ hè thu năm trước. Tính đến trung tuần tháng 8/2023, cả nước thu hoạch được 1.071,6 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 56% diện tích gieo cấy và bằng 96,6% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 892,7 nghìn ha, chiếm 60,6% và bằng 96,1%.
 
Năng suất lúa hè thu ước đạt 57,5 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước do các địa phương tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như chương trình “một phải, năm giảm”, chương trình “ba giảm, ba tăng”, sử dụng máy móc để làm đất, gieo trồng đảm bảo thời vụ, đẩy mạnh đầu tư, thâm canh cây trồng, kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn nước từ các công trình thủy lợi…. 
 
Sau khi thu hoạch xong lúa hè thu sớm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xuống giống lúa thu đông. Tính đến trung tuần tháng 8/2023, đã xuống giống được 391,4 nghìn ha lúa thu đông, bằng 103,2% cùng kỳ năm trước. Tiến độ gieo trồng lúa thu đông năm nay tăng cao so với cùng kỳ do thời tiết và nguồn nước khá thuận lợi, giá lúa tăng cao người nông dân có lãi.
 
Mặc khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo tăng diện tích lúa vụ thu đông lên thêm 50 nghìn ha. Một số địa phương có diện tích lúa thu đông tăng nhiều là Trà Vinh tăng 6,5 nghìn ha; Vĩnh Long tăng 10,5 nghìn ha; Đồng Tháp tăng 5,2 nghìn ha. Hiện lúa thu đông sinh trưởng và phát triển khá tốt, tình hình sâu bệnh tuy có phát sinh nhưng bà con nông dân phòng, trị kịp thời nên thiệt hại không đáng kể.
 
Cả nước đang phấn đấu sản lượng lúa (thóc) thu hoạch năm nay đạt 53,5 triệu tấn (tăng 0,9 triệu tấn so với năm 2022), sản lượng gạo đạt 27 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 7,7-7,8 triệu tấn gạo (tăng 0,6-0,7 triệu tấn so với năm 2022).