Giá nhà tại TP.HCM, Hà Nội cao hơn lần lượt 32 lần và 18 lần thu nhập của người dân, chỉ số này cao hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Seoul, Tokyo, Hong Kong, Thượng Hải.
Đây là các số liệu được đưa ra tại Báo cáo Chỉ số về khả năng chi trả nhà ở tại Châu Á Thái Bình Dương năm 2023 của Viện Đất đai đô thị (ULI) - tổ chức tư vấn nhằm thúc đẩy các phương pháp hữu hiệu trong phát triển khu dân cư và giải quyết các vấn đề nhà ở tại khu vực.
Giá nhà tại TP.HCM, Hà Nội cao hơn lần lượt 32 lần và 18 lần thu nhập của người dân
Giá nhà cao gấp hàng chục lần thu nhập người dân
Theo báo cáo trên, TP.HCM có giá nhà ở mức độ trung bình trong khu vực. Tuy nhiên, giá nhà tại thành phố này lại chênh lệch khá lớn so với thu nhập của người dân. Trong đó, giá nhà trung bình tại TTP.HCM là 296.000 USD (hơn 7 tỷ đồng). Trong khi đó, thu nhập trung bình của một hộ gia đình tại TP.HCM ở mức 9.120 USD/năm (khoảng 220 triệu đồng).
Viện Đất đai đô thị nhận định, chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại TP.HCM đang ở mức 32,5 lần. Đây là con số cao thứ 2 trong khu vực chỉ sau Thâm Quyến (35 lần). Mức chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại TP.HCM thậm chí cao hơn Bắc Kinh (29,3 lần), Thượng Hải (24,1 lần) và Hong Kong (26,5 lần).
Ở thị trường nhà ở cho thuê, giá thuê trung bình của một căn hộ tại TP.HCM là 592 USD/tháng (hơn 14 triệu đồng). Thị trường này chủ yếu phù hợp với nhóm lao động trẻ có thu nhập cao hoặc nhóm người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Thực tế thì nhà ở giá phải chăng được định nghĩa là dòng sản phẩm bất động sản nhà ở có giá cả vừa phải, đủ để người dân chi trả bằng thu nhập và năng lực tài chính của họ.
Bà Giang Huỳnh - Phó giám đốc Savills TP.HCM cho rằng giá thuê nhà chỉ được xem ở mức phải chăng khi chi phí dành cho nhà ở chiếm khoảng 30% tổng thu nhập hàng tháng của mỗi người. Trong khi lợi nhuận cho thuê đối với các sản phẩm nhà ở giá rẻ như nhà ở công nhân tương đối thấp thì nhu cầu và công suất sử dụng lại cao.
Người mua đợi giảm giá
Theo dữ liệu thị trường bất động sản tháng 7/2023 của Batdongsan.com.vn, tổng chỉ số của thị trường nhà đất chưa cải thiện, lượt quan tâm mua bất động sản vẫn giảm 33%, lượng tin đăng giảm đến 48% so với cùng kỳ.
Người mua vẫn chờ đợi giá giảm
Mặc dù thị trường bắt đầu xuất hiện tín hiệu tăng trưởng trở lại nhưng thanh khoản chưa thực sự cải thiện. Trong tháng vừa qua, một số dự án chào bán chỉ ghi nhận tỷ lệ tiêu thụ thấp. Phần lớn các chủ đầu tư vẫn chưa dám mạnh tay bán hàng, nhiều dự án dù trước đó có lượng booking giữ chỗ cao nhưng khi chính thức mở bán thì “rơi rụng” nhiều, tỷ lệ chốt hợp động chưa đến 20 – 30% lượng đặt cọc trước đó.
Các chuyên gia của Batdongsan.com.vn cho biết, nhu cầu tìm kiếm bất động sản đang có những chuyển biến tích cực thấy rõ trong tháng 8. Tuy nhiên tỷ lệ xuống tiền mua thực tế thấp, phần nhiều là vì nhà đầu tư vẫn chưa “chốt” được thời điểm nào xuống tiền là “ăn chắc”.
Kinh tế khó khăn và diễn biến phức tạp của tình hình tài chính toàn cầu đang khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc, chọn bước đi thận trọng, không liều lĩnh sử dụng đòn bẩy tài chính đi mua nhà đất như trước đây. Với nhà đầu tư có sẵn dòng tiền, niềm tin giá nhà giảm sâu và việc phải ép giá hạ xuống bằng thời điểm trước khi sốt đất đã khiến họ không vội xuống tiền ngay.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản quý 4/2023 có thể sẽ chứng kiến thanh khoản tích cực hơn do giới đầu tư đã đánh hơi đươc những chuyển biến tích cực. Nhưng để hình thành sóng giao dịch là rất khó xảy ra vì khá ít người có niềm tin về việc bất động sản sẽ sớm tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho rằng, đa phần người mua đánh giá, thị trường bất động sản từ nay đến năm sau sẽ phát triển theo hướng ấm dần đều. Tuy nhiên, muốn thị trường bật tăng giao dịch phải mất ít nhất 1-2 quý nữa.
"Vì vậy, nhiều nhà đầu tư có tài chính khá giả vẫn đủng đỉnh giữ tiền chờ thời cơ chín muồi nhất nhưng xu hướng này sẽ không duy trì lâu và có thể đến đầu năm 2024, sóng mua bất động sản sẽ xuất hiện trở lại" - ông Tuấn cho biết.
Diệu Hoa