Kết luận thanh tra số 1229/KL-TTCP ngày 30/5/2023 của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng giai đoạn 2011-2018 đã chỉ ra nhiều vi phạm, tồn tại, trong đó có Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM).
Sẽ kiểm điểm trách nhiệm trong tháng 9/2023
Đến thời điểm thanh tra, VICEM đã hoàn thành sắp xếp tại 7 công ty, còn 7 công ty chưa hoàn thành sắp xếp, cơ cấu lại theo đề án, trong đó Công ty CP Cao su Đồng Phú - Kratie và Công ty CP Cao su Đồng Nai - Kratie thực hiện thoái vốn nhưng không thành công do không có nhà đầu tư tham gia đấu giá.
Đáng chú ý, qua kiểm tra, xem xét việc xử lý tài chính để CPH VICEM phát hiện có khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ tại VICEM phải được xử lý theo quy định với số tiền tạm tính 3.011 tỷ đồng.
Quá trình xử lý tài chính khi CPH, Bộ Xây dựng, VICEM chưa xử lý, thu nộp theo quy định đối với khoản tiền chênh lệch trên là chưa đúng với quy định tại khoản 5 Điều 3 Quy chế Quản lý và Sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Đến nay khoản tiền này vẫn chưa được Bộ Xây dựng, VICEM xử lý, nộp ngân sách Nhà nước theo quy định…
Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, xử lý, thu nộp về ngân sách Nhà nước đối với khoản tiền chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của VICEM tạm tính là 2.910 tỷ đồng và xử lý với khoản chênh lệch 101 tỷ đồng giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tại Công ty VICEM Hải Phòng, đảm bảo theo đúng quy định.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị VICEM chỉ đạo việc hạch toán đối với khoản công nợ phải thu của Công ty VICEM Tam Điệp số tiền trên 11,9 tỷ đồng, đảm bảo theo đúng chế độ quy định; khi thực hiện CPH, VICEM phải xác định đầy đủ, chính xác giá trị doanh nghiệp (GTDN), phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp CPH đảm bảo theo đúng quy định, trong đó có khoản công nợ phải thu của Công ty VICEM Tam Điệp; rà soát, xác định đầy đủ các khoản giá trị lợi thế thương mại quyền khai thác khoáng sản của VICEM tại các mỏ còn trong thời hạn khai thác, số tiền tạm tính đến thời điểm thanh tra là 1.507 tỷ đồng.
Bên cạnh kiến nghị xử lý về kinh tế, kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo VICEM tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vi phạm, tồn tại được chỉ ra trong kết luận thanh tra.
Trao đổi với PV về kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 1229/KL-TTCP của VICEM và các đơn vị thành viên, ông Hà Quang Hiện - Chánh Văn phòng - người phát ngôn VICEM cho biết, sau khi TTCP công bố kết luận, ngày 17/8/2023, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch thực hiện.
Ngày 29/8/2023, Tổng Giám đốc VICEM đã phê duyệt kế hoạch thực hiện kết luận của TTCP.
VICEM đã phân công các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị được Thanh tra Chính phủ nêu ra.
Dự kiến VICEM sẽ tổ chức hội nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ trong tháng 9/2023” - người phát ngôn của VICEM cho biết và nhấn mạnh, lãnh đạo VICEM sẽ chỉ đạo, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các kiến nghị được nêu tại kết luận thanh tra đúng kế hoạch đề ra.
Xử lý tài chính theo hướng nào?
Cùng với việc kiểm điểm trách nhiệm, VICEM đang làm rõ các nội dung để đẩy nhanh việc xử lý kiến nghị về kinh tế.
VICEM sẽ thực hiện thu phần chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ; thu lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của Vicem Hải Phòng về VICEM. Ảnh: TQ
“Ngày 29/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1479/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022-2025, trong đó VICEM thuộc danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong giai đoạn 2022-2025. Do đó, công tác CPH VICEM đã dừng triển khai thực hiện. Sau năm 2025, nếu VICEM thực hiện CPH theo quyết định của cấp có thẩm quyền, việc xác định giá trị quyền khai thác khoáng sản sẽ được VICEM thực hiện lại trong quá trình xác định GTDN để CPH” - ông Hà Quang Hiện cho biết.
Bên cạnh đó, VICEM được Thủ tướng Chính phủ cho phép chưa phải nộp ngay khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ đến khi CPH công ty mẹ VICEM. Giá trị khoản chênh lệch này của VICEM sau CPH sẽ được xác định lại và nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp theo quy định (nếu có) tại các Văn bản số 4357/VPCP-ĐMDN ngày 28/4/2017 và Văn bản số 2749/VPCP-ĐMDN ngày 12/9/2017 của Văn phòng Chính phủ.
“Căn cứ các nội dung kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, đến nay một số nội dung đã và đang được VICEM và các công ty thành viên có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện (hạch toán, đối chiếu công nợ; xác định giá trị quyền khai thác khoáng sản để tính vào GTDN; thu hồi chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ tại VICEM Hải Phòng...). Một số nội dung đang chờ cấp có thẩm quyền quyết định như Đề án Cơ cấu lại VICEM giai đoạn 2021 - 2025, phương án điều chỉnh, bổ sung vốn điều lệ của công ty mẹ VICEM (xử lý tài chính khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của công ty mẹ VICEM, thoái vốn...); một số nội dung sẽ được xem xét thực hiện ở giai đoạn tiếp theo nếu VICEM thực hiện CPH theo quyết định của cấp có thẩm quyền (xác định giá trị quyền khai thác khoáng sản, phương án sử dụng đất sau CPH...)” - người phát ngôn của VICEM cho biết.