Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 Bắc - Trung kéo dài có tổng chiều dài ước tính khoảng 514 km với tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng. Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) là một trong những đơn vị tư vấn chính, kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu quả từ dự án này.
Sức khỏe tài chính PECC2
Tại Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2023, PECC2 ghi nhận doanh thu bằng 42,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 269,5 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt gần 28 tỷ đồng, giảm 27,6% so với nửa đầu năm 2022.
Công ty cho biết, chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu nhưng hiện tại cơ chế chính sách vẫn chưa đi vào thực tiễn, đồng thời có nhiều vướng mắc chưa được xử lý triệt để. Ngoài ra, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt vào tháng 5/2023, nhưng để triển khai các dự án mới vẫn đang chờ kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Vì vậy, việc tiếp cận và tìm kiếm công việc mới, thúc đẩy các dự án đã dự kiến đều chậm so với kế hoạch.
PECC2 đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cùng với các đơn vị phát triển dự án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy các dự án đảm bảo tiến độ và cũng là bảo đảm sự phát triển ổn định cho Công ty trong thời gian tới.
Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu 1.363,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 64,1 tỷ đồng. Với kết quả đạt được nửa đầu năm, Công ty đã hoàn thành 43,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Từ đầu tháng 6 đến nay, PECC2 được lựa chọn thực hiện một số gói thầu lớn trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế như: Gói thầu TV03-DZCĐ Tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và các báo cáo chuyên ngành thuộc Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo với giá 31,7 tỷ đồng; Gói thầu Tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế thuộc Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, với giá 14,2 tỷ đồng (PECC2 liên danh với FICHTNER GMBH AND CO. KG).
Về nguồn lực tài chính, PECC2 ghi nhận nợ vay ở mức 97,1 tỷ đồng, chiếm 3,34% tổng tài sản 2.901 tỷ đồng. Còn phần lớn nợ phải trả của Công ty 1.598 tỷ đồng đến từ phải trả người bán ngắn hạn (1.082 tỷ đồng).
Kỳ vọng dự án lớn ngành điện
Để tăng cường đảm bảo cấp điện cho miền Bắc trong giai đoạn cấp bách đến năm 2025 và các năm sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bên liên quan phải hoàn thành toàn tuyến Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 Bắc - Trung kéo dài trong khoảng thời gian kỷ lục, với mục tiêu đưa vào vận hành trong tháng 6/2024. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đề ra các mốc tiến độ chính của Dự án cần phải hoàn thành, theo đó trong tháng 9/2023 sẽ hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư.
Dự án kéo dài từ Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên). Việc hoàn thành Dự án sẽ giúp tăng công suất truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc từ 2.200 MW lên 5.000 MW. Dự án bao gồm 4 dự án thành phần đã được đưa vào phụ lục Quy hoạch điện VIII: Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu (dài 226 km), Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa (91 km), Đường dây 500 kV Thanh Hóa - Nam Định 1 (73 km), Đường dây 500 kV Nam Định 1 - Phố Nối (123 km). Được biết, PECC2 được giao trọng trách là một trong những đơn vị tư vấn chính thực hiện các dự án đường dây 500kV mạch 3 này.
Theo thông tin từ Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), giá trị phần công việc tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát khoảng 690 - 920 tỷ đồng. PECC2 là đơn vị được lựa chọn tư vấn thiết kế cho 3 trong số 4 dự án thành phần thuộc Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 Bắc - Trung kéo dài (tổng chiều dài 317 km, tương đương 62% tổng chiều dài đường dây) cùng với các doanh nghiệp khác như Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1) và Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 4 (PECC4). Bên cạnh các đơn vị tư vấn đã được chỉ định này, MBS nhận định, việc triển khai Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 Bắc - Trung kéo dài sẽ có tác động tích cực đến các đơn vị có năng lực và có thể đảm nhận các công việc chính của Dự án, như Công ty CP Tập đoàn PC1 (cung cấp nguyên vật liệu, thi công công trình), Tổng công ty CP Công trình Viettel (thi công công trình điện).
Ông Phạm Nguyễn Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư cần cho phát triển Quy hoạch điện VIII khoảng 135 tỷ USD (tương đương 3.240.000 tỷ đồng), mỗi năm là 13,5 tỷ USD, trong đó nguồn vốn cần cho phát triển nguồn điện là 12 tỷ USD, nguồn vốn cần cho phát triển lưới điện là 1,5 tỷ USD.