Kế hoạch Tổng thể Công nghiệp mới (NIMP) 2030 chính là biện pháp nhằm vực dậy ngành sản xuất của Malaysia, giúp nước này đẩy lùi quá trình phi công nghiệp hóa kéo dài.
Theo Tiến sỹ Carmelo Ferlito, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Thị trường (CME), và ông Benedict Weerasena, Giám đốc Nghiên cứu tại trung tâm Bait Al Amanah, Kế hoạch Tổng thể Công nghiệp mới của Malaysia là giải pháp đột phá, giúp đảo ngược quá trình phi công nghiệp hóa ở nước này.
Kể từ cuối những năm 1990, Malaysia đã trải qua quá trình phi công nghiệp hóa sớm với việc tỷ trọng của ngành sản xuất trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) liên tục giảm. Điều này được phản ánh bởi cơ cấu GDP không cân đối so với tiêu dùng, trong khi đầu tư ngày càng giảm. Bên cạnh tiến độ chậm của việc nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu, giữa bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt, việc quá chú trọng vào ngành dịch vụ đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành sản xuất, khiến Malaysia dường như mất đi lợi thế là một cường quốc sản xuất ở khu vực. Ngoài ra, xu hướng chuyển sang một nền kinh tế tiêu thụ hơn là sản xuất ra sản phẩm tại Malaysia đang ngày càng lớn.
Có thể nói Kế hoạch Tổng thể Công nghiệp mới (NIMP) 2030 chính là biện pháp nhằm vực dậy ngành sản xuất của Malaysia. Mặc dù thừa nhận sự tồn tại đồng thời của cả ưu và nhược điểm, song các chuyên gia của CME đánh giá cao tinh thần, mục tiêu của Kế hoạch NIMP 2030, đồng thời thừa nhận vai trò trung tâm của ngành sản xuất đối với nền kinh tế quốc gia. CME khẳng định đây là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách kinh tế vĩ mô, phù hợp với Khung kinh tế Madani mà Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, hướng tới việc tái định hướng, mở rộng khả năng thu hút đầu tư ở cả trong và ngoài nước.
Đã có nhiều tranh luận về chiến lược tự do hóa trong NIMP 2030. Tuy nhiên, khi được quản lý hiệu quả, tự do hóa đầu tư có thể tạo ra mối quan hệ cộng sinh, trong đó đầu tư nước ngoài sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế nội địa bằng cách khuyến khích sự cạnh tranh, tạo thêm việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển các công ty khởi nghiệp. Đây cũng có thể là một động lực tích cực hướng tới mục tiêu hợp nhất công nghiệp, yếu tố cần thiết để phát triển ngành sản xuất trong nước và tăng sức cạnh tranh.
Cùng với chiến lược tự do hóa, cần phải hiểu rõ hơn về vai trò của Chính phủ Malaysia trong việc đảm bảo sự thành công của NIMP 2030. Bất kỳ hình thức can thiệp trực tiếp nào của chính phủ vào các kết quả do thị trường quyết định đều phải được xem xét một cách thận trọng. Ví dụ, mục tiêu về lương là tăng trung bình tích lũy 9,6%. Malaysia đã can thiệp trực tiếp bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp phải tham gia vào mô hình tiền lương lũy tiến. Điều này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh. Lý thuyết kinh tế cho thấy tiền lương được xác định bởi quy luật cung và cầu trên thị trường. Do đó, việc tăng lương “bắt buộc” cao hơn mức cân bằng thị trường có thể dẫn đến việc thay thế công nhân sản xuất có tay nghề thấp bằng tự động hóa, khiến đời sống của người công nhân trở nên khó khăn hơn.
Ngược lại, việc tăng lương thông qua sự chuyển đổi toàn diện của các ngành sang cách thức hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và thêm cơ hội việc làm có tay nghề cao là chiến lược đúng đắn. Cần lưu ý rằng các mục tiêu vĩ mô có thể được thực hiện thông qua cải cách thể chế và cơ cấu toàn diện mà không cần sự can thiệp trực tiếp của chính phủ.
Sự thay đổi mô hình từ cách tiếp cận theo định hướng ngành được sử dụng trong các Kế hoạch Tổng thể Công nghiệp trước đây sang cách tiếp cận dựa trên nhiệm vụ trong NIMP 2030 là điều đáng hoan nghênh. Trong kế hoạch này, chính phủ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển một hệ sinh thái toàn diện thông qua bốn yếu tố, bao gồm hỗ trợ hệ sinh thái trợ cấp, thúc đẩy phát triển và thu hút nhân tài, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư và quản trị kinh tế phù hợp.
Chiến lược hành động theo chiều ngang là bước đi đúng đắn nhằm đảm bảo tăng trưởng cân bằng và toàn diện giữa các ngành thông qua cơ chế định hướng ngành. Điều này cũng sẽ làm giảm nguy cơ lãng phí tài nguyên và việc triển khai kế hoạch thiếu hiệu quả, trong bối cảnh Chính phủ Malaysia tập trung ưu tiên vào một số lĩnh vực nhất định mà nước này chưa thực sự có lợi thế.
Xây dựng hệ sinh thái phù hợp có nghĩa là phải xác định rõ ràng rằng không thể đạt được các mục tiêu đã đề ra nếu không nhận thức được những khó khăn thực tế. Ví dụ, một chính sách đầy tham vọng sẽ không hiệu quả nếu không giải quyết được ở cấp độ thể chế, liên quan đến các vấn đề như quy định của luật lao động và sự điều phối tài chính của ngành ngân hàng. Cả người lao động và người sử dụng lao động chỉ có thể được hưởng lợi từ một thị trường việc làm mở, được xây dựng dựa trên quyền tự do di chuyển của lao động trong khu vực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tương tự, Chính phủ Malaysia cần cải cách các quy định của ngành ngân hàng vì hiện nay các quy định này đang gây nhiều khó khăn cho các tập đoàn có cấu trúc phức tạp, làm tăng nguy cơ gian lận trong việc bổ nhiệm các giám đốc và cổ đông giả. Hiện nay, ngân hàng địa phương sẽ yêu cầu một loạt tài liệu, giấy tờ mỗi khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Malaysia. Đây là khó khăn lớn, khiến doanh nghiệp không thể vận hành tốt nếu bất kỳ hoạt động hợp tác, thương mại với khách hàng nước ngoài đều yêu cầu bổ sung giấy tờ.
Sự hiệu quả trong triển khai Kế hoạch NIMP 2030 vẫn còn ở phía trước. Hiện nay, cơ chế thực hiện dường như phản ánh việc phân bổ ưu đãi kinh doanh thông thường cho người trung gian. Điều này vô hình trung làm tăng nguy cơ trợ cấp và trục lợi. Vì vậy, chính phủ cần có sự giám sát độc lập và có trách nhiệm giải trình cao hơn trong việc thực hiện. Việc quản lý hiệu quả Hội đồng Quốc gia về NIMP 2030 và Đơn vị Quản lý Phân phối (DMU) có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự thành công của các mục tiêu đã hoạch định. Quan trọng hơn, sự ổn định chính trị và tính liên tục của chính sách ngay cả trong trường hợp có sự thay đổi chính phủ là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo rằng NIMP 2030 không còn là một kế hoạch chỉ ở trên giấy tờ./.
Thành Trung (P/V TTXVN Tại Kuala Lumpur)