Công ty Thế kỷ 21 là "quán quân" nợ thuế ở Tp.HCM với 6.146 tỷ đồng. Việc nộp thuế không hề dễ dàng khi công ty mẹ “mắc kẹt” ở hàng tồn kho.
Liên tục bị “bêu tên” nợ thuế
Hồi giữa tháng 8/2023, Cục Thuế Tp.HCM công bố tổng mức nợ thuế trên địa bàn thành phố là hơn 53.000 tỷ đồng. Trong danh sách đó có nhiều "ông lớn" ngành địa ốc sở hữu những khoản nợ cao ngất ngưởng.
Đứng ở vị trí quán quân trong danh sách nợ thuế ở Tp.HCM là Công ty TNHH Quốc tế Thế kỷ 21 đứng đầu với 6.146 tỷ đồng. Đáng chú ý, trước đó, Thế kỷ 21 đã có chuỗi năm dài không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Năm trước, Chi cục Thuế Tp. Thủ Đức đã ban hành văn bản đối với Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 nhằm cưỡng chế hơn 5.491 tỷ đồng tiền thuế đối với các khoản sử dụng đất và thuê đất của Công ty này. Thế kỷ 21 bị cưỡng chế thuế sau khi công ty liên tục chây ì không nộp thuế.
Công ty Thế kỷ 21 đang là chủ đầu tư dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh, Tp.Thủ Đức (The Water Bay). Đây cũng là một trong 7 dự án trọng điểm mà Tp.HCM quyết liệt tháo gỡ vướng mắc từ đầu năm đến nay.
Công ty TNHH Quốc tế Thế kỷ 21 thành lập ngày 1/7/2008 tại số 26, đường Mai Chí Thọ, Phường An Khánh , thành phố Thủ Đức, Tp.HCM với ngành nghề chính là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”. Người đại diện pháp luật của công ty là ông Trần Ngọc Đại.
“Mắc kẹt” ở tồn kho
Như đã nêu trên, hiện tại, Công ty Thế kỷ 21 nợ thuế 6.146 tỷ đồng. Đa số các khoản nợ đều nằm ở công ty con. Hồi cuối năm 2022, chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước ở công ty mẹ là con số rất nhỏ, chỉ là 5 triệu đồng. Tuy không phải gánh nợ cho công ty con nhưng công ty mẹ Thế kỷ 21 đang phải đối mặt với hàng tồn kho quá lớn.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, chỉ tiêu Hàng tồn kho tại Thế kỷ 21 đạt 3.795 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 3.786 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Hàng tồn kho chiếm 82,1% tổng tài sản. Có thể thấy, phần lớn tài sản của Thế kỷ 21 đều nằm ở tồn kho.
Đáng chú ý, hàng tồn kho ở dạng hàng hóa (có thể bán hàng được ngay) rất thấp, chỉ là 667 triệu đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho ở dạng bất động sản đang xây dựng là con số khổng lồ, lên đến 3.794 tỷ đồng.Bất động sản đang xây dựng thể hiện khoản chi phí trực tiếp liên quan đến dự án Khu Dân cư Nam Rạch Chiếc và chi phí xây dựng của dự án Bình Khánh.
Giá trị hàng tồn kho cao vượt trội so với doanh thu. Doanh thu về hàng hóa và cung cấp dịch vụ năm 2022 của Thế kỷ 21 chỉ đạt 46,5 tỷ đồng, chỉ bằng 1,2% hàng tồn kho. Doanh thu giảm 26,2 tỷ đồng, tương đương 36% so với năm 2021.Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán giảm rất sâu từ 161 tỷ đồng xuống 20,9 tỷ đồng nên năm 2022, công ty ghi nhận lãi gộp đạt 24,9 tỷ đồng dù năm trước lỗ gộp 89,5 tỷ đồng.
Kết quả là lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Thế kỷ 21 đạt 10,2 tỷ đồng dù năm trước lỗ 97 tỷ đồng.
Kinh doanh lao dốc
Đây không phải năm đầu tiên Công ty Thế kỷ 21 gặp khó khăn. Từ nhiều năm gần đây, không chỉ liên tục bị “bêu tên” nợ thuế, công ty còn chứng kiến các chỉ tiêu kinh doanh đi lùi rõ nét.
Cụ thể, trong năm 2018, Công ty Thế kỷ 21 đạt doanh thu 836 tỷ đồng, sau đó giảm dần đều xuống 189 tỷ đồng (năm 2019), 183 tỷ đồng (năm 2020), 71,6 tỷ đồng (năm 2021).Như vậy, sau 5 năm, Thế kỷ 21 chứng kiến doanh thu giảm tới 790 tỷ đồng, tương đương 94,4%.Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế cũng “lao dốc” không phanh.
Năm 2018, công ty đạt lãi ròng 567 tỷ đồng, sau đó giảm xuống 122 tỷ đồng (năm 2019), 33,1 tỷ đồng (năm 2020), lỗ 97 tỷ đồng (năm 2021). Sang năm 2022, công ty có lãi trở lại với 10,2 tỷ đồng.Như vậy, sau 5 năm, lợi nhuận sau thuế của Thế kỷ 21 giảm 557 tỷ đồng, tương đương 98,2%. Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của công ty đạt 4.625 tỷ đồng, giảm 1.540 tỷ đồng, tương đương 25% so với cuối năm 2018.