• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.231,89 -14,15/-1,14%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.231,89   -14,15/-1,14%  |   HNX-INDEX   223,82   -2,39/-1,06%  |   UPCOM-INDEX   91,87   -0,48/-0,52%  |   VN30   1.286,65   -17,39/-1,33%  |   HNX30   476,60   -8,05/-1,66%
15 Tháng Mười Một 2024 6:11:09 SA - Mở cửa
Chờ dòng tiền ‘nhập cuộc’ trở lại mạnh mẽ
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 25/01/2024 8:40:50 SA

Mặc dù thanh khoản thị trường vẫn “tậm tịt” nhưng số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối năm 2023 tăng lên mức cao nhất 7 quý. Điều này được đánh giá là tín hiệu tốt, chứng tỏ thị trường chứng khoán có triển vọng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2023, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán (CTCK) vào thời điểm cuối năm 2023 đạt khoảng 83.000 tỷ đồng (khoảng 3,3 tỷ USD). Trong đó chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý.

Lượng tiền gửi tại công ty chứng khoán lên cao nhất 7 quý

Đây là quý thứ 3 liên tiếp, lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK ghi nhận tăng trưởng so với quý trước, đồng thời là mức cao nhất trong vòng 7 quý. So với cuối quý III, con số này đã tăng khoảng 6.000 tỷ đồng và tăng khoảng 20.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Mặc dù thanh khoản thị trường vẫn “tậm tịt” nhưng số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vẫn tăng cao kỷ lục. 

Không chỉ lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK gia tăng, mà nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính cũng được đẩy mạnh. Dư nợ cho vay tại các CTCK vào thời điểm cuối quý IV/2023 ước tính lên đến 180.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15.000 tỷ so với cuối quý III. Trong đó, dư nợ margin ước tính vào khoảng 172.000 tỷ đồng, tăng 13.000 tỷ trong 3 tháng cuối năm.

Đáng nói, số dư tiền trong tài khoản nhà đầu tư và dư nợ margin tăng mạnh trong bối cảnh lượng tài khoản chứng khoán ghi nhận sụt giảm thê thảm và thanh khoản thị trường liên tục phá đáy trong những tháng cuối năm.

Đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 7,2 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, giảm ròng hơn 530.000 tài khoản so với đầu quý IV. Đặc biệt, lượng tài khoản đã mất thực tế có thể lớn hơn bởi những sai số về hoạt động rà soát và thanh lọc của các cơ quan chức năng về dữ liệu người tham gia chứng khoán.

Dù hàng tháng vẫn có hàng trăm nghìn tài khoản được mở mới nhưng chưa thể phản ánh chính xác mức độ người dân tham gia vào chứng khoán, bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều CTCK nhờ thủ tục dễ dàng.

Về thanh khoản thị trường, từ đầu quý III/2023, giá trị giao dịch bình quân trên sàn HoSE đã xuống ngưỡng 13.000-15.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn thanh khoản bùng nổ tháng 7-9/2023 với nhiều phiên đạt ngưỡng tỷ USD. Sang đến đầu tháng 1/2024, thanh khoản vẫn chưa được cải thiện nhiều, chỉ quanh ở mức 15.000-17.000 tỷ đồng/phiên.

Nhiều ý kiến cho rằng lượng tiền khổng lồ nằm chờ trên tài khoản chứng khoán cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi thị trường có tín hiệu để mua trở lại, và không rút tiền đi gửi các kênh đầu tư khác. Hay nói cách khác, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.

Việc thanh khoản giảm cũng được một số chuyên gia nhận xét là nhiều nhà đầu tư hiện chưa đẩy mạnh giải ngân do kỳ vọng thị trường điều chỉnh để có giá hợp lý hơn. Sức ép tài chính cận Tết Nguyên đán khiến nhà đầu tư rút một phần tài sản trên thị trường và bảo toàn những gì đang có để chờ nhập cuộc sau dịp nghỉ Tết cũng được cho là một trong những nguyên nhân chính.

Kỳ vọng thanh khoản lớn trở lại

Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh DSC, nhìn chung hầu hết các năm, thị trường thường giao dịch tương đối ảm đạm và thanh khoản kém vào giai đoạn cận Tết âm lịch. Đó là diễn biến rất bình thường khi trong một kỳ nghỉ lễ kéo dài (thường là 1 tuần), có rất nhiều sự kiện trong nước và thế giới sẽ xảy ra, và thực sự rất khó lường.

Nếu đó là những sự kiện xấu, đương nhiên nhà đầu tư sẽ rất bị động. Do đó, lực bán hạ tỷ trọng là rất bình thường. Thêm một lý do nữa là trong tuần nghỉ Tết, dù không giao dịch nhưng các vị thế vay margin vẫn chịu lãi vay, nên thường các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao sẽ thường hạ bớt áp lực. Nếu kỳ nghỉ lễ “êm ả” và không có sự kiện, thông tin xấu gì, sau đó thị trường sẽ tăng trở lại trong những phiên đầu xuân.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Chứng khoán KB cho rằng việc thu gọn các khoản đầu tư cũng là hoạt động tổng kết hiệu quả đầu tư của một năm. Nếu có đầu tư mới, nhiều nhà đầu tư có thể chờ cơ hội sau đợt nghỉ Tết. Bên cạnh đó, cũng có thể có sức ép tài chính cận Tết Nguyên đán hối thúc các động thái bán và rút một phần tài sản trên thị trường.

“Hiện tượng một lượng tiền lớn nằm chờ ở tài khoản ở các CTCK cho thấy các nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc sau dịp nghỉ Tết”, ông Nhân nhận định.

Chuyên gia này cũng đưa ra dự báo, sau Tết, thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ tăng mạnh cho tới hết quý I/2024 trong bối cảnh những câu chuyện kém khả quan đã được hấp thụ trong năm 2023. Chỉ số VN-Index có nhiều cơ hội vượt vùng đỉnh tháng 9/2023 (mức 1.255 điểm) ngay trong tháng 2/2024, thậm chí chinh phục mốc 1.300 trong quý I/2024.

Thực tế, trong hơn 3 tuần đầu năm mới 2024, TTCK chưa bứt phá nhưng cũng nhúc nhích đi lên. Đáng chú ý, đa số dự báo đều tích cực với TTCK, trong khi các kênh đầu tư khác đang có vẻ yếu thế hơn hẳn.

Chẳng hạn như thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, giá vàng sau giai đoạn cao trào cũng “hạ nhiệt” hơn trước.

Còn lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng hiện rất thấp. Tiền gửi ngắn hạn ở mức 3-5%/năm, từ 12 tháng trở lên phần lớn cũng ở mức 5-6%/năm, lãi suất tiền gửi tiết kiệm chỉ bằng khoảng 40-50% so với thời kỳ đỉnh cao hồi nửa cuối năm 2022.

“Với mức lãi suất thấp như hiện tại, chỉ cần mua đúng cổ phiếu trong vòng 3 phiên là có thể kiếm lãi gấp nhiều lần. Sức hấp dẫn của TTCK rõ ràng là cao hơn nhiều so với kênh gửi tiết kiệm và sự trầm lắng của kênh bất động sản”, một chuyên gia cho hay.

Mặt khác, dòng tiền ở những phiên gần đây bắt đầu có sự xoay chiều và chuyển biến tích cực khi có sự dịch chuyển sôi động giữa các nhóm ngành cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn là nhóm duy nhất dẫn dắt thị trường mà còn có sự tham gia của các nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, bán lẻ, thép và dầu khí. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã bắt đầu ổn định hơn, sẵn sàng hơn trong việc mở rộng danh mục của mình.

“Khi dòng tiền chuyển dịch vào các nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ và vừa, giao dịch chứng khoán có thể trở nên sôi động", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng.

Hải Giang