• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.246,09 -3,46/-0,28%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.246,09   -3,46/-0,28%  |   HNX-INDEX   221,68   -0,01/0,00%  |   UPCOM-INDEX   92,84   +0,04/+0,04%  |   VN30   1.314,81   -2,14/-0,16%  |   HNX30   461,80   +1,55/+0,34%
21 Tháng Giêng 2025 5:46:56 CH - Mở cửa
Kỳ vọng cổ phiếu ngành dược duy trì 'phong độ' ổn định
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 24/01/2024 8:36:07 SA

Nhờ gam màu sáng đóng vai trò chủ đạo trong bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mà giá cổ phiếu nhóm ngành dược ghi nhận mức tăng khá ổn định. Về dài hạn, nhóm này vẫn đang được đánh giá là có dư địa lớn.

Theo quan sát, trong năm 2023, cổ phiếu ngành dược mặc dù không ghi nhận đà tăng vượt trội nhưng “phong độ” của hầu hết các mã đều đi lên khá ổn định trong bối cảnh thị trường phân hóa cao.

Gam màu sáng chiếm chủ đạo

Điển hình, từ phiên 3/1 – 29/12/2023, cổ phiếu DMC (Xuất nhập khẩu Y tế Domesco) tăng từ 41.900 đồng/cp lên 57.600 đồng/cp, PMC (Dược phẩm Dược liệu Pharmedic) tăng từ 81.700 đồng/cp lên 86.100 đồng/cp, DHG (Dược Hậu Giang) lên tới 104.000 đồng/cp từ mức giá 86.400 đồng/cp, DP1 (Dược phẩm Trung ương CPC1) tăng nhẹ từ 32.100 đồng/cp lên 34.400 đồng/cp…

Thậm chí, cổ phiếu FRT của FRT Retail đóng cửa năm ở mức giá 107.000 đồng/cp, cao nhất trong lịch sử niêm yết, tăng 81% so với đầu năm.

Hầu hết cổ phiếu ngành dược vẫn ghi nhận đà tăng khá ổn định trong bối cảnh thị trường phân hóa cao. 

Sự ổn định của hầu hết các mã trong nhóm cổ phiếu dược được cho là liên quan khá lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đáng chú ý, sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh đầy khởi sắc trong 6 tháng đầu năm, sức cầu thấp trên diện rộng đã khiến đà tăng trưởng của ngành dược giảm tốc trong quý III và chứng kiến lợi nhuận phân hóa giữa các doanh nghiệp.

Năm 2023, tình hình chung của kênh phân phối thuốc ở các bệnh viện (ETC – thuốc có kê đơn) chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt. Trong đó, đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của kênh này đến từ việc các quy chế đấu thầu thuốc trong bệnh viện đã được nới lỏng và thông thoáng hơn, nhờ đó lưu lượng bệnh nhân tới khám, chữa bệnh tại bệnh viện gia tăng, thúc đẩy tiêu thụ sản lượng thuốc trên kênh ETC.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh ở mảng OTC (thuốc không kê đơn) có dấu hiệu đi ngang, thậm chí suy giảm nhẹ và đang trong giai đoạn “vàng thau lẫn lộn”. Trước tiên, sức mua qua kênh OTC bị ảnh hưởng phần nào bởi sức cầu yếu đi khi thu nhập người tiêu dùng giảm. Theo đó, sức mua duy trì tăng trưởng trong quý I, có xu hướng giảm từ quý II và đà tăng nửa cuối năm cũng gặp nhiều thách thức. Ngoài ra, sau thời kỳ dịch bệnh kéo dài, nhu cầu sử dụng, tích trữ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm về đường hô hấp tăng đột biến, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đã bùng nổ. Trong khi việc kiểm soát chất lượng còn nhiều khó khăn, có những sản phẩm hàng giả, hàng nhái xuất hiện, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của thị trường dược.

Tuy nhiên, nhìn chung cả năm 2023, gam màu sáng vẫn đang đóng vai trò chủ đạo trong bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, với đa số doanh nghiệp dược ổn định và duy trì nhịp tăng trưởng về doanh thu.

Có thể thấy, với vị thế là một ngành thiết yếu, ít chịu ảnh hưởng từ những “rung lắc” của thị trường và sự suy giảm của kinh tế, trong bối cảnh ảm đạm của đa số lĩnh vực từ đầu năm 2023 đến nay, ngành dược dù không hoàn toàn “miễn dịch” song vẫn là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh.

Tiềm năng tăng trưởng cao

Thực tế, nhiều công ty dược phẩm đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với mức tăng trưởng cao.

Điển hình, CTCP Dược Hậu Giang vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu thuần đạt 1.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế theo đó tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 261 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.015 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.160 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 6% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.051 tỷ đồng, tăng 6%.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp đầu ngành dược phẩm Việt Nam báo lãi ròng trên mức nghìn tỷ trong một năm tài chính. Với kết quả này, Dược Hậu Giang đã hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu và vượt 3% mục tiêu lợi nhuận đặt ra trước đó.

Hay như CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic cho biết ghi nhận 132 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý cuối năm ngoái, tăng 4% so với cùng kỳ. Công ty báo lãi trước thuế gần 31 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 25 tỷ đồng, cùng tăng 7% so với cùng kỳ.

Tính chung năm 2023, Dược liệu Pharmedic ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 485 tỷ đồng và lãi trước thuế 105 tỷ, đều tăng trưởng dương so với năm 2022. Lợi nhuận ròng sau thuế nhà sản xuất này thu về được trong năm vừa qua là gần 84 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch đặt ra.

Tương tự, CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (DP3) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu thuần đạt gần 98 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm đáng kể các chi phí phát sinh trong kỳ này nên công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương và đạt 63 tỷ đồng trước thuế (+24%). Lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng và đạt gần 51 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, Dược phẩm Trung ương 3 ghi nhận 410 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 125 tỷ đồng.

CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1) cũng ghi nhận tăng trưởng dương trong năm vừa qua. Trong đó, công ty lãi sau thuế quý cuối năm tăng gần 136%, đạt 33 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2023, Dược phẩm Trung ương CPC1 đạt 2.158 tỷ đồng doanh thu và báo lãi ròng 116 tỷ đồng, gần như đi ngang ở chỉ tiêu doanh thu so với năm 2022 nhưng lợi nhuận đã tăng gấp 2,3 lần.

Nhận xét về nhóm ngành dược trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng ngành này vẫn đối mặt không ít thách thức, đặc biệt là kênh OTC sẽ gặp nhiều rào cản trong việc duy trì tăng trưởng do tình hình phục hồi kinh tế vẫn chậm và chưa thể cải thiện trong ngắn hạn.

Mặc dù đưa ra lưu ý cần theo dõi sát sao tốc độ chuyển trạng thái của nền kinh tế và nguy cơ gia tăng chi phí đầu vào do diễn biến của các cuộc xung đột trên thế giới, song theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp, các chuyên gia dự báo ngành dược nhiều khả năng sẽ phục hồi trước nhịp phục hồi của nền kinh tế và tình hình sẽ có những cải thiện đáng kể trong quý IV/2024.

Về tầm nhìn dài hạn, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” - nhóm các quốc gia có tỷ lệ thâm nhập dược phẩm tương đối thấp và tiềm năng tăng trưởng cao. Với dư địa phát triển lớn, ngành dược đang đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện và bứt phá trở thành một trong những trụ cột kinh tế. Trong đó, một số điểm sáng để kỳ vọng được chỉ ra, bao gồm: quy mô dân số lớn, tốc độ già hóa nhanh, mức sống và trình độ dân trí ngày càng cải thiện; cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết; các chính sách của Chính phủ và sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành.

Hải Giang