Thị trường chứng khoán châu Á chuyển động trái chiều phiên đầu tuần 8/1, khi các nhà đầu tư chuẩn bị đón nhận dữ liệu lạm phát của Mỹ và Trung Quốc.
Trong ảnh (tư liệu): Bảng tỉ giá chứng khoán tại ngân hàng Hana ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Bên cạnh đó, mùa báo cáo doanh nghiệp quý IV/2023 bắt đầu cũng tác động tới diễn biến của các cổ phiếu.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) không thay đổi vào đầu phiên này, sau khi giảm 2,5% vào tuần trước.
Căng thẳng địa chính trị đang có chiều hướng leo thang, giữa lúc hoạt động vận chuyển bị gián đoạn ở Biển Đỏ đã làm tăng giá dầu và chi phí vận chuyển ở châu Âu, trong khi cuộc xung đột giữa Israel với lực lượng Hamas có nguy cơ lan rộng sang Liban.
Trong khi đó, tại Mỹ, các thông tin có vẻ hứa hẹn hơn khi các nhà lãnh đạo Quốc hội đã nhất trí về một thỏa thuận chi tiêu trị giá 1.600 tỷ USD nhằm ngăn chặn việc Chính phủ đóng cửa một phần.
Tại Nhật Bản, thị trường chứng khoán đóng cửa nghỉ lễ sau khi đóng cửa ở mức 33.377 điểm vào tuần trước. Còn tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi mở cửa tăng 9,9 điểm (0,38%), lên 2.587,98 điểm, chủ yếu nhờ đà tăng của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.
Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng 8/1, khi dữ liệu việc làm tốt hơn dự báo của Mỹ làm giảm hy vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm. Mở cửa, chỉ số Hang Seng tăng 0,28%, tương đương 46,53 điểm, lên 16.581,86 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,20%, tương đương 5,73 điểm, xuống 2.923,46 điểm.
Tại thị trường trong nước, đầu phiên giao dịch 8/1 chỉ số VN-Index tăng 7,1 điểm (0,61%) lên 1.161,84 điểm; HNX-Index cũng tiến 1,9 điểm (0,8%) lên 234,68 điểm.
Minh Trang