Chứng khoán châu Á bắt đầu ngày giao dịch đầu tiên của năm 2024 khá trầm lắng, khi các nhà đầu tư chờ đợi những số liệu kinh tế quan trọng dự kiến được công bố vào cuối tuần.
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã giảm 0,1% khi mở đầu phiên này, nhưng vẫn dao động gần mức cao nhất trong 5 tháng đạt được vào tuần trước.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chính tăng giảm trái chiều khi mở cửa giao dịch. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 0,51% (87,73 điểm) lên 17.135,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,07% (2,16 điểm) xuống 2.972,78 điểm.
Tuy nhiên, Hang Seng đã nhanh chóng giảm hơn 1% sau khi một cuộc khảo sát khu vực tư nhân công bố cùng ngày cho thấy hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 12/2023. Điều này trái ngược với một báo cáo hồi cuối tuần trước của chính phủ nước này, trong đó lại cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 12/2023.
Ông Christopher Wong, chiến lược gia tiền tệ tại ngân hàng OCBC, cho biết sự khác biệt trên làm nổi bật tính mong manh của đà phục hồi kinh tế Trung Quốc. Thị trường sẽ tiếp tục theo dõi xem số liệu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có ổn định hay lại suy yếu trong giai đoạn tiếp theo.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,29% (7,74 điểm) xuống 2.647,54 điểm ngay trong 15 phút giao dịch đầu tiên. Về cuối phiên sáng, mức giảm thu hẹp xuống còn 0,21% dù thị trường không có nhiều động lực đi lên.
Thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ trong phiên này.
Nhu cầu về các kênh đầu tư rủi ro tăng mạnh sau khi chỉ số MSCI toàn cầu, thước đo chung về cổ phiếu của các thị trường phát triển toàn cầu, tăng 22% trong cả năm 2023 và đánh dấu mức tăng tốt nhất trong 4 năm gần đây. Động lực thúc đẩy chính cho mức tăng ấn tượng trên là triển vọng các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu có thể bắt đầu nới lỏng lãi suất trong năm nay, khi phần lớn người tiêu dùng và doanh nghiệp đang chịu sức ép từ chi phí đi vay cao.
Trọng tâm thị trường hiện dành cho một loạt dữ liệu dự kiến được công bố vào cuối tuần này. Chúng sẽ cung cấp dấu hiệu rõ ràng hơn về việc các ngân hàng trung ương lớn có bao nhiêu dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, cũng như việc cắt giảm lãi suất đó có thể diễn ra trong bao lâu.
Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ công bố số liệu lạm phát sơ bộ vào thứ Sáu (5/1). Báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ cũng sẽ được đưa ra vào cùng ngày (theo giờ địa phương).
Tại thị trường trong nước, vào lúc 10 giờ 25 phút phiên 2/1, chỉ số VN - Index tăng 8,63 điểm (0,76%) lên 1.1386,56 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 0,71 điểm (0,31%) lên 231,75 điểm.
H.Thủy (TTXVN)