Nhờ niềm tin rằng làn sóng tăng lãi suất sắp kết thúc, thị trường chứng khoán toàn cầu đã ghi nhận năm thăng hoa nhất kể từ năm 2019, sau đợt tăng mạnh kéo dài hai tháng.
Hoạt động tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tạp chí Finacial Times, chỉ số MSCI World - thước đo chung về cổ phiếu của các thị trường phát triển toàn cầu - đã tăng 16% kể từ cuối tháng 10 và tăng 22% trong năm nay. Đây mức tăng tốt nhất trong vòng 4 năm qua.
Thành quả đó phần lớn được thúc đẩy bởi chỉ số S&P 500 tiêu chuẩn của Phố Wall, vốn tăng 14% kể từ tháng 10 và 24% trong năm nay. Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của năm 2023, S&P 500 dừng chân ở ngưỡng xấp kỷ lục mọi thời đại của nó. Nguyên nhân đằng sau được cho là nhờ sự thay đổi mạnh mẽ trong kỳ vọng của các nhà đầu tư về lãi suất, sau một loạt dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến tại các nền kinh tế phương Tây.
Ngày càng nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng rằng lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh vào năm 2024. Yếu tố trên đồng thời kích thích sự phục hồi của thị trường trái phiếu, thu hút các nhà đầu tư vào cổ phiếu nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) cũng góp phần thúc đẩy xu hướng này vào giữa tháng 12, sau khi cơ quan đưa ra các dự báo chính sách báo hiệu việc cắt giảm lãi suất đáng kể vào năm tới. Chiến lược gia Tim Murray tại hãng quản lý đầu tư T Rowe Price nhận định: “Một khi Fed xoay trục, nó thực sự khiến các nhà đầu tư có tâm lý tích cực. Đó là một việc hệ trọng và bất ngờ”.
Finacial Times lưu ý chỉ số S&P 500 chỉ còn cách nhẹ mức kỷ lục tháng 1/2022 trong phiên gia dịch sau Giáng sinh, trước khi giảm 0,3% vào ngày giao dịch cuối cùng của năm hôm 29/12.
Chỉ số này tăng 0,3% trong tuần qua, đánh dấu tuần tăng thứ 9 liên tiếp trong thời gian dài nhất kể từ đầu năm 2004. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp toàn cầu của Bloomberg về nợ chính phủ và doanh nghiệp tăng 6% trong năm nay.
Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ, một chuẩn mực cho tài sản tài chính toàn cầu biến động ngược chiều với giá trái phiếu, đã giảm xuống 3,87% từ mức hơn 5% trong tháng 10 khi lạm phát tiếp tục trượt dốc. Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 3,1% trong năm tính đến tháng 11, so với mức 9,1% trong 12 tháng tính đến tháng 6/2022. Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone giảm xuống 2,4%, tốc độ hàng năm chậm nhất kể từ tháng 7/2021, trong khi lạm phát ở Anh đã giảm mạnh xuống còn 3,9%.
Các nhà giao dịch đang đặt niềm tin vào sáu lần cắt giảm lãi suất của cả Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối năm 2024. Nếu xảy ra, điều đó sẽ trái ngược hoàn toàn so với mối lo ngại lãi suất cao hơn kéo dài hơn trước đó, vốn đã gây ra đợt bán tháo trái phiếu toàn cầu vào mùa thu.
Bà Sonja Laud, Giám đốc đầu tư hãng Legal and General Investment Management, cho biết: “Các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu đã phải đối mặt với khó khăn trong năm nay. Bất kỳ điểm dữ liệu nào cũng có thể tạo ra nhiều biến động”.
Dù vậy, một số nhà đầu tư cho rằng thị trường đang lạc quan quá mức về khả năng lạm phát sẽ duy trì có xu hướng giảm nếu nền kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái.
Một số cổ phiếu công nghệ lớn đã đóng góp phần lớn vào mức tăng của Phố Wall trong năm nay, mặc dù đà tăng đã mở rộng trong những tuần gần đây bên ngoài nhóm 7 tập đoàn lớn “Magnificent Seven” gồm Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon, Tesla, Meta và Nvidia. Chỉ số Nasdaq Composite đã tăng 43% trong năm nay, đạt mức tốt nhất trong hai thập kỷ.
Ngược lại, FTSE 100 của London đã tụt hậu so với thị trường Mỹ và châu Âu, tăng chưa đến 4% vào năm 2023.
Hoàng Trang/Báo Tin tức