Các ngân hàng sẵn sàng mở rộng hạn mức cho các chương trình ưu đãi nếu các doanh nghiệp có nhu cầu. Không chỉ với lâm thủy sản, lúa gạo, các lĩnh vực khác có tiềm năng cũng được nhà băng dồn nguồn vốn hỗ trợ.
Với tốc độ tăng trưởng tín dung 9 tháng đầu năm đạt 9%, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay, trong 3 tháng còn lại của năm, các ngân hàng sẽ mở rộng quy mô tín dụng thêm khoảng 800.000 tỷ đồng nữa. Dòng chảy tín dụng khơi thông sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cuối năm nay và những năm tiếp theo.
Tăng quy mô chương trình ưu đãi
Như vậy, trong tháng 9 và tuần cuối cùng của tháng 8, tín dụng tăng 2,37%, cao gấp gần 3 lần so với tốc độ tăng bình quân của 8 tháng đầu năm (hơn 0,8%/tháng). Riêng tháng 9 đã có gần 300.000 tỷ đồng được các ngân hàng cho vay. Đây là sự bứt phá ấn tượng, đặt thêm kỳ vọng toàn ngành hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này khiến dư luận không khỏi đặt các nghi vấn liên quan đến chất lượng tín dụng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần chỉ rõ, tín dụng tăng cao vào những tháng cuối năm là hoàn toàn bình thường, do cầu vốn của nền kinh tế thường tăng cao vào thời điểm này.
Ngân hàng sẽ cho vay đến 3 tỷ đồng không cần thế chấp, lãi suất thấp hơn 1% cho Đề án 1 triệu ha lúa.
Cơ quan quản lý cũng cho biết nguồn vốn đang chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Đại diện Công ty CP Hoàng Minh Nhật (Sóc Trăng) chia sẻ, 90% lượng gạo sản xuất ra của doanh nghiệp này đã có đầu ra. Việc giá gạo tăng lên mức cao thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp ngành lúa gạo mạnh dạn đầu tư sản xuất. Công ty đã liên tục có ngân hàng chào mời vay vốn.
Theo ước tính của NHNN, tín dụng cho một số mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như lúa gạo, cà phê, lâm sản đang có dấu hiệu tích cực.
Thời gian qua, tín dụng đối với ngành lúa gạo luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay ngành lúa gạo toàn quốc đạt 220.937 tỷ đồng, tăng 6,11% so với cuối năm 2023 (cuối năm 2023 tăng 24,09%).
Trong đó, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tín dụng đối với lĩnh vực lúa gạo luôn có mức tăng trưởng cao, hiện đạt khoảng 115.629 tỷ đồng, chiếm 52,34% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc.
Tương tự, với chương trình tín dụng ưu đãi lâm, thủy sản, tính đến giữa tháng 9/2024, toàn ngành ngân hàng đã giải ngân đạt 36.000 tỷ đồng, vượt 6.000 tỷ đồng so với quy mô 30.000 tỷ đồng được bổ sung hồi tháng 2/2024. Hiện nay, ngành ngân hàng tăng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực lâm, thủy sản lên 60.000 tỷ đồng.
Kết quả này trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng quy mô gói tín dụng, tiếp tục tạo điều kiện cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm.
Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn
Nhiều ngân hàng cho biết sẵn sàng mở rộng hạn mức cho các chương trình ưu đãi nếu các doanh nghiệp có nhu cầu. Không chỉ với lâm thủy sản, các lĩnh vực khác có tiềm năng cũng được ngân hàng dồn nguồn vốn hỗ trợ.
Mỗi nhóm doanh nghiệp có một đặc thù khác nhau, nhu cầu vốn khác nhau, nên nhiều ngân hàng đưa ra các ưu đãi cho từng nhóm ngành. Đơn cử, PVcomBank triển khai sản phẩm tín dụng doanh nghiệp dệt may, với mục tiêu đa dạng giải pháp tài chính. Đại diện ngân hàng cho biết, các doanh nghiệp có kinh nghiệm từ 3 năm hoạt động liên tục trong ngành dệt may, đạt tỷ trọng doanh thu trên 50%, kinh doanh có lãi trong năm tài chính gần nhất, đồng thời đang có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh có thể tìm hiểu sản phẩm tín dụng của PVcomBank để tiếp cận nguồn vốn kịp thời.
Trong khi đó, một số ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ riêng dành cho doanh nghiệp cần thu mua nông sản, như: NamABank, LPBank, HDBank, MB, SHB…
Ở góc độ cơ quan quản lý, NHNN cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng vào những lĩnh vực trọng tâm, là động lực của nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Mới đây, NHNN đã có văn bản gửi các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tổ chức tín dụng thực hiện Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Theo hướng dẫn của NHNN, khách hàng tham gia vào các liên kết sản xuất lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về tín dụng. Mức cho vay không cần tài sản bảo đảm tối đa có thể từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng. Đặc biệt, với các dự án sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết và ứng dụng công nghệ cao, mức cho vay không có tài sản bảo đảm có thể đạt tới 70% - 80% giá trị phương án hoặc dự án.
Đặc biệt, lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn, cùng nhóm.
Huyền Anh-Link gốc