• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,83 -1,38/-0,11%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,83   -1,38/-0,11%  |   HNX-INDEX   225,29   -0,03/-0,02%  |   UPCOM-INDEX   92,44   0,00/0,00%  |   VN30   1.309,18   +0,35/+0,03%  |   HNX30   482,13   +0,21/+0,04%
04 Tháng Mười Hai 2024 12:35:39 SA - Mở cửa
Loạt thách thức doanh nghiệp trong 'cuộc cách mạng' chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 17/10/2024 8:43:00 SA

Việc thực hiện đồng thời chuyển đổi số kết hợp với chuyển đổi xanh sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với tiềm lực hạn chế, thách thức này càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn nhiều lần.

Do đó, theo các chuyên gia, để quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh được hiệu quả, thì ngoài hành động của doanh nghiệp sẽ rất cần sự dẫn dắt đồng hành của các cấp các ngành và cần đồng thời tiến hành cùng lúc.

Chuyển đổi kép để tạo động lực phát triển

Chia sẻ tại diễn đàn “Kiến tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”, được tổ chức ngày 16/10, tại Hà Nội, ông Đặng Vũ Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Phong Phú (PPJ Group) cho rằng, khi chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đi cùng nhau sẽ tác động tạo nên động lực cho nhau. Công nghệ số giúp sản sản xuất xanh và sự tăng trưởng xanh của doanh nghiệp, tạo sự bền vững vượt trội.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, từ thực tiễn của doanh nghiệp đi đầu trong ngành dệt may, để thực hiện tốt quá trình chuyển đổi kép đều là thử thách, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp mà tiềm lực còn hạn chế thì thử thách này trở nên khuếch đại nhiều lần.

Để quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh được hiệu quả, thì ngoài hành động của doanh nghiệp sẽ rất cần sự dẫn dắt đồng hành của các cấp các ngành và cần đồng thời tiến hành cùng lúc.

Đơn cử, tại PPJ hiện nay lộ trình điều chỉnh các chỉ số phát triển bền vững theo yêu cầu của khách hàng giai đoạn từ năm 2023 – 2030, cần đảm bảo tái chế 70% nguồn nước thải từ các sản phẩm dệt may, tăng sử dụng nguồn nguyên liệu xanh lên 50%, hoặc tăng việc sử dụng nguồn hóa chất xanh lên 90% - mức độ gần như tuyệt đối,... “Lộ trình này rất rõ ràng và nghiêm ngặt. Đó là áp lực khó giải tỏa với bất kỳ doanh nghiệp ngành dệt may nào, đặc biệt là với các doanh nghiệp trong sân chơi xuất khẩu”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, chi phí đầu tư cho công nghệ, chi phí đầu vào của sản xuất khiến giá thành sản phẩm tăng cao so với truyền thống, và không phải thương hiệu nào cũng sẵn sàng chi trả cho khoản chênh lệch này.

Cũng là một đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn, ông Ngô Minh Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH chia sẻ: “Ở TH, công nghệ số và mô hình kinh tế tuần hoàn– Kinh tế xanh được tích hợp vào công nghệ số đã được thực hiện ngay từ khi xây dựng doanh nghiệp với sự kết nối chặt chẽ, song hành giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”.

Có thể thấy, còn quá ít doanh nghiệp ở các ngành làm được như PPJ và TH. Tư duy chuyển đổi số song hành chuyển đổi xanh của nhiều doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức và bước đầu thực hiện.

Với những doanh nghiệp đã đang chuyển đổi thì phải xoay sở để giữ giá bán trong khi vẫn đảm bảo sản phẩm xanh – công nghệ xanh, đảm bảo được các yêu cầu tuân thủ của nhãn hàng và thị trường. Trong bối cảnh đó, nguồn tài chính là quan trọng, trong khi đó, chính sách chủ trương hỗ trợ DN đã có nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống.

TS. Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nói rằng, trên lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức chung như chuyển đổi kép cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, net zero trong phát triển năng lượng, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong xuất khẩu sản phẩm vào EU, Cơ chế chống đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU), luật thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo dòng chảy thông tin, dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới…

"Củ cà rốt và cây gậy" trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cho rằng quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần được thực hiện song song để đạt hiệu quả, bởi tiết kiệm năng lượng là yếu tố vô cùng quan trọng. Ông dẫn ví dụ về việc nâng cấp lên mạng 5G, khi Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mạng này tiêu tốn năng lượng gấp 5 lần so với mạng 2G, 3G, và 4G cộng lại. Tương tự, các ngành công nghiệp bán dẫn và trung tâm dữ liệu cũng đối mặt với thách thức lớn về năng lượng. Vì vậy, cần phải tính toán kỹ lưỡng để kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh.

TS Cấn Văn Lực đã đề xuất ba giải pháp dài hạn quan trọng. Đầu tiên, ông nhấn mạnh việc cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia, điều đã được kiến nghị từ năm ngoái. Mặc dù năng suất lao động có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng, nên cần khẩn trương thành lập ủy ban này.

Thứ hai, ông cho rằng khoa học công nghệ sẽ là mũi nhọn phát triển trong thời gian tới, tuy nhiên cơ chế thử nghiệm sandbox trong ba năm để phát triển fintech và AI vẫn chưa được triển khai. Bên cạnh đó, các luật về Công nghiệp công nghệ số và Khoa học công nghệ cần được thông qua sớm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Cuối cùng, doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh không chỉ cần chính sách hỗ trợ mà còn phải có thêm nguồn lực bổ sung.

Ông Lực nhấn mạnh rằng, để làm tốt những điều trên thì 2 vấn đề quan trọng là nguồn lực hỗ trợ và chế tài. Do đó, ông đề xuất nên thành lập quỹ chuyển đổi xanh, bởi theo vị chuyên gia này: “Để làm tốt điều trên, cần có củ cà rốt và cây gậy - quỹ sẽ giúp khuyến khích chuyển đổi xanh sớm hơn, nhanh hơn, còn chế tài - chính là cây gậy, giúp xử lý và phân loại rác thải tốt hơn”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để kiến tạo được nền kinh tế mới nói chung và thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh nói riêng cần phải có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, cần giải quyết mối quan hệ giữa hiệu quả và chi phí trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đặc biệt là trong bối cảnh năng lực và trình độ của doanh nghiệp chưa cao; đa số các doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và đảm bảo các cam kết quốc tế.

Hồng Hương-Link gốc