• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 7:10:32 CH - Mở cửa
Hai “cú hích” để ngành xếp hạng tín nhiệm tăng tốc
Nguồn tin: VietNam Finance | 21/10/2024 12:19:11 CH

 Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings, bên cạnh nỗ lực từ chính các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thì theo thông lệ quốc tế, cần hai “cú hích” quan trọng nhất là lực đẩy từ chính sách (policy push) và cầu kéo từ phía nhà đầu tư (investor pull) để ngành xếp hạng tín nhiệm có thể phát triển và qua đó hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường vốn.

Doanh nghiệp tự nguyện xếp hạng tín nhiệm

Xếp hạng tín nhiệm được kỳ vọng là một trụ cột quan trọng trong việc đánh giá rủi ro tài chính và thúc đẩy sự minh bạch trên thị trường vốn tại Việt Nam. Hiện tại, thị trường xếp hạng tín nhiệm cũng có sự tham gia của 4 doanh nghiệp được cấp phép, bao gồm FiinRatings, Saigon Ratings, Sài Gòn Ratings và VIS Rating. Song, sau nhiều năm hoạt động, ngành xếp hạng tín nhiệm vẫn chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng.

Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings, thừa nhận: “Thị trường nhìn chung nhiều khó khăn, số lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) không nhiều từ năm ngoái đến nay đã phần nào phản ánh sức sống của thị trường cũng như ảnh hưởng đến nhu cầu về hoạt động xếp hạng tín nhiệm”.

Giải thích cụ thể hơn, ông Thuân cho biết, nhu cầu xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp Việt hiện tại còn thấp. Lý do là bởi các nhà đầu tư tổ chức mới bước đầu áp dụng qua việc tham khảo kết quả xếp hạng tín nhiệm nội địa vào việc đánh giá rủi ro và phân bổ tài sản, trong khi đó, kết quả xếp hạng tín nhiệm lại chưa có nhiều ý nghĩa với các nhà đầu tư cá nhân và công chúng nói chung. Thêm vào đó, bản thân các tổ chức cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nội địa chưa có đủ độ bao phủ cũng như cần phải có thêm thời gian để chứng minh được giá trị trong mắt nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm sẽ “gãy cánh”. Lý do là bởi đã có một số doanh nghiệp mặc dù chưa phát hành trái phiếu nhưng họ có chủ trương mình bạch cao và thực hiện xếp hạng tín nhiệm nhằm hỗ trợ cho chiến lược vốn của họ, dù chưa thuộc đối tượng bắt buộc thực hiện xếp hạng tín nhiệm theo quy định hiện hành, vẫn tự nguyện tìm đến các đơn vị xếp hạng tín nhiệm để “khám sức khỏe”.

“Sau 4 năm được Bộ Tài chính cấp phép và hoạt động, FiinRatings đã thực hiện xếp hạng gần 50 doanh nghiệp lớn. Thực tế trong danh mục khách hàng của chúng tôi, chỉ có vỏn vẹn 5 – 7 doanh nghiệp bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm, còn lại là họ chủ động thực hiện một cách tự nguyện”, ông Thuân nói.

Bên cạnh đó, theo thông lệ quốc tế, các đơn vị xếp hạng tín nhiệm cũng đang nỗ lực đa dạng hóa hoạt động và nguồn thu của mình, không gói gọn trong việc phục vụ xếp hạng tín nhiệm cho tổ chức phát hành trên thị trường TPDN. Theo ông Thuân, xếp hạng tín nhiệm không chỉ để phục vụ cho TPDN mà còn phục vụ các giao dịch của những nhà đầu tư vốn nợ trên thị trường, cũng như từng bước ứng dụng cho các hoạt động khác như tín dụng ngân hàng và hợp tác thương mại.

Việc đa dạng hóa nguồn thu là nhằm tránh rủi ro mô hình và lệ thuộc, có thể làm ảnh hưởng phần nào đến tính độc lập của hoạt động xếp hạng tín nhiệm. “Đây là xu hướng chung của ngành xếp hạng tín nhiệm trên thế giới, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008. Lấy ví dụ trường hợp của S&P Global, hoạt động xếp hạng tín nhiệm chỉ mang về khoảng 30% doanh thu, còn lại phần lớn đến từ phân tích thông tin, dữ liệu”, ông Thuân nói.


Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings.

Nhờ hoạt động song song cả 2 lĩnh vực là Xếp hạng cho tổ chức phát hành và Dịch vụ phân tích & đánh giá tín dụng cho nhà đầu tư tổ chức trên thị trường nợ, doanh thu của FiinRatings dự kiến đạt 1 triệu USD đầu tiên vào năm 2024 (trong đó khoảng 30% doanh thu đến từ dịch vụ cho nhà đầu tư), đồng thời đặt mục tiêu hòa vốn sau 4 năm được cấp phép, theo đại diện FiinRatings.

“Phát triển mô hình dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là một ngành kinh doanh nhiều thách thức, đòi hỏi có tầm nhìn dài hạn. Xếp hạng tín nhiệm không chỉ giúp minh bạch thông tin về chất lượng, về mức độ rủi ro mà còn là cơ sở hạ tầng mềm để thị trường tài chính phát triển. Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm như chúng tôi luôn tâm niệm phải làm tốt việc của mình, tham gia tạo dựng hạ tầng về thông tin và dữ liệu liên quan để các thành viên thị trường từng bước tin tưởng và sử dụng, ứng dụng cho hoạt động của họ, hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm và từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường TPDN phát triển tốt trở lại một cách bền vững”, ông Thuân nói.

Đi tìm “cú hích” cho xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam

Nhận định về tương lai của thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, ông Thuân cho rằng hiện tại, nhu cầu xếp hạng tín nhiệm yếu không có nghĩa là tương lai vẫn sẽ mờ mịt, nhất là khi có nhiều “cú hích” đang chờ đón.

Nếu ví việc phát triển thị trường TPDN giống như một siêu thị hàng hóa thì các bên liên quan dường như đang tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao quy chuẩn và chất lượng hàng hóa, mà chưa chú ý đúng mức đến đối tượng “người đi chợ”.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings.

Dựa trên nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển cũng như đóng góp của ngành xếp hạng tín nhiệm đối với sự phát triển của thị trường vốn trên thế giới và tại các quốc gia trong khu vực, đại diện của FiinRatings cho rằng hai cú hích đó là: Lực đẩy từ chính sách (policy push) và lực kéo từ phía nhà đầu tư (investor pull).

Với cú hích đầu tiên về lực đẩy chính sách, ông Thuân cho biết quy định hiện tại đã yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với một số trường hợp nhất định, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp thuộc diện này là rất ít.

“Chúng tôi kỳ vọng việc xếp hạng tín nhiệm có thể được xem xét áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu như thông lệ một số nước trong khu vực đã làm khi mà số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện và được cấp phép có tới 4 đơn vị. Đây cũng là khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như ADB hay WB. Các cơ quan quản lý cũng đang nghiên cứu, xem xét, đặc biệt là khi sửa đổi Luật Chứng khoán liên quan đến xếp hạng tín nhiệm. Đây đều là những tín hiệu tích cực nếu như chính sách được thay đổi theo hướng sử dụng hoạt động xếp hạng tín nhiệm để hỗ trợ cho sự cải thiện mình bạch thông tin thị trường”, ông Thuân nói.

Từ câu chuyện của nhiều quốc gia trong khu vực, ông Thuân nhận định, chính những thay đổi trong chính sách và khung pháp lý sẽ kiến tạo cho xếp hạng tín nhiệm điều kiện phát triển một cách bền vững. Ví dụ như tại Malaysia, cách đây khoảng 25 năm, việc xếp hạng tín nhiệm là bắt buộc đối với tất cả giao dịch phát hành trái phiếu và chỉ gỡ bỏ chính sách này vào năm 2018, khi thị trường đã hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm. Hay như Thái Lan, họ yêu cầu tất cả các quỹ tương hỗ chỉ tham gia đầu tư trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm. Nhìn chung, việc sử dụng điểm xếp hạng tín nhiệm để làm cơ sở cho việc phân bổ tài sản theo rủi ro là một thông lệ đã góp phần cho việc phát triển cơ sở nhà đầu tư tổ chức vào TPDN.

Do đó, theo ông Thuân, nếu ví việc phát triển thị trường TPDN giống như một siêu thị hàng hóa thì các bên liên quan dường như đang tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao quy chuẩn và chất lượng hàng hóa – tức là tập trung vào phía các tổ chức phát hành, mà chưa chú ý đúng mức đến phía đối tượng “người đi chợ”. Điều này có thể thực hiện bằng cách phân loại và phát triển các nhóm nhà đầu tư tùy theo việc phân loại trái phiếu dựa trên mức độ rủi ro thông qua xếp hạng tín nhiệm, làm cơ sở cho việc thu hút đối tượng “người đi chợ” một cách phù hợp.


“Thông lệ tại các thị trường trong khu vực là xếp hạng tín nhiệm không chỉ được ứng dụng bởi ngành ngân hàng trong việc xác định hệ số rủi ro theo chuẩn Basel, mà còn được sử dụng rộng rãi trong việc xác định các tiêu chí phân bổ tài sản của các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí…. trong việc phân bổ tài sản tùy theo mô hình hoạt động của các định chế đầu tư này, vừa làm cơ sở cho việc quản trị rủi ro vừa góp phần mở rộng và phát triển cơ sở nhà đầu tư tổ chức trên thị trường trái phiếu”, ông Thuân nói.

Cú hích thứ hai là yếu tố “cầu kéo”, tức là nhu cầu từ phía nhà đầu tư, chủ nợ, người cho vay, cũng sẽ là điều kiện để xây dựng văn hóa xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài, định chế lớn nước ngoài khi tham gia thị trường nợ Việt Nam luôn yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm dù không có quy định pháp lý. Cũng có nhiều doanh nghiệp Việt thực hiện xếp hạng tín nhiệm do yêu cầu từ phía cổ đông, nhà đầu tư. Chính những áp lực đó, thông lệ đó của các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ giúp các doanh nghiệp dần hình thành nên văn hóa minh bạch, văn hóa xếp hạng tín nhiệm.

“Áp lực từ phía nhà đầu tư sẽ là yếu tố có tác động chậm hơn nhưng lại bền hơn, còn thay đổi trong chính sách sẽ tạo cầu nhanh hơn nhưng cũng có thể dẫn đến rủi ro rằng các doanh nghiệp có xu hướng chỉ tuân thủ tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định pháp luật. Điều cần làm là chúng ta phải cân bằng cả hai yếu tố này, tạo ra đường ray cho xếp hạng tín nhiệm tăng tốc”, ông Thuân nói.

Sự phát triển của thị trường xếp hạng tín nhiệm cũng phụ thuộc vào bản thân các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Theo đại diện FiinRatings, “chính các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm phải làm sao để xây dựng và khẳng định được uy tín, tính độc lập, khách quan, không chỉ đáp ứng các quy định hiện hành như Nghị định 88 mà còn hướng đến các chuẩn mực cao hơn theo thông lệ khu vực và quốc tế. Về lâu dài, chỉ khi bản thân các hoạt động xếp hạng tín nhiệm chứng minh được giá trị của mình thì nhà đầu tư, nhà phát hành và các bên liên quan mới tin tưởng và sử dụng dịch vụ”.

“Tạo ra văn hóa xếp hạng tín nhiệm là nỗ lực rất lớn của thị trường, không chỉ của cơ quan quản lý, không chỉ của các bên cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm như FiinRatings, mà là cần có sự tham gia đồng hành và vì chính lợi ích của cả các nhà đầu tư, các đơn vị trung gian và cả phía doanh nghiệp”, ông Thuân khẳng định.

Link gốc