Việc mở lối cho các giải pháp bền vững giữa xu hướng xuất khẩu xanh thông qua “chìa khóa” liên kết vùng và logistics xanh, cũng như mạnh dạn đầu tư vào ESG sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt thoát khỏi nguy cơ bị gạt ra khỏi “cuộc chơi” khắc nghiệt trên thị trường quốc tế. Điều này còn mang lại lợi thế cạnh tranh và tránh khỏi bị động trong giải quyết áp lực xanh từ khách hàng.
Bàn về liên kết vùng cho các doanh nghiệp (DN) Việt để hướng đến xuất khẩu (XK) xanh, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), nhấn mạnh có 5 vấn đề trụ cột cần giải quyết, gồm: Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các nhà sử dụng dịch vụ logistics (tức các chủ hàng) và khung thể chế chính sách.
“Chìa khóa” từ liên kết vùng và logistics xanh
Trong đó, đối với hai trụ cột là các công ty cung cấp dịch vụ logistics và các chủ hàng, ông Minh đề xuất cần có mô hình chuyển đổi xanh cho chính các công ty này, cũng như vừa chuyển đổi xanh và vừa chuyển đổi số.
Việc thúc đẩy liên kết vùng và phát triển logistics xanh sẽ giúp các DN Việt gặp thuận lợi hơn trong xu hướng xuất khẩu xanh.
Riêng với trụ cột về hạ tầng, chia sẻ tại hội nghị giao thương DN Việt Nam - Châu Âu trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Xanh diễn ra ở Tp.HCM trong các ngày 21 đến 23/10, vị tổng thư ký VLA cho rằng cần phát triển hành lang giao thông kết nối vùng với các cảng trung chuyển.
“Hiện nay việc kết nối này đa số bằng đường bộ, điều nên làm là tăng trục vận tải thủy nội địa để giảm hàm lượng carbon. Bởi vì vận tải đường bộ là một trong những nguyên nhân làm tăng hàm lượng carbon. Cho nên các DN logistics nên hướng đến tái sử dụng container rỗng như một cách để tối ưu hàm lượng carbon và tối ưu quãng đường vận tải”, ông Minh nói.
Hơn nữa, như đề xuất của ông Minh, rất cần phát triển các trung tâm logistics của địa phương và của vùng, trong đó có FTZ (trung tâm logistics đặc biệt). Đây là những đầu mối để tối ưu vận tải và các hoạt động logistics. Một khi các trung tâm này được quy hoạch tối ưu sẽ tạo ra vận tải tối ưu, là điểm liên kết vùng và tối ưu trong tái sử dụng nguồn lực, trong hợp tác giữa các công ty logistics với các công ty vận tải cùng các chủ hàng của vùng đó.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, đối với các DN Việt Nam, đầu tư vào công nghệ xanh là một chiến lược quan trọng giúp họ tiếp cận các thị trường XK tiềm năng, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe từ quốc tế và thích nghi với những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng.
Bà Thúy cho rằng trong các lĩnh vực XK chủ chốt như dệt may, da giày và nông sản, thực phẩm, việc sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường hoặc tối ưu hóa quy trình sản xuất theo hướng bền vững sẽ giúp DN gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng toàn cầu.
“Những DN tiên phong trong công nghệ xanh sẽ là những DN dẫn đầu trong tương lai, đáp ứng hiệu quả các yêu cầu và thách thức của thị trường toàn cầu”, bà Thúy nêu rõ.
Bàn về giải pháp cho các DN Việt nâng cao năng lực nhằm thích ứng tốt với bối cảnh mới về XK xanh như hiện nay, ông Bùi Thế Anh, Giám đốc EY-Parthenon – Tư vấn Chiến lược thuộc CTCP Tư vấn Ernst & Young Việt Nam, nhấn mạnh việc chuyển đổi sang những mô hình, sản phẩm xanh có tính bền vững đang là xu hướng tất yếu. Cho nên việc đầu tư vào ESG (môi trường, xã hội và quản trị) chính là giải pháp để các DN nắm bắt cơ hội và thích nghi trong bối cảnh mới.
Bài học chậm chân từ 10 năm trước
Ông Bùi Thế Anh cũng gợi mở lại câu chuyện từ cách đây 10 năm khi xu hướng “kinh tế chia sẻ” (vốn đã phát triển trên toàn cầu) bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam. Khi đó, các DN Việt chưa thật sự bắt kịp cũng như chưa đánh giá được mức độ nghiêm trọng hay sự cạnh tranh khốc liệt của xu hướng này.
Và sau nhiều năm, đến bây giờ, điều rõ ràng là những DN chưa đầu tư vào mảng “kinh tế chia sẻ”, vẫn theo mô hình “kinh tế truyền thống”, đã bị chậm chân và nhiều DN trong nước bị gạt ra khỏi “cuộc chơi” do áp lực cạnh tranh không đáp ứng được.
Do đó, vị giám đốc này khuyến nghị các DN Việt hãy xem việc đầu tư ESG trong bối cảnh hiện nay (cũng như câu chuyện về “kinh tế chia sẻ” của 10 năm trước) là một xu hướng tất yếu. Tức là DN phải đầu tư, phải hòa mình với thế giới và bắt kịp với xu hướng mới đó. Khi đó, các DN mới có cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ ở Việt Nam mà còn trong “sân chơi” quốc tế, nhất là ở những thị trường khó tính, điển hình như EU.
“Điều mong mỏi là các DN Việt nên có sự thay đổi về tư duy, xem đó là xu hướng tất yếu phải làm và làm có chiều sâu, thay vì câu chuyện cách đây 10 năm khi các DN không đánh giá hết được mức độ cạnh tranh khốc liệt của xu hướng “kinh tế chia sẻ” hay những xu hướng mới về công nghệ”, ông Bùi Thế Anh bộc bạch.
Thực ra việc đầu tư ESG sẽ khiến cho các DN tốn kém khoản chi phí không nhỏ trong ngắn hạn (như thay đổi công nghệ sản xuất sao cho tiết kiệm năng lượng thì đòi hỏi phải hiện đại với mức giá không rẻ), nhưng lại giúp cho DN giảm thiểu được rủi ro và tối ưu chi phí trong dài hạn.
Theo vị giám đốc EY-Parthenon – Tư vấn Chiến lược của Ernst & Young Việt Nam, điểm mấu chốt để tăng cường lợi thế cạnh tranh trong dài hạn cho DN Việt khi đầu tư ESG là phải hiểu rõ yếu tố tiên quyết trong quyết định mua hàng của các đối tác.
Như khảo sát của Ernst & Young trong năm 2024, có đến 82% người tiêu dùng cho rằng bền vững là một trong những yếu tố quan trọng trong quyết định mua hàng của khách hàng. Theo ông Bùi Thế Anh, điều này phản ánh xu hướng ngày càng gia tăng của các thị trường tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt là thị trường EU - nơi các yếu tố bảo vệ môi trường, sức khỏe, không phải là tiêu chí phụ mà đã trở thành tiêu chí cốt lõi của khách hàng.
“Mặc dù ở Việt Nam có thể yếu tố bền vững không phải là ưu tiên số một của khách hàng, nhưng với khách hàng EU thì mức độ phát triển cũng như tầm nhận thức đang đi trước chúng ta nhiều năm nên đó lại là yếu tố tiên quyết. Cho nên các DN Việt cần phân tích những yếu tố tiên quyết này và tích hợp với bộ tiêu chí ESG để đầu tư có trọng tâm, đầu tư trúng những yếu tố mà khách hàng quan tâm. Như vậy họ sẽ đáp ứng được, giải được bài toán vừa phát triển chiến lược giá rẻ và vừa phát triển được chiến lược ESG”, ông Bùi Thế Anh chia sẻ.
Thế Vinh-Link gốc