Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn tranh tối tranh sáng, không ít môi giới chớp cơ hội tung “bánh vẽ”, thổi giá, gây nhiễu cung - cầu. Nhưng ngược lại, không ít môi giới cũng đang nhận đòn “hồi mã thương” khi chủ nhà và khách mua bắt tay nhau đáp trả.
Gần 1 tháng qua, một trong những chiêu trò mới xuất hiện gây “dậy sóng” cộng đồng quan tâm lĩnh vực địa ốc là việc một số môi giới chủ động tung tin đồn, đóng giả khách hàng liên hệ chủ nhà mua (hoặc thuê) giá cao nhưng khi chủ nhà đồng ý thương lượng thì lại “mất hút”.
Đủ các chiêu trò
Chiêu trò đẩy giá cao để gây chú ý sau đó mất hút thực tế đã manh nha từ lâu trên thị trường nhà đất, dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên chỉ thực sự gây chú ý trong thời gian gần đây khi một facebooker nổi tiếng kể câu chuyện thật của mình trên trang cá nhân.
Cụ thể, câu chuyện bắt đầu vào đầu tháng 10 vừa qua, khi vị chủ nhà trên có nhu cầu cho thuê một căn hộ rộng 120m2, 3 phòng ngủ, vị trí đắc địa, có chỗ để ô tô riêng, giá thuê 25 triệu đồng/tháng, hợp đồng cho thuê ít nhất 3 năm, thanh toán mỗi năm 1 lần.
Thị trường bất động sản đang tăng nhiệt, giới chủ lẫn khách mua nhà đất cần cảnh giác trước chiêu trò thao túng giá.
Sau thời gian đăng tin trên trang cá nhân có gần 100 nghìn lượt theo dõi, chủ nhà cho biết mỗi ngày có trung bình 10-20 lượt cả môi giới lẫn khách gọi đến hỏi thuê, hứa lên hứa xuống, hẹn đưa khách đến. Nhưng rồi sau gần 1 tháng vẫn chưa tìm được khách, cũng không thấy môi giới gọi lại.
“Khi chưa có nhu cầu cho thuê, ngày cả chục lượt môi giới gọi hỏi có bán hay cho thuê không, cứ tưởng thị trường đang nóng lắm. Đến lúc có nhu cầu cho thuê thì cả tháng không có khách. Vậy thì thị trường nhà đất có sốt thật không, hay toàn chiêu trò”, vị chủ nhà đặt câu hỏi.
Câu chuyện của vị chủ nhà cũng là một “hot” facebooker nhanh chóng gây chú ý, hàng chục nghìn bình luận trái chiều với những câu chuyện cũng theo kiểu “người thật, việc thật” xuất hiện. Và trên các phương tiện truyền thông, giới chuyên gia cũng lên tiếng, chỉ ra đây thực chất là chiêu trò được “cò” tung ra.
Cụ thể, “cò” địa ốc liên tục tung tin đồn, hỏi mua, thuê giá cao để gây nhiễu thị trường, đẩy mặt bằng giá lên cao. Khi giá cả thị trường “nhảy múa” sẽ tạo tâm lý chờ đợi của các chủ nhà, khiến nguồn cung thêm hạn chế. Ngược lại, phía người mua thấy thị trường nóng sốt, sợ giá còn tăng sẽ quyết định xuống tiền nhanh hơn, giúp môi giới tăng hiệu suất.
Bên cạnh hiện tượng liên tục hỏi mua/thuê giá cao sau đó mất hút, một chiêu trò khác cũng đang gây chú ý là “mua gấp giá cao, bán gấp giá rẻ”. Cụ thể, nhiều chủ nhà phản ánh hiện tượng môi giới liên hệ mua nhà với giá trên trời, hẹn đến một địa điểm nhất định, sau dụ dỗ người bán đi xem dự án.
Đơn cử như trường hợp của chị Triệu Thị Trinh (ở Thủ Đức, TP.HCM), nhà đầu tư đang có nhu cầu bán căn hộ, cho biết vào đầu tháng 10 vừa qua, một môi giới liên hệ chị báo có khách mua giá thương lượng gần 3,9 tỷ đồng, cao hơn giá kỳ vọng gần 500 triệu. Tuy nhiên, khách đòi chị phải đến nơi bàn hợp đồng.
Dù có nhiều nghi ngờ, nhưng vì môi giới khẳng định khách đã tìm hiểu kỹ căn hộ, muốn chốt ngay để thừa kế cho con, địa chỉ được cho trên đường 32, Bình Trị Đông B, Bình Tân (TP.HCM), nên chị Trinh quyết định “đánh liều” đến thử vì đang cần bán nhà gấp để thu hồi vốn.
“Cò” cũng sập bẫy
“Y như rằng, xuống đến nơi thì địa chỉ là một quán cà phê ngập tràn “cò”, quần đen, sơ mi trắng. “Chim mồi” đi xe sang lảng vảng. Vì đã biết về chiêu trò này nên tôi quay xe ngay, vì nếu không chắc chắn sẽ được “cò” đưa lên xe đi Long An, Đồng Nai hay Bình Dương…”, chị Trinh chia sẻ.
Không chỉ gây ức chế, thiệt hại cho khách hàng, các chiêu trò vừa cũ vừa mới của một bộ phận “cò” đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nghề môi giới, tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư, người mua nhà, đất.
Có thể thấy, vì chưa có “thuốc đặc trị” nên nhiều môi giới thiếu ý thức vẫn bất chấp sử dụng chiêu trò để gây nhiễu thị trường. Nhưng ở chiều ngược lại, sau thời gian dài biến tướng, nhiều môi giới cũng đang gặp phải những đòn “hồi mã thương”, khi chủ nhà và khách bắt tay đáp trả.
Đơn cử, mới đây, anh Đông, một môi giới giàu kinh nghiệm tại TP.HCM kể về sự việc khiến anh “ngã ngửa”. Cụ thể, trong một thương vụ bán căn hộ tại Thủ Đức, anh Đông được chủ nhà nhờ bán gấp với mức giá 4,1 tỷ đồng, điều kiện là cần tiền mặt trong 2 tuần để trả nợ.
Sau khi đăng tin, chỉ chưa đầy 1 ngày đã có một khách liên hệ, chấp nhận mức giá 4,5 tỷ đồng (do anh Đông tự rao bán chênh so với giá chủ nhà đưa ra). Tuy nhiên, vị khách cho biết chỉ có đủ tiền sau 1 tháng. Để thương vụ không đổ bể, anh Đông cùng cộng sự quyết định “ôm” căn hộ của chủ nhà, sau đó chờ vị khách có đủ tiền thì sang tay.
“Tôi nhẩm tính chỉ trong 1 tháng mà có lãi khoảng 400 triệu đồng là quá lời. Nhưng sau đó mới biết chủ nhà và vị khách kia cùng 1 nhóm, họ tung hứng với nhau để dụ tôi “ôm” hàng. Cuối cùng sau khi chốt xong với chủ nhà thì vị khách hủy kèo. Giờ tôi phải rao bán lại căn hộ này, nhưng giá khá cao nên có thể phải mất vài tháng mới thoát được hàng”, anh Đông chia sẻ.
Có thể nói, thị trường bất động sản đang tồn tại rất nhiều vấn đề sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng. Những cơn sốt giá, thị trường nóng "hầm hập" là môi trường lý tưởng cho các hình thức lừa đảo, chiêu trò nảy sinh. Vì vậy, chủ nhà, khách hàng và cả môi giới cũng cần phải cẩn trọng để tránh sập bẫy.
Nhật Minh-Link gốc