Tính đến cuối tháng 7/2024, lượng tiền gửi vào ngân hàng của dân cư đạt 6,838 triệu tỉ đồng, đây là mức được xem là cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, lượng tiền gửi của tổ chức lại giảm nhẹ.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu thống kê mới nhất liên quan đến tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế vào hệ thống tổ chức tín dụng.
Theo đó, tính đến tháng 7, tiền gửi của các doanh nghiệp và tổ chức vào ngân hàng đạt hơn 6,768 triệu tỉ đồng, có giảm nhẹ 1,07% so với cuối năm ngoái. Ngược lại, tiền gửi của dân cư đạt 6,838 triệu tỉ đồng, tăng 305.672 tỉ, tương ứng với 4,68% so với thời điểm cuối năm 2023.
So với cùng kỳ năm trước, lượng tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng thêm 448.820 tỉ đồng.
Ghi nhận của VnBusiness, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tiếp trong gần 2 năm qua, bất chấp lãi suất huy động giảm sâu kỷ lục trong năm 2023. Theo nhiều chuyên gia, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, khó đẩy vốn vào sản xuất, kinh doanh, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, lãi suất huy động có dấu hiệu tăng trở lại kể từ tháng 4/2024 được xem là nguyên nhân khiến kênh tiền gửi ngân hàng hấp dẫn.
So với cùng kỳ năm trước, lượng tiền gửi của dân cư vào ngân hàng đến tháng 7/2024 tăng thêm 448.820 tỉ đồng.
Trong tháng 9, các nhà băng tăng lãi suất, bao gồm: Dong A Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, Bac A Bank, NCB, OCB, BVBank, PGBank, Nam A Bank... với xu hướng tăng chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn. Trước đó, tháng 7 có khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động; Sang tháng 8 thị trường có 15 ngân hàng tăng lãi suất.
So với đầu năm nay, lãi suất huy động các kỳ hạn tại nhiều ngân hàng đã tăng 0,5%-1%/năm. Lãi suất kỳ hạn dài tăng vượt ngưỡng 6,0%/năm tại nhiều ngân hàng.
Thị trường hiện có 9 ngân hàng niêm yết lãi suất từ 6%/năm mà không yêu cầu điều kiện tiền gửi như: NCB dẫn đầu thị trường với mức lãi suất 6,15%/năm, kỳ hạn 18-36 tháng.
Tại kỳ hạn 18 tháng, Dong A Bank, HDBank, OceanBank hiện đồng giữ mức lãi suất cao "sát đỉnh" là 6,1%/năm (kỳ hạn 18 tháng). Tiếp sau là Bac A Bank với lãi suất 6,05%/năm (kỳ hạn 18 tháng). Cuối cùng là Saigonbank và BaovietBank với lãi suất 6,0%/năm (kỳ hạn 18 tháng).
Tại kỳ hạn 36 tháng, NCB vẫn tiếp tục dẫn đầu với lãi suất 6,15%/năm. OceanBank, Saigonbank, SHB, Dong A Bank đồng giữ mức lãi suất 6,1%/năm. Trong khi Bac A Bank trả lãi suất 6,05%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Trong khi đó, các ngân hàng có vốn nhà nước vẫn duy trì ổn định lãi suất nhiều tháng qua. Như VietinBank tại thời điểm ngày 2/10, lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,8%/năm được áp dụng cho các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên. Còn các kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, VietinBank vẫn giữ mức 3%/năm trong nhiều tháng nay. Đối với các kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 24 tháng, mức lãi suất tiết kiệm là 4,7%/năm.
Biểu lãi suất tại Vietcombank áp dụng đầu tháng 10 cũng được giữ nguyên như vài tháng trước đó. Đơn cử kỳ hạn 6 và 9 tháng là 2,9%/năm; gửi 12 tháng có lãi suất 4,6%/năm; 24 tháng trở lên được niêm yết lãi suất là 4,7%/năm.
Ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (VWA) cho hay. “Trong giai đoạn có nhiều yếu tố bất định như hiện nay, dòng tiền thông minh lựa chọn quay trở về ngân hàng để chờ đợi, đây là lý do khiến tiền gửi tiết kiệm lập đỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay thấp sẽ kích thích dòng tiền chảy vào bất động sản song thực tế không phải vậy. Giá nhà quá cao trong khi thanh khoản thị trường bất động sản thấp khiến tiền không chảy vào bất động sản. Trong khi đó, chứng khoán không vượt qua được mốc 1.300 điểm cũng làm nản lòng nhà đầu tư. Tại AFA, chúng tôi cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên tăng tỷ trọng gửi tiền vào ngân hàng”.
Thanh Hoa-Link gốc