Hành lang pháp lý của ngành ngân hàng đã và đang mở đường cho việc áp dụng công nghệ, cùng với việc được phép tiếp cận “mỏ vàng” dữ liệu dân cư đang giúp hệ thống ngân hàng đứng trước cơ hội bùng nổ cho vay trực tuyến.
Tại Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện ngành ngân hàng muốn thúc đẩy cho vay trên môi trường số. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong Quyết định 810 phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 50% khoản vay nhỏ lẻ được thực hiện trên môi trường số.
Bùng nổ ngân hàng số
Cho vay trực tuyến (đa phần với khoản vay nhỏ) đã được nhiều ngân hàng triển khai từ khá lâu. Thế nhưng, do hình thức cấp tín dụng này chưa được quy định cụ thể trong luật, nên thời gian qua, nhiều ngân hàng “vừa làm vừa run” vì sợ hợp đồng bị tuyên vô hiệu trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, do lượng dữ liệu rác lớn, tài khoản ảo nhiều, các ngân hàng cũng không mặn mà đẩy mạnh cho vay online vì ngại rủi ro.
Tuy nhiên, NHNN khẳng định, về mặt không gian pháp lý đối với chuyển đổi số, ngành ngân hàng hiện nay rất mở và đạt được những thành quả mà chưa ngành nào làm được. Chẳng hạn như Quyết định 810, mở tài khoản bằng eKYC từ năm 2021… Cùng với đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hình thành, ngân hàng số đã trở nên quen thuộc với người dân.
Nhiều ngân hàng thương mại ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97-98%.
Trên thực tế, tại nhiều ngân hàng thương mại đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97-98%. Tỷ lệ tăng trưởng giao dịch trên kênh số của ngành ngân hàng đạt mức 2 con số hằng năm cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch.
Đại diện Vietinbank thông tin, hiện nay chỉ còn 1% khách hàng giao dịch tại quầy, 99% khách hàng đã chuyển sang ngân hàng số. Trong khi đó, con số này tại TPBank là 98%, mỗi tháng ghi nhận hàng trăm triệu giao dịch trên ngân hàng số.
Đáng chú ý, ngành ngân hàng đang mong muốn thúc đẩy cho vay trên môi trường số, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 50% khoản vay nhỏ lẻ được thực hiện trên môi trường số. Tuy nhiên, đến nay có chưa đến 20 tổ chức tín dụng làm được điều này. Do đó, đây sẽ là nhiệm vụ được thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, khuôn khổ pháp lý hiện đã chặt chẽ hơn, NHNN đã có những quy định cho vay trên kênh ngân hàng số. Hiện nay, TPBank có danh mục hơn 6.000 tỷ cho vay trên kênh số hoàn toàn, với trên 3 triệu khách hàng được vay. TPBank kết hợp với một số ví điện tử để cho vay các món nhỏ, và ngân hàng đã ứng dựng công nghệ dữ liệu trí tuệ nhân tạo, sử dụng thông tin đa chiều từ đối tác và ngân hàng để đưa ra đánh giá và chấm điểm đối với khách hàng, sau vài phút đã có kết quả và giải ngân.
“Điều này gắn với thực tế nhu cầu người dùng và tạo được thói quen là mua hàng trước, trả tiền sau. Đây là tương lai và thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển. Trong khi đó, nếu tiếp cận theo cách vay truyền thống rất mất thời gian về hồ sơ, thủ tục kéo dài”, ông Hưng nói.
"Điểm nóng" tài khoản doanh nghiệp
Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết việc bùng nổ ngân hàng số cũng mang đến những nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành.
Vì vậy, ngành ngân hàng đã đẩy nhanh việc triển khai Quyết định 2345 quy định khách hàng cá nhân khi giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là phải kiểm tra sinh trắc học khuôn mặt của người thực hiện giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong căn cước công dân gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp.
Để tiến thêm một bước nữa trong bảo vệ khách hàng, cuối tháng 6/2024, NHNN đã liên tiếp ban hành 2 thông tư mới quy định về sử dụng tài khoản thanh toán và hoạt động thẻ là Thông tư 17 quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Thông tư 18 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán, chủ thẻ ngân hàng sẽ bị tạm dừng giao dịch nếu giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hạn hiệu lực và/hoặc khách hàng chưa thực hiện thu thập sinh trắc học.
NHNN cho biết, những quy định trên đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Số vụ việc lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt.
Dù những giải pháp trên là quyết liệt, sẽ trở thành một hàng rào vững chãi chống tội phạm lừa đảo, song lãnh đạo NHNN khẳng định không có một biện pháp nào là triệt để và hoàn hảo.
Phó Thống đốc cho biết, Quyết định 2345, Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.
“Vừa qua, NHNN ban hành một số quy định về bảo vệ an toàn cho khách hàng, ngân hàng cố gắng tuân thủ, nên nhờ những biện pháp đó, tỷ lệ tội phạm lợi dụng chiếm đoạt tiền của khách hàng, hay tổn thất của người dùng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng giảm nhiều. Sắp tới đây khi có các giải pháp khác để đảm bảo xác thực trong đó có ứng dụng sinh trắc học phải khớp với dữ liệu căn cước gắn chip thì mức độ an toàn sẽ tốt hơn”, ông Hưng cho hay.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc TPBank cho biết, hiện nay, với khách hàng cá nhân, ngân hàng yêu cầu phải xác thực khuôn mặt khi thực hiện giao dịch thì đối tượng lừa đảo có xu hướng chuyển sang phía doanh nghiệp. Do đó, ông Hưng cho rằng cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành để phía doanh nghiệp ngay khâu đăng ký kinh doanh cần xác thực đúng người chủ doanh nghiệp đó cho đến trong quá trình giao dịch ngân hàng thông tin chủ tài khoản trùng khớp với đăng ký ban đầu. Như vậy có thể phòng chống gian lận lừa đảo.
Đồng tình, lãnh đạo một ngân hàng cũng đề nghị có sự phối hợp với các cơ quan bộ ngành khác. Vì các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh bởi cơ quan thẩm quyền của Nhà nước. Nếu để tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai thì không chỉ ngành ngân hàng, mà tình trạng lừa đảo sẽ vẫn còn trên mọi lĩnh vực, như chứng khoán, nhà đất, du học, tuyển dụng... Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp với ngân hàng để đảm bảo được nguồn gốc, người đại diện pháp luật có CCCD để truy xuất được.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ chú trọng hơn hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. “Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn thì cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề thì chúng ta truy vết được người ký”, ông Dũng nhấn mạnh.
Huyền Anh-Link gốc