Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ vừa công bố, gạo trắng non - basmati xuất khẩu của nước này sẽ được bỏ áp dụng cơ chế giá sàn 490 USD/tấn.
Với nguồn dự trữ dồi dào, việc Ấn Độ mở cửa cho hoạt động xuất khẩu gạo sẽ khiến thị trường giảm giá mạnh, đặc biệt là nguồn cung từ các nước như Pakistan, Thái Lan và Myanmar. Những thông tin trên đã ngay lập tức ảnh hưởng tới giá gạo xuất khẩu trên thế giới. Gạo trắng 5% tấm của Việt Nam giảm 2 USD còn 532 USD/tấn. Gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan giảm 1 USD còn 510 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Ấn Độ là 488 USD/tấn và gạo Pakistan chỉ còn 476 USD/tấn.
Tuy nhiên, điều này chỉ do ảnh hưởng tâm lý nhất thời rằng nguồn cung gạo trên thế giới sẽ tăng. Sau đó vài ngày, giá gạo đã trở lại bình thường. Dù Ấn Độ đã cho phép xuất khẩu gạo trắng trở lại nhưng loại gạo này của Ấn Độ thuộc phân khúc cũng như thị phần khác, không mấy ảnh hưởng đến gạo Việt Nam. Gạo Việt hiện nay đã có thị phần, giá trị, chất lượng tương đối ổn định trên thị trường thế giới.
Giải thích rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Gạo Việt Nam không tồn trữ nhiều và từ nay đến cuối năm, chúng ta chỉ còn vụ thu đông-xuân, sản lượng ít và tập trung vào gạo thơm, gạo đặc sản để phục vụ mùa Tết trong nước; không trùng với phân khúc gạo bình dân của Ấn Độ. Hiện tại, cơ cấu gạo của Việt Nam gần 80% là giống chất lượng cao, không trùng với phân khúc của Ấn Độ”, ông Thành nhận định.
Hiện tại, cơ cấu gạo của Việt Nam gần 80% là giống gạo chất lượng cao, không trùng với phân khúc của Ấn Độ
Trước đó, đại diện Hiệp Hội Lương thực Việt Nam cũng cho rằng, gạo Ấn Độ xuất khẩu là gạo nở, phân khúc gạo này trước đây Việt Nam cũng có, nhưng thị trường chủ yếu của loại gạo này chủ yếu là châu Phi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vùng trồng lúa của Việt Nam đã chuyển đổi giống lúa với loại gạo dẻo thơm và thị trường chủ yếu là Philippines, Indonesia, Malaysia, thị trường châu Âu và Trung Đông…
Các chuyên gia cũng nhận định thêm rằng, đối với một trong những thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới là Philippines thì gạo Việt có nhiều lợi thế so với Ấn Độ. Trước hết về logistics, gạo Việt Nam xuất qua các thị trường Đông Nam Á nói chung và Philippines nói riêng có chi phí rẻ hơn, giao hàng nhanh hơn, thanh toán tốt hơn. Hơn thế, hiện nay người tiêu dùng Đông Nam Á cũng chuộng gạo của Việt Nam hơn. Hiện tại, gạo Việt đang xuất qua Malaysia và Philippines là gạo thơm dẻo, giống này đang được trồng nhiều vì hiệu quả kháng sâu rầy với diện tích chiếm 60- 65% diện tích gieo trồng ở ĐBSCL.
Đại diện Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để đánh giá toàn diện tác động từ chính sách điều hành xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Quan điểm xuyên suốt của ngành nông nghiệp trong phát triển lúa gạo trong thời gian tới là sản xuất theo kế hoạch, tùy nhu cầu thị trường và bảo đảm quyền lợi của nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị bền vững chứ không chạy theo số lượng.
Minh Lâm-Link gốc