Ông Arif Husain, chuyên gia tại công ty quản lý đầu tư T. Rowe Price, dự đoán sẽ có một dòng vốn lớn từ từ chảy từ nước ngoài về Nhật Bản và đây sẽ một chu kỳ kéo dài trong 5-10 năm tới.
Đồng 1000 yen và 100 USD. Ảnh: THX/TTXVN
Các nhà đầu tư Nhật Bản đã rót tổng cộng 4.400 tỷ USD vào tài sản nước ngoài, một con số lớn hơn cả quy mô của kinh tế Ấn Độ. Do đó, sự thoái lui của các nhà đầu tư đất nước "Mặt Trời mọc" có thể gây gián đoạn cho các thị trường toàn cầu.
Ông Arif Husain, chuyên gia tại công ty quản lý đầu tư T. Rowe Price, dự đoán sẽ có một dòng vốn lớn từ từ chảy từ nước ngoài về Nhật Bản và đây sẽ một chu kỳ kéo dài trong 5-10 năm tới.
Trong 8 tháng kể từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã mua lượng trái phiếu chính phủ trong nước trị giá 28.000 tỷ yen (192 tỷ USD), mức cao nhất trong ít nhất 14 năm qua và giảm gần một nửa lượng mua trái phiếu nước ngoài xuống chỉ còn 7.700 tỷ yen. Trong khi đó, lượng mua cổ phiếu nước ngoài giảm xuống dưới 1.000 tỷ yen.
Lâu nay, các nhà đầu tư Nhật Bản tận dụng mức lãi suất siêu thấp trong nước để cấp vốn cho hoạt động mua bán ở nước ngoài. Quy mô của các dòng tiền này sẽ phụ thuộc vào tốc độ và xu hướng lãi suất tại Nhật Bản.
Ông Kazuo Ueda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ thận trọng hơn với các kế hoạch tăng lãi suất. Tuy nhiên, các chiến lược gia đều dự đoán đồng yen sẽ mạnh lên trong năm tới khi BoJ bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 30 năm đã tăng khoảng 40 điểm cơ bản lên hơn 2% khi BoJ tăng lãi suất trong năm nay. Công ty quản lý tài sản T&D Asset Management Co. cho rằng lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm trên 2,5% sẽ là thúc đẩy dòng tiền chảy trở lại quê hương.
Tuy nhiên, xu hướng trên đặt ra rủi ro khá lớn khi các nhà đầu tư Nhật Bản là khách hàng nước ngoài lớn nhất nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ và sở hữu gần 10% trái phiếu Chính phủ của Australia. Họ cũng kiểm soát lượng cổ phiếu từ Singapore đến Hà Lan và Mỹ, trị giá hàng trăm tỷ USD.
Một ví dụ điển hình về sự rút lui khỏi thị trường nước ngoài của Nhật Bản là việc Norinchukin, ngân hàng nông nghiệp lớn nhất Nhật Bản, thu hẹp khối tài sản ở nước ngoài trị giá khoảng 10.000 tỷ yen sau khi một đợt tăng lãi suất bất ngờ làm tăng chi phí và khiến ngân hàng này chịu thua lỗ. Norinchukin đã đầu tư phần lớn trong danh mục chứng khoán trị 60.000 tỷ yen của ngân hàng này vào trái phiếu Chính phủ Mỹ và châu Âu.
Một số nhà quan sát đang lo ngại về nguy cơ xảy ra một kịch bản hỗn loạn cả những gì đã diễn ra trong phiên 5/8 vừa qua khiến chứng khoán Nhật Bản rơi vào ngày “đen tối”.
Trước những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế tại Mỹ, ngày 5/8, thị trường chứng khoán Nhật Bản chứng kiến một phiên bán tháo mạnh mẽ trong “ngày tồi tệ nhất từ trước đến nay”. Chỉ số Nikkei đóng cửa phiên này giảm 12,4% xuống 31.458,42 điểm. Tính theo phần trăm, đây là mức giảm lớn thứ hai kể từ vụ sụp đổ “Thứ Hai Đen tối” vào tháng 10/1987, khi chỉ số này mất 3.836,48 điểm, tương đương 14,9%.
Mặc dù BoJ đang thắt chặt chính sách tiền tệ, song lãi suất tại Nhật Bản vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia như Mỹ và châu Âu. Điều này đồng nghĩa với các tài sản ở nước ngoài vẫn có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Quỹ Đầu tư Hưu trí của Chính phủ Nhật Bản, một trong những quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu đưa trái phiếu và cổ phiếu nước ngoài chiếm một nửa lượng tài sản nắm giữ của quỹ này. Ông Anders Persson, chuyên gia tại công ty quản lý đầu tư Nuveen LLC, cho biết các nhà đầu tư Nhật Bản nhận ra rằng thị trường Mỹ vẫn có tính thanh khoản cao và cung cấp sự đa dạng hóa tốt nhất.
Trong khi đó, ông Shoki Omori, chiến lược gia tại công ty chứng khoán Mizuho Securities Co. cảnh báo các nhà đầu tư trên toàn thế giới đang đánh giá thấp rủi ro của các dòng tiền hồi hương quy mô lớn trong dài hạn.
Trà My-Link gốc