Nhìn từ tình cảnh một doanh nghiệp thiết bị y tế mòn mỏi hơn 2 năm chờ xử lý giấy phép, hay người nộp hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân nhiều lần bị “hẹn lần hẹn lượt”, để thấy việc cắt bỏ, đơn giản hóa khâu thủ tục cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Có như vậy mới góp phần giúp cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Nói về vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp (DN) trong khâu thủ tục ở ngành y tế, đại diện Công ty TNHH một thành viên kỹ thuật Việt Liên (ở phường Hiệp Bình Chánh, Tp. Thủ Đức thuộc Tp.HCM), phản ánh đối với trang thiết bị y tế được Bộ Y tế phân loại C, D thì bắt buộc phải xin giấy phép lưu hành được Bộ Y Tế cấp thì mới được nhập khẩu và kinh doanh tại Việt Nam.
2 năm vẫn đang ở trạng thái “đang xử lý”
Tuy nhiên, theo công ty nêu trên, mặc dù đã hoàn tất hồ sơ theo hướng dẫn và đăng tải lên cổng trực tuyến (online) của Bộ Y tế nhưng đến nay đã hơn 2 năm vẫn đang ở trạng thái “đang xử lý”.
Các DN còn e ngại khâu thủ tục rườm rà, chưa đột phá cải cách, làm ảnh hưởng đến hiệu quả cải thiện sản xuất kinh doanh của họ.
Như trình bày của Công ty Việt Liên, khi liên hệ trên Bộ Y tế thì được biết hồ sơ đang xếp hàng đợi đến lượt kiểm tra. Việc này đã gây vô cùng khó khăn cho phía DN trong việc nhập khẩu Model mới và kinh doanh tại Việt Nam, tốn kém chi phí công chứng lãnh sự tại nước sản xuất vì thời hạn công chứng chỉ áp dụng trong vòng 6 tháng.
“Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín DN (do không xin được giấy phép), ảnh hưởng đến nền hành chính Việt Nam đối với đối tác của chúng tôi vì họ không thể hiểu tại sao không xin được giấy phép trong khi các nước lân cận triển khai rất tốt”, phía Công ty Việt Liên bày tỏ băn khoăn.
Trước phản ánh như vậy, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế Tp.HCM, cho biết sẽ ghi nhận và có phản hồi đến Bộ Y tế về sự chậm trễ này khi mà hồ sơ của DN gửi về cơ quan bộ đã rất là lâu. Bên cạnh đó, các DN cũng mong muốn có một chi nhánh ở Tp.HCM (về cấp phép lưu hành thiết bị y tế thuộc loại C, D để giảm tải cho Bộ Y tế ) nhưng chưa dám chắc có triển khai được hay không.
Thực ra, không riêng gì DN mảng y tế, việc “dài cổ” xếp hàng làm thủ tục vẫn còn là nỗi lo chung của không ít DN và người dân. Đơn cử như trong khâu thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân.
Theo phản ánh của một người nộp hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân tại buổi đối thoại mới đây giữa các DN, người nộp thuế ở 5 tỉnh, thành phía Nam với Tổng cục Thuế, đó là được Chi cục Thuế quận 3 (Tp.HCM) chấp nhận hồ sơ vào ngày 26/6/2024, nhưng đến gần 3 tháng vẫn chưa có thông báo quyết định hoàn thuế. Trong khi đó, cơ quan thuế rất nhiều lần gọi lên gặp cán bộ và chỉ được nhận câu trả lời “đợi”, tuần sau và tuần sau.
Như bức xúc của người này, mặc dù biết có rất nhiều hồ sơ nhưng cán bộ thuế chỉ có hứa và không thực hiện, như vậy là không được. Chẳng hạn tháng 8/2024 cán bộ thuế gọi lên lại bảo đang hoàn tất các hồ sơ của tháng 5/2024 và cứ “hẹn lần hẹn lượt” xử lý hồ sơ.
“Trong khi đó, pháp luật quy định các mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền nếu chậm nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân, cũng như quy định mức phạt chậm trả của cơ quan thuế khi giải quyết hồ sơ chậm trễ mà lỗi do cơ quan thuế là 0,03%/ngày. Nhưng thực tế không hẳn vậy, nhiều hồ sơ bị kéo dài không biết khi nào mới có kết quả xử lý”, người nộp hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân bức xúc nói.
Kỳ vọng cắt bỏ, cải cách thủ tục mạnh hơn nữa
Người nộp hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân nêu trên cũng đặt vấn đề: Đặt trường hợp khác tôi là người đóng phạt nợ thuế, nhưng cơ quan thuế chưa quyết toán hồ sơ để tôi đóng nợ, tiền nợ sẽ bị lãi và lãi cho đến khi có quyết định của cán bộ thuế, như vậy có bất cập hay không? Đó là chưa kể tiền nợ tính lãi từng đồng từng ngày nhưng tiền hoàn thuế cứ bảo phải đợi, và bản thân tôi cũng không được nhận tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả, như thế có đúng chưa?
Từ phản ánh về việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân trễ hạn của cơ quan thuế, Tổng cục Thuế đã ghi nhận và đề nghị người nộp thuế cung cấp thông tin về hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân cụ thể để Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế Tp.HCM kịp thời kiểm tra xác định rõ nguyên nhân, chỉ đạo Chi cục Thuế Quận 3 khẩn trương xử lý hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân kịp thời theo quy định.
Tổng cục Thuế thừa nhận thời gian qua đã có những phản ánh của người nộp thuế liên quan đến tình trạng giải quyết hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân chậm muộn. Để giải quyết vấn đề này, ngành thuế sẽ cần nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp luật nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Có thể nói việc để cho DN và người dân “dài cổ” xếp hàng…chờ làm thủ tục là một bất cập lớn rất cần phải sớm khắc phục nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Như trong nội dung "hiến kế" của Hiệp hội DN Tp.HCM (Huba) đưa ra vào cuối tháng 9/2024 nhằm phát triển kinh tế ở Tp.HCM thì vấn đề cần giải quyết trước tiên là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thông qua các giải pháp tăng cường trách nhiệm, cần chú trọng thái độ phục vụ và đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
“Phải có quy trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên và có chính sách khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh đối với tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân để phát huy nhân tố tích cực, hạn chế biểu hiện tiêu cực”, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch Huba lưu ý.
Ngoài ra, cũng nên nhắc thêm đến nhận định mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi góp ý vào Dự thảo Báo cáo “Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam”. Đó là “DN không chỉ kỳ vọng cắt bỏ, đơn giản hóa về điều kiện đầu tư kinh doanh, mà ngay trong các quy định về thủ tục hành chính cũng cần có những quy định có tính cải cách mạnh hơn”.
Như băn khoăn từ VCCI, các đề xuất tại các phương án cắt giảm, đơn giản hóa của các bộ, ngành sẽ tạo thuận lợi hơn cho DN khi thực hiện thủ tục. Tuy nhiên, các đề xuất này, đôi khi còn mang tính hình thức, chưa có tính đột phá cải cách. Thậm chí, những vướng mắc của DN phản ánh, dường như thiếu vắng trong các đề xuất sửa đổi của các bộ.
Chính vì thế, điều mong mỏi là khâu thủ tục rất cần được “cân chỉnh” sao cho phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh như hiện nay để DN và người dân không phải kéo dài những vướng mắc.
Thế Vinh-Link gốc