Không chỉ Mỹ và các nước châu Âu, những năm gần đây nông sản Việt Nam cũng đang dần khẳng định được tại chính thị trường các nước châu Á. Con số 9 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu nông sản tại thị trường này đã tăng 17,4% so với cùng kỳ đã phần nào nói nên điều này.
Nhiều lợi thế "sân nhà"
Là một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chế biến cho thị trường châu Âu, nhưng trước sự bùng nổ nhu cầu cà phê tại các quốc gia châu Á và xu hướng người tiêu dùng ngày càng yêu thích cà phê Việt, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, đã nhạy bén chuyển hướng chiến lược trong hai năm gần đây. Doanh nghiệp của ông chủ động mở rộng sự hiện diện tại các thị trường châu Á đầy tiềm năng.
"Thị trường Đông Á có nhiều thách thức, nhưng các quốc gia Đông Nam Á, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) lại có sức mua mạnh và rất chuộng hàng Việt," ông Thông chia sẻ.
Theo các DN xuất khẩu, người tiêu dùng châu Á ngày càng ưa chuộng sản phẩm cà phê Việt.
Tương tự, ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc công ty TNHH Anh Khoa, cho hay, châu Á là một thị trường tiềm năng và thuận lợi đối với ngành thủy sản và rau quả bởi phương thức vận chuyển, giá thành rẻ, thời gian cũng ngắn hơn so với các châu lục khác. Ngoài ra, các thủ tục vay vốn cũng sẽ thuận lợi hơn...
Không chỉ thủy sản, mà trái cây và nhiều hàng nông sản Việt cũng đang từng bước chiếm được niềm tin và sự yêu thích của người dân châu Á.
Ngoài Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về lượng tiêu thụ nông sản Việt thì Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có nhu cầu rất lớn nhập khẩu rau quả nhiệt đới của Việt Nam.
Trước đó, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cho thấy thủy sản Việt Nam hiện giữ vị trí đối tác lớn thứ 5 tại nước này trong 2 quý đầu năm 2024.
Số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, Singapore đã nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 546,14 triệu SGD, giảm 3,42% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Singapore trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 0,81% (giá trị xuất khẩu đạt gần 51,7 triệu SGD), chiếm thị phần 9,46%.
Đặc biệt, riêng ở lĩnh vực gạo thời gian qua câu chuyện xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng góp thêm phần khẳng định vị thế nông sản Việt.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng qua, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 7 triệu tấn với trị giá 4,37 tỷ USD. Nếu tính về kim ngạch, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 23,5%.
Nhu cầu nhập khẩu gạo từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia,... sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta cũng đang tích cực mở rộng sang những thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Nhưng phải đảm bảo các yếu tố về chất lượng sản phẩm
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu nông sản tại thị trường châu Á tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Vải thiều tươi Việt Nam được bày bán trong một siêu thị ở Nhật Bản.
Cụ thể, trong 9 tháng, giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường đều tăng như: Châu Á tăng 17,4%; châu Mỹ tăng 26,1%; châu Âu tăng 34,6%; châu Đại Dương tăng 16,1%; riêng châu Phi giảm 0,3%. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; trong đó Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng cao nhất với mức 21,6%; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 20,8% và Nhật Bản chiếm 6,6%.
Theo ông Cao Xuân Thắng-Tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại Singapore, để tăng thị phần bền vững, nâng cao thứ hạng cũng như giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Singapore, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tận dụng được lợi thế về logistics để giảm thiểu chi phí, tạo được lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong xuất khẩu nông sản tại các nước trong khu vực.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng, châu Á là thị trường có dân cư đông, rất nhiều người dân có thu nhập cao họ sẵn sàng tiêu thụ các loại rau quả của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyên, để các sản phẩm nông sản đặc biệt là các sản phẩm rau quả xuất khẩu tăng trưởng bền vững, chúng ta cần chú trọng đảm bảo các yếu tố về chất lượng sản phẩm để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của các nước bạn.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cơ cấu xuất khẩu rau quả hiện nay các nước khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, do ảnh hưởng bão và mưa lũ, đặc biệt sau cơn bão số 3, sản xuất nông nghiệp các tỉnh miền núi Bắc bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, về quy mô nông nghiệp của các tỉnh miền núi phía Bắc không lớn và xuất khẩu từ trước đến nay chủ yếu là các tỉnh khu vực phía Nam và Trung. Do đó, tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng vẫn duy trì và còn tăng hơn so với 8 tháng đầu năm.
Ngoài các thị trường Mỹ, EU... thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường trong khu vực như: Trung Quốc, Nhật Bản...
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy tận dụng các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
“Hiện tất cả các ngành hàng nông nghiệp đều đang có sự chỉ đạo quyết liệt, duy trì được đà tăng trưởng và cố gắng phục hồi sản xuất nông nghiệp nhanh để có thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 3,2-4% trong năm 2024” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.
Hồng Hương-Link gốc