Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) có Cụm cảng biển số 5 lớn nhất cả nước (bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và một phần tỉnh Long An thuộc Tây Nam Bộ), đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương trong vùng phát triển kinh tế dựa vào lợi thế từ biển.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nghe báo cáo về tiến độ Dự án Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch) (ảnh chụp ngày 9-10-2024). Ảnh: V.GIA
Cùng với đầu tư hạ tầng cảng biển thì việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối liên vùng giữa các địa phương, kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cụm cảng biển số 5 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông từ đường bộ, đường thủy, sân bay, cảng biển cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong xuất, nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy kinh tế vùng.
Khai thác tiềm năng lợi thế từ sông, biển
Nói về kinh tế biển, trước hết phải nói đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỉnh này được định hướng sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Cảng biển ở Vũng Tàu được xếp loại cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế, cấp độ IA cùng với cảng Hải Phòng ở phía Bắc. Đặc biệt, Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trên địa bàn tỉnh có luồng sâu tự nhiên, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, có khả năng đón tàu trọng tải lớn đến 250 ngàn tấn (khoảng 24 ngàn TEU).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, tỉnh đang xây dựng Đề án Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Hiện thực hóa mục tiêu này, dự kiến đầu tháng 12-2024, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024.
Bên cạnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai hay Bình Dương cũng là những địa phương có sự phát triển về cảng biển. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai được xếp hạng cảng biển cấp I, là cảng đầu mối quốc gia; Bình Dương là cảng biển cấp địa phương.
Riêng tại Đồng Nai, cùng với hệ thống Cảng Đồng Nai ở thành phố Biên Hòa và Gò Dầu (huyện Long Thành), tỉnh đã đầu tư thêm Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch) có quy mô lớn chuẩn bị đi vào hoạt động. Dự kiến khi cảng này hoàn thành, đưa vào khai thác có thể giúp Đồng Nai tăng thu ngân sách nhà nước thêm 10 ngàn tỷ đồng/năm.
ĐNB có gần 100 khu công nghiệp nên đầu tư hệ thống cảng biển rất thuận lợi trong việc liên kết hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến xuất khẩu. Đồng thời, khu vực ĐNB có nguồn hàng hóa dồi dào, nhà đầu tư các cảng biển trong vùng có thể hợp tác với các doanh nghiệp logistics thực hiện dịch vụ xuất, nhập khẩu liên vùng.
Là nhà đầu tư vào Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành), Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ chiếu xạ Ánh Dương Nguyễn Quốc Trường cho rằng, những lợi thế về hạ tầng cảng biển, sân bay, cao tốc... sẽ tiếp tục là động lực để Đồng Nai cũng như các địa phương khác gia tăng sức thu hút đầu tư.
Nhiệm vụ của vùng ĐNB thời gian tới là tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực mới như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chíp bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo...
Hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối hướng biển
ĐNB đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước. Do đó, phát triển đường thủy tạo ra lợi thế rất lớn cho vùng trong phát triển kinh tế, vì đây là vùng có sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trong Quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ĐNB đề ra mục tiêu sẽ đầu tư đường thủy nội địa với các tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - Sài Gòn; Sài Gòn - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai); các tuyến sẽ kết nối với cảng biển trung chuyển quốc tế Cần Giờ của Thành phố Hồ Chí Minh...
Cảng Phước An, cảng biển lớn nhất Đồng Nai đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Kết nối đường thủy quan trọng nhưng hạ tầng giao thông đường bộ mới là trọng điểm đầu tư của các địa phương trong vùng thời gian qua. Tuyến đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh kết nối từ Long An qua Bình Dương, Đồng Nai, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã khai thác và cho thấy hiệu quả từ nhiều năm qua. Các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu đang được thi công. Trong tương lai gần sẽ có thêm đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Bình Phước và Tây Ninh; từ Đồng Nai đi Lâm Đồng hay tuyến đường vành đai 4 nối Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An với chiều dài hơn 200km. Giao thông kết nối hoàn thiện sẽ giúp các địa phương, khu công nghiệp giao và nhận hàng hóa đến cảng biển một cách nhanh nhất.
Tại Hội nghị lần thứ 4 Hội đồng Điều phối vùng ĐNB được tổ chức ngày 10-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án lớn trong vùng và liên vùng. Trong đó có Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối. Theo Thủ tướng, nhiệm vụ phải được triển khai với tinh thần đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện và có sản phẩm cân đong đo đếm được với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.