• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.262,76 +1,04/+0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:55:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.262,76   +1,04/+0,08%  |   HNX-INDEX   226,51   -0,38/-0,17%  |   UPCOM-INDEX   92,97   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.327,55   -0,08/-0,01%  |   HNX30   478,53   -1,40/-0,29%
18 Tháng Mười Hai 2024 12:01:28 CH - Mở cửa
Chìa khóa đảm bảo an ninh năng lượng cho Đông Nam Á
Nguồn tin: Vietnam+ | 18/12/2024 8:59:49 SA

 Lưới điện ASEAN, cùng với sự hội nhập và hợp tác trong khu vực, là điều cần thiết để hiện thực hóa các mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh khu vực quận tài chính thương mại ở Singapore, ngày 26/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Là quốc gia khan hiếm đất đai và ít tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo của Singapore còn hạn chế. Điều này lý giải nguyên nhân vì sao Singapore tích cực nhập khẩu điện từ các nước láng giềng.
Ông Seng Wai Lee - Giám đốc Văn phòng Kết nối Năng lượng thuộc Cơ quan Thị trường Năng lượng của Singapore - chia sẻ, việc nhập khẩu điện tái tạo là chiến lược trọng tâm của Singapore. Cơ quan này đặt mục tiêu nhập khẩu khoảng 6 GW điện được sản xuất từ nguồn ít gây phát thải carbon vào năm 2035. Theo đó, công ty Sembcorp Power đã bắt đầu nhập khẩu 50 MW điện tái tạo từ tập đoàn điện lực quốc gia Malaysia (TNB) vào tháng 12/2024. Lượng điện này lấy từ lưới điện của Malaysia, dẫn nguồn từ các nhà máy điện Mặt trời, thủy điện hoặc các nguồn năng lượng tái tạo khác đã được Ủy ban Năng lượng Malaysia chấp thuận.
Chính sách nhập khẩu năng lượng tái tạo của Singapore là một phần trong nỗ lực chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng, vừa giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào nền tảng cơ sở hạ tầng và sự hợp tác của các quốc gia thành viên. Lưới điện ASEAN, cùng với sự hội nhập và hợp tác trong khu vực, là điều cần thiết để hiện thực hóa các mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận giữa Sembcorp Power và TNB được ký kết trong thời gian diễn ra giai đoạn 2 của dự án tích hợp điện năng Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS), nhằm mục đích tăng gấp đôi sản lượng điện giao dịch lên tối đa 200MW, với nguồn cung bổ sung đến từ Malaysia. Giai đoạn đầu tiên của dự án LTMS, được triển khai vào tháng 6/2022, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu 100MW điện từ Lào sang Singapore thông qua các hệ thống kết nối hiện có ở Thái Lan và Malaysia.
Tuy nhiên, tờ The Straits Times của Singapore đưa tin rằng, năng lượng cung cấp từ Malaysia khó có thể chỉ đến từ các nguồn tái tạo. Tờ báo này trích dẫn nguồn tin của Cơ quan Thị trường Năng lượng của Singapore cho biết, năng lượng trong giai đoạn thứ hai đến từ các nguồn hỗn hợp. Ngoài ra, hãng tin Reuters (Anh) vào tháng 10/2024 cho biết, Thái Lan vẫn chưa hoàn tất việc tính phí truyền tải điện với Singapore để gia hạn thỏa thuận thương mại điện đa phương.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ASEAN là một khu vực có đủ năng lượng tái tạo để tự cung cấp năng lượng, song vấn đề là làm thế nào để khai thác và xuất khẩu năng lượng tái tạo sang các quốc gia không thể sản xuất như Singapore.
Bà Sharon Seah, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu ASEAN và Chương trình biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á tại Viện ISEAS – Yusof Ishak (Malaysia), thúc giục các nước trong khu vực sớm đàm phán, nhất trí về các tiêu chuẩn chung, đồng thời cho rằng, các nước nhập khẩu ngày nay có thể là các nước xuất khẩu ngày mai vì năng lực khai thác năng lượng tái tạo có thể thay đổi, tùy thuộc vào các yếu tố như biến đổi khí hậu.
Về phí truyền tải, ông Victor Nian, Giám đốc điều hành Trung tâm Năng lượng và Tài nguyên Chiến lược (CSER), Singapore, nhận định: “Mặc dù mục tiêu của LTMS là đúng đắn, song thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt là câu hỏi về chính sách nào cần được đưa ra ở cấp độ khu vực để hài hòa hóa sự phát triển và cuối cùng là tạo ra một thị trường điện ở khu vực”.
Theo ông Nian, một khi lưới điện đa phương được thiết lập, các quốc gia có thể giao dịch bất kỳ loại năng lượng nào. ASEAN đang đặt mục tiêu đạt 23% năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung cấp năng lượng vào năm 2025. Tuy nhiên, báo cáo Triển vọng Năng lượng ASEAN vào tháng 9/2024 nhận thấy, mục tiêu này khó có thể đạt được vì năng lượng tái tạo chỉ chiếm 15% nguồn cung cấp năng lượng của khu vực vào năm 2022.
Với việc Malaysia đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm tới, các chuyên gia lạc quan rằng nước này sẽ ưu tiên chương trình nghị sự về chuyển đổi năng lượng xanh trong khối. Ông Peter Godfrey, Giám đốc điều hành Viện Năng lượng Singapore nhận định rằng, các bộ trưởng của Malaysia đã nhiều lần tuyên bố rằng chuyển đổi năng lượng sẽ là ưu tiên trọng tâm của ASEAN. Theo ông, Malaysia mong muốn đi đầu trong việc tăng cường hội nhập khu vực như một phương tiện giải quyết các vấn đề cơ bản về an ninh năng lượng.
Trong bối cảnh nhu cầu điện, đặc biệt là điện từ nguồn tái tạo tiếp tục gia tăng, các quốc gia thành viên ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác khu vực, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng lưới điện và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng sạch nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và hướng tới một tương lai bền vững cho toàn khu vực./.

Thành Trung-Link gốc