Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump cam kết sẽ tối đa hóa sản lượng dầu thô của Mỹ và tiếp tục phủ nhận biến đổi khí hậu.
Ông Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida, ngày 6/11/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Báo The National News của Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) vừa đăng bài viết cho rằng dầu khí sẽ là một trong những ưu tiên của chính quyền ông Trump sắp tới. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử Giám đốc điều hành kỳ cựu của tập đoàn năng lượng Liberty Energy, Chris Wright, làm Bộ trưởng Năng lượng Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump cam kết sẽ tối đa hóa sản lượng dầu thô của Mỹ và tiếp tục phủ nhận biến đổi khí hậu.
Ông Wright, người từng là Giám đốc điều hành của Liberty Energy (có trụ sở tại Colorado) từ năm 2011, dường như phù hợp với vị trí này. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ các kế hoạch phát triển ngành dầu khí và có cùng quan điểm với ông Trump về vấn đề khí hậu toàn cầu. Quyết định bổ nhiệm ông Wright vẫn cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, nhưng điều này dường như chắc chắn sẽ xảy ra khi đảng Cộng hòa của ông Trump đã nắm quyền kiểm soát Thượng viện.
Giám đốc điều hành của Liberty Energy cùng với một số nhân vật đã được đề cử vào các vị trí trong nội các của ông Trump, trong đó đáng chú ý nhất là Matt Gaetz làm Tổng Chưởng lý và ông Elon Musk làm người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ mới được thành lập. Ông Wright tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư tại Đại học California, Berkeley và Viện Công nghệ Massachusetts vào những năm 1980.
Nỗ lực lớn đầu tiên trong sự nghiệp của ông Wright là thành lập công ty Pinnacle Technology ở San Francisco vào năm 1992. Công ty này tuyên bố đã "tạo ra ngành công nghiệp lập bản đồ nứt vỡ thủy lực áp dụng trong khai thác dầu đá phiến". Những đổi mới sáng tạo của ngành này đã giúp Pinnacle Technology khởi động hoạt động sản xuất khí đá phiến thương mại vào cuối những năm 1990. Ông Wright là Giám đốc điều hành của Pinnacle Technology cho đến năm 2006.
Bên cạnh đó, vào năm 2000, ông cũng trở thành Chủ tịch của tập đoàn Stroud Energy có trụ sở tại Texas, một "công ty tiên phong về khí đá phiến". Vào năm 2010, ông Wright gia nhập Liberty Energy với tư cách là Giám đốc điều hành Liberty Resources. Ông cũng trở thành Giám đốc điều hành của tập đoàn này vào năm sau đó và Chủ tịch của Liberty Midstream Solutions vào năm 2016. Ông vẫn đảm nhận cả ba vị trí cho đến ngày nay.
Nếu được phê chuẩn, ông Wright sẽ thay thế bà Jennifer Granholm, người luôn ủng hộ việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng gió, năng lượng Mặt trời và năng lượng hạt nhân, và chuyển sang sử dụng xe điện, một ngành công nghiệp mà Mỹ đã hỗ trợ rất nhiều với các khoản trợ cấp lớn của chính phủ.
Cũng giống như nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đưa vào nội các của mình những người có cùng quan điểm với ông về các vấn đề. Với tư cách là Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, ông Wright được kỳ vọng sẽ "là một nhà lãnh đạo chủ chốt, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xóa bỏ thói quan liêu và mở ra một kỷ nguyên vàng mới cho sự thịnh vượng và hòa bình toàn cầu của Mỹ". Ông Trump ca ngợi vai trò của công ty Pinnacle Technology trong việc khởi động "cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ, giúp thúc đẩy sự độc lập của Mỹ về năng lượng và làm thay đổi thị trường năng lượng cũng như địa chính trị toàn cầu".
Tổng thống đắc cử Mỹ đang tìm cách thúc đẩy hơn nữa vai trò lãnh đạo của Mỹ trong sản xuất năng lượng. Theo dữ liệu của Worldometer, Mỹ là quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, với sản lượng đạt gần 14,84 triệu thùng/ngày, cao hơn 20% so với Saudi Arabia. Việc thúc đẩy sản xuất dầu khí sẽ hỗ trợ các công ty Mỹ và làm tăng nguồn thu của Chính phủ Mỹ, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này.
Các chứng cứ khoa học đều cho thấy nhiều dấu hiệu của biến đổi khí hậu. Nhưng vào năm 2017, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris, một thỏa thuận toàn cầu quan trọng nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này đã được đảo ngược hoàn toàn vào năm 2021 khi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã đưa Mỹ tham gia trở lại hiệp định khí hậu này trong ngày đầu tiên nhậm chức.
Trở lại nắm quyền trong nhiệm kỳ hai, ông Trump ám chỉ rằng ông có kế hoạch một lần nữa rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Tuy nhiên, một số thực thể và cá nhân có ảnh hưởng, bao gồm cả Nga và Giám đốc điều hành ExxonMobil Darren Woods, đã khuyến khích ông ở lại trong nhóm này, cho rằng thay vì đi ngược lại nó, có lẽ tốt hơn là làm cho Thỏa thuận Paris hiệu quả hơn.
Do các yếu tố chính trị và các thực tế khác, hành động quốc tế vẫn còn quá chậm để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 là hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, bất chấp các cuộc họp thường niên giữa các nhà lãnh đạo thế giới. Năm nay là năm nóng nhất được ghi nhận và sẽ phá vỡ giới hạn 1,5 độ C. Vẫn còn nhiều điều phải xem xét về cách thức chính quyền Trump giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng. Nhưng có một điều chắc chắn rằng Mỹ đã sẵn sàng cho một giai đoạn 4 năm khó đoán định, điều có thể gây ra tác động đáng kể trong thời gian kéo dài sau đó.
Link gốc