Năm 2025, tỉ giá và lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục biến động, phản ánh áp lực từ thị trường quốc tế và chính sách điều hành trong nước, tác động mạnh mẽ đến kinh tế.
Một năm "sóng gió" của tỉ giá
Năm 2024, thị trường tỉ giá tại Việt Nam đã trải qua những biến động đáng kể, phản ánh sự tương tác phức tạp giữa yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước và các diễn biến quốc tế. Áp lực từ lạm phát toàn cầu, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, cùng với sự điều chỉnh trong cung - cầu ngoại tệ đã tạo nên một bức tranh tỉ giá đầy biến động.
Thời điểm giữa năm, có lúc tỉ giá USD và VND tăng tới 5% và bắt đầu giảm khi FED giảm lãi suất 0,5% vào tháng 9/2024. Bước sang quý III/2024, theo đà tăng của thế giới, tỉ giá USD có xu hướng tăng trở lại, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nhờ vậy, tỉ giá đã phần nào hạ nhiệt.
Theo ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, tỉ giá USD/VND đã có sự biến động mạnh trong ba năm qua, chủ yếu là do FED bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất từ trước đến nay vào đầu năm 2022.
Ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital.
Hai yếu tố riêng biệt của Việt Nam sẽ tác động đến VND trong năm 2025 là dự trữ ngoại hối hiện thấp hơn 3 tháng nhập khẩu, thặng dư thương mại khoảng 6% GDP của Việt Nam dự kiến sẽ thu hẹp.
Trong đó, về thặng dư thương mại của Việt Nam, các nhà máy FDI đã tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho nguyên liệu sản xuất trong hai năm qua, đồng thời nhập khẩu nhiều nguyên liệu hơn để dự trữ tồn kho, khiến tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam vượt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, đại diện VinaCapital dự đoán rằng năm 2025 sẽ chứng kiến một số biến động đối với đồng VND, nhưng tỉ giá USD/VND cuối cùng sẽ kết thúc năm với mức giảm 3% hợp lý so với đồng USD. Hơn nữa, mức thuế quan mà Mỹ áp đặt lên các quốc gia khác cuối cùng đều phản ánh vào việc giá trị USD tăng lên.
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), nhìn nhận, không chỉ năm vừa qua mà những năm trước nữa, hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn luôn rất linh hoạt trong vấn đề tỉ giá.
Ngay khi tỉ giá có vấn đề, NHNN đã có những biện pháp như OMO để rút tiền về, có lúc lại yêu cầu ngân hàng thương mại bán ra USD để cân bằng thị trường. Động thái của NHNN luôn luôn nhanh và chính xác.
Tuy nhiên, ông Đức nhận định, phải nhìn nhận rằng dù sao nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối nhỏ so với thế giới. Một biến động bao trùm trên thế giới sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam. Do đó, chúng ta cần cái nhìn mang tính dài hơi và cẩn trọng hơn trước biến động khó lường.
Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2025
Sau giai đoạn lãi suất huy động chạm mức thấp kỷ lục kéo dài, từ tháng 4/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi bắt đầu nhích lên khi dòng tiền nhàn rỗi của người dân có xu hướng rút dần khỏi hệ thống ngân hàng để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh sinh lời tốt hơn.
Xu hướng này trở nên rõ nét hơn từ tháng 6/2024, khi tăng trưởng tín dụng tăng tốc mạnh mẽ, từ 3,4% vào cuối tháng 5 (so với cuối năm 2023) lên 6,1% vào cuối tháng 6, khiến nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng cao.
Tính đến đầu tháng 12, đã có 12 ngân hàng thực hiện tăng lãi suất huy động, bao gồm Techcombank, BVBank, GPBank, TPBank, ABBank, CB, Dong A Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đến đầu tháng 12/2024, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân tại các ngân hàng thương mại đạt 4,84%/năm, tăng nhẹ so với cuối tháng 10 nhưng vẫn thấp hơn 0,09 điểm % so với cuối năm 2023.
Chuyên gia dự báo lãi suất huy động sẽ đi ngang trong năm 2025.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT nhận định, mặc dù hiện tại chưa nhận thấy động cơ để NHNN tăng lãi suất điều hành vào năm 2025, đặc biệt khi các ngân hàng trung ương khác trong khu vực đang theo xu hướng cắt giảm lãi suất điều hành, việc mặt bằng lãi suất huy động tăng lên, dù ở tốc độ vừa phải, sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, và xu hướng này chịu tác động lớn từ nhu cầu tín dụng cũng như áp lực tỉ giá dai dẳng.
Đại diện VNDIRECT tin rằng, bất chấp những trở ngại trong năm 2025, NHNN sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng trong năm tới. Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức ở mức 14-15% so với cùng kỳ trong năm 2025.
Ông Hinh dự báo lãi suất huy động bình quân 12 tháng có thể tăng khoảng 0,3% trong năm 2025, đạt khoảng 5,2-5,3%/năm vào cuối năm 2025.
Còn theo các chuyên gia VCBS, nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ duy trì đi ngang với sự hỗ trợ đến từ nỗ lực thúc đẩy tín dụng trong năm 2025 của NHNN.
VCBS kỳ vọng tốc độ lãi suất huy động sẽ tăng theo hướng nhích dần đều nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so với giai đoạn trước COVID-19, dự báo mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 20-30 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025.
Trên cơ sở đó, chuyên gia dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế.
Việc lãi suất huy động tăng nhẹ sẽ tạo áp lực nhất định lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, "room" tín dụng dồi dào trong thời gian qua làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2025, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Cụ thể, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Link gốc