Ngành năng lượng thế giới vừa trải qua một năm 2024 ít sóng gió, bất chấp các cuộc xung đột vũ trang và cạnh tranh địa chính trị vẫn đang căng thẳng.
Nhân viên làm việc tại nhà máy lọc dầu ở Wasit, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN
Năm qua cũng chứng kiến sự xuất hiện của các xu hướng năng lượng mới như sự trỗi dậy của năng lượng tái tạo và sự trở lại của điện hạt nhân. Với những diễn biến này, thị trường năng lượng toàn cầu năm 2025 đang đứng trước nhiều cơ hội để chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, những chuyển dịch lớn trong chính sách năng lượng và đầu tư của các nước trong năm mới sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc cân bằng các mục tiêu về an ninh năng lượng và môi trường.
Trái với nhiều dự báo từ đầu năm 2024, thị trường dầu mỏ thế giới duy trì sự ổn định bất ngờ, bất chấp nhiều cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng ở Nga và Ukraine và các cuộc đụng độ trực tiếp giữa Iran và Israel có nguy cơ đưa Trung Đông đến bờ vực của một "cuộc chiến dầu mỏ". Theo đánh giá của Deloitte, 2024 là một trong những năm bình ổn nhất của thị trường dầu mỏ trong 1/4 thế kỷ qua.
Sự ổn định này phần lớn do sự cân bằng cung - cầu nhiên liệu trong một năm kinh tế không có nhiều điểm sáng. Nhu cầu dầu thô toàn cầu tiếp tục mất đà tăng trưởng, đặc biệt là tại Trung Quốc - một trong những thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất. Nhu cầu dầu thô của Trung Quốc trong quý III/2024 đã giảm 300.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái do sản xuất công nghiệp trì trệ và sự phổ biến nhanh chóng của các loại xe điện.
Ở chiều ngược lại, nguồn cung dầu mỏ lại đang trong xu hướng tăng. Quý III/2024, sản lượng dầu thô toàn cầu tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2023. Sự gia tăng này được thúc đẩy nhờ mức tăng sản lượng khai thác dầu thô ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, trong khi nguồn cung từ các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh vẫn ổn định. Nguồn cung dồi dào giữ giá dầu thô thế giới tương đối bình ổn suốt cả năm. Bên cạnh đó, thị trường cũng hạ thấp đánh giá rủi ro đối với cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở Trung Đông, không gây ra những cú sốc về nguồn cung hay giá nhiên liệu.
Kỹ thuật viên kiểm tra tấm năng lượng mặt trời tại trạm quang điện ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Một điểm đáng chú ý khác trong năm là nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh chưa từng có. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết mức tiêu thụ điện trong năm tăng 4%. Những nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng đột biến này là do thời tiết nóng lên, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tiêu tốn nhiều điện năng và sự phổ cập của xe điện. Trước áp lực về nguồn cung điện và cả các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, ngành năng lượng thế giới đã có những bước chuyển dịch đầu tiên sang các nguồn năng lượng phát thải thấp. Năm 2024 đánh dấu sự trở lại của các dự án điện hạt nhân, bên cạnh nguồn vốn đầu tư lớn rót vào các dự án điện gió, điện mặt trời và điện hydro xanh.
Dù không có biến động lớn, song những diễn biến năm 2024 là nền tảng quan trọng cho những thay đổi chiến lược của thị trường năng lượng toàn cầu trong tương lai. Trong bối cảnh thế giới tăng cường nỗ lực thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch như các cam kết đã đạt được tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28), năm 2025 được kỳ vọng là thời điểm mang tính bước ngoặt của ngành năng lượng toàn cầu khi các quốc gia ráo riết tìm kiếm giải pháp trung hòa carbon trong những thập niên tới.
IEA dự báo nhu cầu điện năng sẽ tăng ít nhất 4% trong năm tới để phục vụ sản xuất công nghiệp và sử dụng AI. Năng lượng tái tạo được xem như "chiếc đũa thần" có thể đáp ứng không giới hạn các nhu cầu về điện, trong khi vẫn bảo vệ được môi trường. Giám đốc IEA Fatih Birol nhận định: "Việc thúc đẩy năng lượng xanh không chỉ được hỗ trợ bởi các nỗ lực giảm phát thải hay tăng cường an ninh năng lượng, mà còn do năng lượng tái tạo hiện là lựa chọn rẻ nhất để bổ sung các nhà máy điện mới ở hầu hết các quốc gia trên thế giới".
Theo ước tính của IEA, hơn 1/3 lượng điện của thế giới năm 2025 sẽ đến từ năng lượng tái tạo. Những đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng hydro xanh đánh dấu bước quan trọng trong việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo truyền thống như mặt trời và gió đã sẵn sàng cho những cải tiến lớn, nổi bật là hệ thống lưu trữ năng lượng. Energy Digital cho biết sẽ có những bước tiến nhảy vọt trong đầu tư vào các dự án năng lượng xanh trong năm tới. Hiện, Trung Quốc đang thống trị về hạ tầng năng lượng tái tạo, với tổng công suất lắp đặt sẽ đạt khoảng 3.200 GW vào cuối năm 2025. Với tiềm năng khử hoàn toàn carbon và khả năng lưu trữ dễ dàng, hydro xanh đang thu hút sự quan tâm đặc biệt ở các quốc gia như Mỹ, Australia, Đức và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, điện hạt nhân đang trở lại một cách mạnh mẽ, đánh dấu sự thay đổi trong quan điểm về an ninh năng lượng và bảo vệ khí hậu. Các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ đang dần khẳng định vị thế nhờ khả năng cung cấp điện linh hoạt và đảm bảo an toàn cao. Không chỉ các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines và Việt Nam cũng đặt mục tiêu khởi động lò phản ứng hạt nhân trong tương lai gần. Giám đốc điều hành Tập đoàn Radiant Energy – ông Mark Nelson nhận định năm 2025 sẽ là "phép thử" khi các nước hiện thực hóa các ý tưởng thành các dự án điện hạt nhân cụ thể.
Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được mở đường nhờ các chính sách khuyến khích của các chính phủ, tiêu biểu là Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ hỗ trợ tín dụng và trợ cấp cho sản xuất, sử dụng năng lượng sạch. Nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, Liên minh châu Âu (EU) áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, nhằm đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
Công nhân vận hành đường ống dẫn khí đốt của Nga. Ảnh: Bloomberg/TTXVN
Tuy nhiên, ngành năng lượng thế giới năm 2025 cũng đối mặt với nhiều thách thức. Không ai có thể chắc chắn các cơ sở dầu mỏ và khí đốt ở Trung Đông tiếp tục an toàn khi cuộc xung đột ngày càng lan rộng. Trong trường hợp xấu nhất, nguồn cung dầu thô của thế giới sẽ sụt giảm, dù chỉ trong ngắn hạn.
Nếu kịch bản ngược lại xảy ra, sự dư thừa nguồn cung dầu thô trong năm tới là điều đã được Ngân hàng Thế giới dự báo. Thặng dư dầu thô có thể chạm mốc 1,2 triệu thùng/ngày, kéo giá thành giảm, khiến dầu trở thành nguồn nhiên liệu hấp dẫn về giá. Điều này có thể làm chậm tiến trình chuyển đổi xanh khi các quốc gia và doanh nghiệp tận dụng giá dầu thấp để thúc đẩy hiệu suất kinh tế hơn là các mục tiêu môi trường.
Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng khiến các chính sách năng lượng của Mỹ trở nên khó dự đoán. Ông tuyên bố mở rộng hoạt động khoan dầu và bày tỏ thái độ không mấy thiện cảm với các nội dung chống biến đổi khí hậu. Dưới chính quyền Trump 2.0, xu hướng chuyển đổi xanh toàn cầu có nguy cơ giảm tốc khi các nhà đầu tư dè dặt rót vốn vào các dự án năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc đe dọa làm đứt chuỗi cung ứng lithium, coban và uranium - những nguyên liệu then chốt để sản xuất điện xanh. Sự phụ thuộc vào các loại nguyên liệu khan hiếm và đắt đỏ này khiến việc phát triển năng lượng tái tạo chưa thực sự bền vững. Xung đột và đối đầu cũng cản trở việc chuyển giao công nghệ sản xuất năng lượng xanh, gây áp lực không nhỏ.
Năm 2025 không chỉ là cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu mà còn là bài sát hạch sự kiên định và khả năng thích ứng của thế giới trước những biến động lớn. Đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế ổn định chuỗi cung ứng và thiết lập các chính sách ổn định, hỗ trợ linh hoạt là cách thế giới có thể khai thác, quản lý năng lượng một cách bền vững. An ninh năng lượng không chỉ là đảm bảo đủ nguồn cung mà còn là nền tảng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Trà Ly (TTXVN)
Link gốc