• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.267,35 -1,51/-0,12%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.267,35   -1,51/-0,12%  |   HNX-INDEX   227,99   -0,19/-0,08%  |   UPCOM-INDEX   92,68   -0,06/-0,07%  |   VN30   1.335,55   -0,93/-0,07%  |   HNX30   484,74   -0,74/-0,15%
12 Tháng Mười Hai 2024 5:25:18 CH - Mở cửa
Giá điện theo cơ chế thị trường sẽ giúp chống thiếu điện?
Nguồn tin: Công an nhân dân | 06/12/2024 4:15:02 CH

Tại Diễn đàn Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra ngày 6/12 tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, quyết định chuyển giá điện sang giá thị trường thì sẽ thay đổi được cục diện cung và cầu và hy vọng lúc đó sẽ giải quyết được cung cầu điện cho nền kinh tế.

Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, do Ban Tuyên giáo Trung ương giao Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đồng tổ chức.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường cần tập trung vào cơ chế cạnh tranh, mà yếu tố cốt lõi là giá. Trong nền kinh tế thị trường, giá được xác định dựa trên nguyên tắc cạnh tranh, từ đó quyết định hoạt động của cả hệ thống kinh tế. 

Theo ông Thiên, chính sách điện lực được giao cho các doanh nghiệp nhà nước, trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước đặt mục tiêu giữ giá điện thấp, dẫn đến hệ quả lâu dài là thiếu hụt nguồn cung, gây áp lực lớn lên nền kinh tế. "Theo Bộ Công Thương, năm 2023, EVN lỗ gần 22 ngàn tỷ đồng, riêng sản xuất kinh doanh điện lỗ 34 ngàn tỷ đồng. Như vậy, ai dám đầu tư vào ngành điện, nếu giá điện và cơ chế giá điện không thay đổi", ông Thiên nói.

Các đại biểu chủ trì diễn đàn.

Vậy, giá điện thấp- Ai được hưởng lợi?, đặt câu hỏi và cũng đưa ra câu trả lời, ông Thiên cho rằng, lĩnh vực năng lượng vẫn đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Giá điện thấp đã hạn chế thu hút đầu tư vào ngành, đặc biệt trong các dự án công nghệ cao tiêu thụ năng lượng lớn. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp nước ngoài với công nghệ lạc hậu tận dụng lợi thế giá năng lượng rẻ để đầu tư, kéo theo việc khai thác tài nguyên quá mức và phát thải khí nhà kính tăng cao.

Thống kê cho thấy mức tiêu thụ điện năng trên đầu người của Việt Nam chỉ bằng 33,5% mức trung bình thế giới, trong khi lượng phát thải CO₂ từ hoạt động năng lượng lại tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010 - 2020. Hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế thấp, khiến Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ điện/GDP cao nhất.

Do đó, "giá điện thấp không thực sự mang lại lợi ích lớn cho người dân nghèo mà chủ yếu ưu đãi các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Hệ quả là ngân sách nhà nước chịu áp lực lớn trong việc duy trì nguồn cung và hỗ trợ hạ tầng, đồng thời tạo ra những bất cập về cơ cấu đầu tư và phân bổ nguồn lực", ông Thiên nhấn mạnh.

Tại Quy hoạch Điện VIII, lộ trình tăng trưởng năng lượng với trọng tâm là công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, Việt Nam cần giải quyết bài toán định giá điện, chuyển từ chính sách hỗ trợ giá thấp sang cơ chế cạnh tranh thị trường, từ đó, thu hút đầu tư và phát triển bền vững ngành năng lượng.

Để phát triển bền vững ngành năng lượng, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam cần tập trung khai thác các nguồn lực tiềm năng như thủy triều, hải lưu nóng và đặc biệt là năng lượng hạt nhân. Việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận như chỉ đạo của Thủ tướng và Tổng Bí thư là bước chuẩn bị chiến lược cho tương lai, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và thúc đẩy đổi mới cấu trúc phát triển kinh tế.

PGS.TS Trần Đình Thiên tham luận tại diễn đàn.

Trong đó, Quy hoạch Điện VIII cần được đánh giá lại nghiêm túc, không ngại điều chỉnh nếu cần thiết. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự linh hoạt trong tư duy điều hành của Đảng và Nhà nước. Điển hình, việc đẩy mạnh năng lượng tái tạo như gió và mặt trời cần đi đôi với việc khắc phục bất cập trong vận hành, chẳng hạn như các dự án đã hoàn thành nhưng chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực quốc gia và làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư quốc tế.

Bởi, từ chính sách giá cố định (FIT) đối với năng lượng tái tạo, đặc biệt ở Ninh Thuận, là minh chứng cho sự cần thiết phải chuyển đổi sang cơ chế giá thị trường. Việc định giá không phù hợp đã gây ra những hệ lụy lớn, từ lãng phí tài nguyên đến giảm hiệu quả sử dụng vốn. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận minh bạch, công bằng, tránh phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, để phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh cần một cách tiếp cận mới về tư duy thị trường, hiện đại hóa và tầm nhìn năng lượng tái tạo từ đó tạo cơ hội thời đại và vị thế quốc gia mới. Trong quá trình này, cần điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cả phía cung lẫn phía cầu trên cơ sở căn bản về giá cả và thị trường điều tiết, chủ động đẩy mạnh quá trình thị trường hóa điện song hành cùng giá điện.

“Để giá điện thực sự mang tính thị trường và công bằng trong xã hội, cần tách bạch vai trò giữa nhà nước và thị trường. Cần trả lại vai trò doanh nghiệp nhà nước đích thực cho EVN, đồng thời đẩy nhanh việc hình thành cơ chế giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng), cũng như chủ động có kế hoạch điều chỉnh giá điện theo mùa vụ, trừ trường hợp bất thường”, PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay. 

Về giá điện, Ths. Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho rằng, giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phải đảm bảo kết hợp hài hoà giữa các mục tiêu minh bạch và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh cả trong sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Về phát triển năng lượng tái tạo, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, Khoa Kinh tế, Đại học Mở Hà Nội cho biết, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo cần tập trung vào các chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. Vì vậy, cần chuyển sang cơ chế đấu thầu để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư được chọn lựa để phát triển sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất.

Bảo đảm an ninh năng lượng luôn là ưu tiên trong chiến lược phát triển của các quốc gia.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, năng lượng là yếu tố then chốt, có tính quyết định tạo khả năng phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Do vậy, bảo đảm an ninh năng lượng luôn là ưu tiên trong chiến lược phát triển của các quốc gia.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thuỷ cho biết, phát triển năng lượng phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế, nhanh chóng xây dựng một thị trường năng lượng đồng bộ, minh bạch, cạnh tranh và đa dạng. Đặc biệt, khuyến khích sự tham gia của kinh tế tư nhân, loại bỏ các biểu hiện bao cấp, độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh trong ngành năng lượng.

Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trước yêu cầu toàn cầu hóa, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế hướng vào những ngành có mức sử dụng năng lượng thấp, thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng; phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện dự trữ năng lượng; thực hiện chính sách giá điện bảo đảm tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường; phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; phát triển năng lượng tái tạo cần đi đôi với phát triển kinh tế tuần hoàn. 

Lưu Hiệp-Link gốc