Lực cầu không duy trì đủ mạnh khiến chỉ số VN-Index chưa thể “bứt” lên. Chỉ số VN-Index vẫn “loanh quanh” vùng 1.270 điểm.
Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN
Kết thúc phiên giao dịch 9/12, VN-Index tăng nhẹ 3,7 điểm lên 1.273,84 điểm; HNX-Index tăng 0,28 điểm lên mức 229,21 điểm; UPCOM-Index tăng nhẹ 0,1 điểm lên 92,91 điểm. Toàn thị trường có 434 mã tăng giá và 269 mã giảm giá. Thanh khoản đạt hơn 18.410 tỷ đồng.
Rổ cổ phiếu VN30 có 15 mã tăng giá và 9 mã giảm giá. Tuy nhiên, chỉ số VN30- Index vẫn chốt phiên trong sắc đỏ.
Tăng mạnh nhất thị trường là cổ phiếu ngành năng lượng, nhờ PSB tăng 3,85%, BSR tăng 2,91%, PVB tăng 1,82%, PVS tăng 1,18%, PVC tăng 0,96%, PVD tăng 0,42%... Các nhóm bất động sản và viễn thông cũng ở chiều tăng giá. Sắc xanh cũng chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, nhưng mức tăng nhỏ.
Ở chiều ngược lại, ngành công nghệ thông tin giảm mạnh do FPT giảm 1,67%, CMG giảm 2,07%.
Khối ngoại hôm nay bán ròng với giá trị 477 tỷ đồng. Cụ thể, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 471 tỷ đồng trên HOSE. FPT bị bán ròng mạnh nhất sàn với 360 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh tiếp theo là CMG (35 tỷ đồng); KBC và VNM đều bị bán ròng 34 tỷ đồng.
Trong báo cáo chiến lược tháng 12/2024 với chủ đề linh hoạt ứng biến vừa được Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) phát hành có đề cập rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam lấy lại cân bằng trong những ngày đầu tháng 12 với sự cải thiện trở lại của nhiều cổ phiếu trong rổ VN30; trong đó có nhóm tài chính (ngân hàng và chứng khoán); bên cạnh các nhóm cảng và logictics, dệt may, thủy sản và bất động sản vẫn đang duy trì động lực tăng giá tốt.
SSI cũng nêu một số yếu tố đang thu hút sự chú ý của thị trường trong tháng 12, đó là tăng trưởng GDP quý IV được kỳ vọng duy trì tích cực; đầu tư công dự kiến tăng tốc không chỉ vào quý IV mà tiếp tục trong năm 2025; xuất nhập khẩu kỳ vọng sẽ duy trì khả quan trước khi các chính sách thuế quan mới của Mỹ được đưa ra; kế hoạch hành động của Chính phủ cho năm 2025 với các cải cách và giải pháp tăng trưởng kinh tế mang tính đột phá đang được chờ đợi.
Cùng đó, mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi vẫn được đẩy mạnh. Tuy còn một số vướng mắc trong vận hành, Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell đã có đánh giá khả quan về việc nhà đầu tư nước ngoài có thể đặt lệnh mua cổ phiếu không cần đủ tiền (NPS) vào thực tế. Dự kiến, FTSE Russell sẽ có cuộc họp đánh giá triển vọng nâng hạng của Việt Nam vào tháng 1/2025.
Sau một tháng thị trường chứng khoán điều chỉnh, lợi thế sẽ thuộc về các nhóm ngành, cổ phiếu đang ở vùng định giá thấp và có các yếu tố hỗ trợ ngắn hạn như vận tải, du lịch; xuất khẩu (dệt may, thủy sản), bất động sản, chứng khoán. Tận dụng biến động giảm để tích lũy cổ phiếu đầu ngành các nhóm này, nhà đầu tư cần chủ động bảo vệ lợi nhuận khi đạt kỳ vọng, SSI khuyến nghị.
Theo SSI, rủi ro cho nhịp phục hồi vẫn còn, đó là biến động tỷ giá; rủi ro khó đoán định từ các thông điệp chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Link gốc