Mặc dù ngành bán lẻ phân phối sản phẩm công nghệ đối mặt với nhiều khó khăn và lợi nhuận sụt giảm, nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm ngành này lại tăng giá tích cực, kéo theo định giá cổ phiếu cao kỷ lục.
Theo quan sát, khoảng hơn 2 tháng gần đây, nhóm cổ phiếu bán lẻ phân phối sản phẩm công nghệ tăng giá mạnh.
Cổ phiếu tăng ngược chiều kết quả kinh doanh
Cụ thể, từ ngày 23/11/2023 đến chốt phiên 31/1/2024, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động tăng từ 37.300 đồng/cp lên 45.000 đồng/cp, DGW của Digiworld tăng từ 49.500 đồng/cp lên 54.100 đồng/cp, FRT của FPT Retail tăng từ 99.900 đồng/cp lên 114.600 đồng/cp, PET của Petrosetco tăng lên 25.400 đồng/cp từ mức 24.200 đồng/cp.
Trong đó, cổ phiếu MWG liên tục lọt nhóm dẫn dắt thị trường và được các nhà đầu tư nước ngoài săn lùng trở lại kể từ tháng 12/2023. Đây cũng là một trong những mã dẫn đầu danh mục mua ròng của khối ngoại trong bối cảnh khối này đang trong xu hướng bán ròng.
Thậm chí, đóng cửa năm 2023, cổ phiếu FRT còn dừng ở mức giá 107.000 đồng/cp, cao nhất trong lịch sử niêm yết, tăng 81% so với đầu năm.
Cổ phiếu ngành bán lẻ điện tử tăng giá tích cực dù doanh nghiệp nhóm này đối mặt với nhiều khó khăn.
Nhìn rộng hơn, từ ngày 15/11/2022 đến nay, giá cổ phiếu PET tăng khoảng 130%, FRT tăng 90,3%, DGW tăng 55%, MWG tăng 18,2%.
Trái ngược với đà thăng hoa của cổ phiếu, tình hình kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp bán lẻ phân phối sản phẩm công nghệ lại vô cùng ảm đạm trong cả năm 2023.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh mới đây, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu cả năm 2023 đạt 118.280 tỷ đồng (hoàn thành 88% kế hoạch năm), giảm 11% so với năm 2022. Do giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng vẫn đang ghi nhận ở mức cao, lần lượt là 95.759 tỷ đồng và 20.917 tỷ đồng (chiếm tổng cộng 97% doanh thu), lợi nhuận sau thuế năm 2023 của MWG chỉ còn gần 167 tỷ đồng, trong khi lãi ròng năm 2022 gần 4.100 tỷ đồng. Đáng nói, đây là lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2013 đến nay.
Thậm chí, FPT Retail còn báo lỗ trước thuế 97 tỷ đồng trong quý cuối năm 2023, nguyên nhân chính là bởi đà suy giảm doanh thu của chuỗi bán lẻ công nghệ. Lũy kế cả năm 2023, FPT Retail ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức âm hơn 290 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi gần 490 tỷ.
Mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm 2023 nhưng mới đây, Petrosetco ước đạt khoảng 180 tỷ đồng lợi nhuận, không hoàn thành kế hoạch đề ra (lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng).
Còn luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của Digiworld chỉ đạt 13.968 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 265 tỷ đồng, giảm lần lượt 22% và 50% so với cùng kỳ.
Cổ phiếu “ứng trước” tương lai?
Việc cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ điện tử tăng cao dù ngành này đối mặt với nhiều khó khăn, lợi nhuận sụt giảm cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào nhóm ngành này khá lớn.
Tuy nhiên, dữ liệu lịch sử cho thấy, định giá P/E nhóm bán lẻ điện tử dao động phổ biến trong khoảng 12 - 22 lần, trong khi mức định giá hiện tại của MWG là 93 lần, PET là 37 lần, DGW là 21,4 lần.
Giá cổ phiếu đi lên trong khi lợi nhuận tụt dốc, khiến lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS - mẫu số trong công thức định giá P/E) giảm, dẫn tới định giá P/E tăng cao, kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị.
Dưới góc nhìn tích cực, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường cho rằng mức nền thấp của năm 2023 lại chính là lý do khiến ngành bán lẻ dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong năm nay. Triển vọng lợi nhuận hồi phục sẽ giúp EPS nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ điện tử dần cải thiện, từ đó hạ định giá P/E của nhóm ngành này trong thời gian tới.
Nhìn chung, ngành bán lẻ thiết bị công nghệ được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn năm 2023.
Bước sang năm 2024, các chuyên gia kinh tế đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô sẽ vẫn còn thách thức, tuy nhiên sẽ phần nào giảm bớt so với năm 2023. Cùng đó, lãi suất đã giảm đáng kể giúp làm giảm áp lực trả nợ vay mua nhà, tăng thu nhập khả dụng và gián tiếp hỗ trợ tiêu dùng.
Trong báo cáo ngành bán lẻ, Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng trưởng 12,05% trong giai đoạn 2023 - 2027, nhờ các yếu tố tích cực về dân cư, thu nhập, mức độ thâm nhập của Internet và các thiết bị thông minh. “Miếng bánh” bán lẻ được dự báo có giá trị lên tới 163,5 tỷ USD vào năm 2027, với những ngành hàng nổi bật là tiêu dùng, thiết bị điện tử, công nghệ và trang sức.
Cùng quan điểm, trong báo cáo chiến lược năm 2024, MBS cũng kỳ vọng dẫn đầu đà tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường trong năm 2024 là bán lẻ với mức tăng trưởng 129%.
Tại báo cáo phân tích triển vọng ngành công bố mới đây, SSI Research nhận định tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ dự kiến sẽ tăng mạnh trong nửa đầu năm 2024 (tăng 140% trong nửa đầu năm 2024 so với mức tăng 118% trong cả năm 2024) nhưng dự kiến sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024.
“Sự dự báo phục hồi được tác động bởi những yếu tố như lãi suất đã giảm đáng kể, dự báo xuất khẩu phục hồi và việc phục hồi tín dụng từ các công ty tài chính tiêu dùng”, báo cáo nêu.
Tuy nhiên nhóm phân tích này cũng đưa ra lưu ý sự phục hồi sẽ khá chậm, dù một số yếu tố vĩ mô được kỳ vọng “bớt khó” hơn như lãi suất thấp hay xuất khẩu hồi phục. Các công ty tài chính tiêu dùng có thể rất thận trọng khi cấp tín dụng mới trong bối cảnh xuất khẩu của các ngành thâm dụng lao động phục hồi chậm.
Hơn nữa, bức tranh tăng trưởng của ngành bán lẻ sẽ không đồng đều giữa các doanh nghiệp, nhất là khi chuyển đổi số đã và đang góp phần thay đổi cục diện của ngành.
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, năm 2024, thị trường điện thoại thông minh sẽ tăng trưởng dương trở lại sau 2 năm suy giảm, nhờ niềm tin và sức mua của người tiêu dùng đang phục hồi. Trong đó, nhu cầu được thúc đẩy bởi tác động trễ của các chính sách vĩ mô đang dần lan toả khắp nền kinh tế, khi lãi suất giảm và kinh tế hồi phục.
“Dù vậy, thị trường điện thoại thông minh có dấu hiệu bão hòa trong thời gian dài nên khó có thể kỳ vọng các doanh nghiệp bán lẻ/nhà phân phối sản phẩm này sẽ bật tăng mạnh mẽ”, VDSC nhấn mạnh.
Hải Giang