Việt Nam được biết đến như một cường quốc về công nghệ chế biến điều và xuất khẩu hạt điều. Tuy nhiên, năm 2023 nước ta phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu điều thô.
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam giữ vững vị trí số một
Thời báo Ngân hàng dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 63.000 tấn, trị giá 343 triệu USD, tăng 34% về lượng và tăng 27,5% về trị giá so với tháng 12/2022. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu điều Việt Nam đạt 3,63 tỷ USD, sản lượng đạt 641.000 tấn, tăng 17% về trị giá, tăng hơn 23% về sản lượng so với năm 2022.
Việt Nam đã 17 năm liên tiếp giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều chế biến.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, trong năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, hạt điều xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 885 triệu USD, tăng 5% so với năm 2022 và chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc ghi nhận đột phá, với kim ngạch 683 triệu USD, tăng 55% so với năm 2022 và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều cả nước. Đặc biệt, thời gian gần đây, thị trường Trung Quốc gia tăng nhập khẩu hạt điều của Việt Nam, trở thành thị trường lớn nhất nhập khẩu điều của Việt Nam, vượt qua cả thị trường Mỹ.
Cùng đó, xuất khẩu hạt điều sang Hà Lan trong năm 2023 đạt 353 triệu USD, tăng 19% so với năm 2022 và chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều cả nước. Ngoài ra, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường tiềm năng như: Đức, Anh, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất… cũng ghi nhận kết quả khả quan.
Cụ thể, trong năm 2023, xuất khẩu hạt điều sang Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Saudi Arabia đã tăng mạnh, lần lượt đạt 46,6% và 40,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt điều sang thị trường UAE tăng đến 148,7% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu điều, dù kết quả xuất khẩu điều Việt Nam giảm so với mục tiêu đề ra đầu năm 2023 nhưng lại vượt qua mốc đề xuất giữa năm 2023. Kết quả đó khẳng định, trước những biến động, ngành Điều Việt Nam vẫn duy trì vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu trong 16 năm liên tiếp.
Theo dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao, trong đó có hạt điều.
“Tuy kinh tế thế giới suy yếu, lạm phát tăng cao và xung đột quốc gia tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến ngành điều toàn cầu, Việt Nam vẫn kỳ vọng vào những chuyển động tích cực trong năm 2024 và xuất khẩu điều sẽ tiếp tục giữ được tăng trưởng cao để hướng tới mốc kỷ lục mới là 3,8 tỷ USD”, tạp chí Kinh tế dẫn lời ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam đánh giá.
Vì sao Việt Nam phải chi hàng tỷ USD nhập khẩu điều?
Ở chiều ngược lại, trong 11 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hạt điều của Việt Nam đã chi tới 3,07 tỷ USD để nhập khẩu về gần 2,66 triệu tấn hạt điều. Lượng hạt điều nhập khẩu tăng tới 46,5% so với cùng kỳ năm 2022. Nhìn chung, trong năm 2023, nước ta nhập khẩu gần 2,77 triệu tấn hạt điều, với kim ngạch ước đạt gần 3,2 tỷ USD. Con số này tăng tới 46,2% về lượng và tắng 19,6% về kim ngạch so với năm trước.
Hiện nay, có 5 thị trường cung cấp hạt điều lớn nhất cho Việt Nam là Bờ Biển Ngà, Campuchia, Nigeria, Tanzania và Ghana. Đặc biệt, trong 11 tháng đầu năm 2023, chỉ riêng ở Bờ Biển Nga, Việt Nam đã nhập khẩu tới 850.000 tấn hạt điều, với kim ngạch ước đạt 919,2 triệu USD, tăng tới 86,6% về lượng, tăng 56,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu hạt điều hàng đầu trên thế giới, nước ta lại chi tới hàng tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này. Rốt cuộc nguyên nhân vì sao?
Theo Hiệp hội điều Việt Nam, sở dĩ Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập hạt điều về nước là do hầu hết các doanh nghiệp chế biến điều hiện này đều chưa chủ động được về nguồn nguyên liệu.
Nguồn nguyên liệu trong nước không đủ cung cấp cho năng lực chế biến của các nhà máy. Vì thế các nhà máy, doanh nghiệp phải vẫn phải nhập khẩu hạt điều một lượng lớn từ các nước về chế biến.
Về lâu dài, để thúc đẩy ngành điều phát triển, Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp chế biến điều ở trong nước cần phải chú trọng đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển vùng nguyên liệu; đồng thời hỗ trợ và ký kết hợp đồng thu mua với những người dân trồng điều để có được nguồn nguyên liệu ổn định. Nếu việc này được đảm bảo sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước giảm được sự lệ thuộc vào nguồn cung hạt điều thô từ các nước khác và nâng cao khả năng cạnh tranh cho chế biến xuất khẩu điều của Việt Nam.
Cây điều được trồng ở hơn 20 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Trong đó, vùng sản xuất điều lớn nhất của Việt Nam là tỉnh Bình Phước, nằm ở phía bắc của TP.HCM và phía tây giáp với tỉnh Kampong Cham của Campuchia.