Quá trình đổi trụ vẫn đang diễn ra rõ nét hơn nối tiếp 2 phiên giao dịch đầu tiên nắm mới trong tuần trước. Loạt mã VIC, VHM, GAS, MSN… thu hút dòng tiền ấn tượng, nhưng vẫn chưa đủ để triệt tiêu sức ép từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. VN-Index hạ độ cao dần trong nửa sau phiên sáng nay dù thanh khoản sàn này lên cao kỷ lục kể từ đầu tháng 12 năm ngoái...
Sự thay đổi rõ nét đang diễn ra ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường.
Quá trình đổi trụ vẫn đang diễn ra rõ nét hơn nối tiếp 2 phiên giao dịch đầu tiên nắm mới trong tuần trước. Loạt mã VIC, VHM, GAS, MSN… thu hút dòng tiền ấn tượng, nhưng vẫn chưa đủ để triệt tiêu sức ép từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. VN-Index hạ độ cao dần trong nửa sau phiên sáng nay dù thanh khoản sàn này lên cao kỷ lục kể từ đầu tháng 12 năm ngoái.
Nhóm dẫn dắt chỉ số sáng nay vẫn là các gương mặt mới xuất hiện từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán: VIC tăng 5,8%, VHM tăng 3,16%, GAS tăng 3%, MSN tăng 2,42%, VRE tăng 5,33%, VNM tăng 2%...
Đây là các cổ phiếu bỏ lỡ nhịp tăng ấn tượng từ đầu năm 2024 và đi ngang tích lũy kéo dài. Dòng tiền bắt đầu đổ vào nhóm này rõ rệt, hầu hết các mã nói trên mới chỉ trong phiên sáng đã đạt thanh khoản vượt xa cả phiên liền trước. Một vài mã như VIC, MSN hứa hẹn lập kỷ lục về giao dịch trong nhiều tháng. Top 10 cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường sáng nay có mặt VHM, VIC, VNM, MSN, VRE. Đây cũng là các mã giao dịch rất lớn hiếm hoi tăng giá mạnh. Các cổ phiếu khác hầu như toàn giảm: SSI, VN thanh khoản lớn nhất với 688,2 tỷ đồng và 562,6 tỷ thì giá giảm tương ứng 1,43% và 2,37%.
Toàn sàn HoSE có 38 mã giao dịch trên 100 tỷ đồng thanh khoản thì 18 mã tăng giá và không bao gồm bất kỳ cổ phiếu ngân hàng nào. Những đại diện khác có thể kể tới EVF với 101,7 tỷ đồng giá tăng 3,85%; DPM với 127,8 tỷ giá tăng 3,23%; POW với 143 tỷ giá tăng 2,61%; DCM với 157,5 tỷ giá tăng 2,06%; DGC với 280 tỷ giá tăng 1,57%...
Nhóm ngân hàng chỉ có 6/27 mã còn xanh, đáng kể chỉ là PGB tăng 8,24% và MSB tăng 2,63%. Loạt trụ ngân hàng đang dẫn đầu nhóm tạo sức ép giảm điểm trên VN-Index là CTG giảm 1,84%; VPB giảm 1,01%; MBB giảm 1,04%. Nhóm chứng khoán cũng chỉ có 4 mã tăng ở các sàn, nhưng số giảm gấp tới 6 lần. Ngoài SSI và VND, còn VCI giảm 1,89%, FTS giảm 1,03%, MBS giảm 2,57%, VIX giảm 2,23%, AGR giảm 2,02%...
VN-Index chịu sức ép từ nhóm cổ phiếu ngân hàng nên không thể tăng bứt phá được, thậm chí còn trượt dần về cuối. Chỉ số tăng đạt đỉnh lúc 10h15, trên tham chiếu 9,5 điểm nhưng đến cuối phiên chỉ còn +4,42 điểm (+0,37%). Độ rộng tại đỉnh rất tốt với 239 mã tăng/189 mã giảm, cuối phiên còn 211 mã tăng/269 mã giảm. Như vậy sức ép từ phía bán có độ lan tỏa khá rộng. Do có mặt nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán) ở phía giảm nên thanh khoản của nhóm giảm giá thậm chí chiếm 57,7% tổng khớp sàn HoSE. Nhóm tài chính cũng khiến thanh khoản tập trung nhiều ở cổ phiếu giảm giá sâu. Cụ thể, VN-Index có 64 cổ phiếu tăng giá hơn 1% thì thanh khoản chiếm 31% sàn, trong khi phía giảm có 75 mã giảm trên 1%, thanh khoản tập trung tới 40%.
Dù vậy điểm tích cực là dòng tiền vẫn đang dồn vào nhóm cổ phiếu blue-chips chưa tăng nhiều thời gian qua. VIC, VHM, MSN, GAS, VNM… là ví dụ tiêu biểu. Nhóm này chưa thể thay thế hoàn toàn cổ phiếu ngân hàng, nhưng ít nhất cũng cân bằng lại được và duy trì sắc xanh cho chỉ số. Nếu không có sự đổi trụ tích cực thì cổ phiếu ngân hàng sẽ gây sức ép quá lớn lên tâm lý chung và độ rộng khó duy trì được mức phân hóa như hiện tại.
Khối ngoại sáng nay cũng hợp sức mua ròng khá lớn ở nhiều blue-chips tăng giá tốt. Tiêu biểu là VHM được mua ròng 95,2 tỷ đồng, VRE +90,3 tỷ, VIC +64,5 tỷ, MSN +47,2 tỷ, GAS +26,6 tỷ. Phía bán khối này xả VND -108,5 tỷ, VNM -62,5 tỷ, DBC -34,2 tỷ, PDR -34,2 tỷ, CTG -27,7 tỷ… Tổng giá trị bán ròng trên HoSE chỉ khoảng 63,2 tỷ đồng. UpCOM xuất hiện thỏa thuận ròng cực lớn 1.627 tỷ đồng với cổ phiếu BHI.
Việc VN-Index gặp khó khăn lúc này là điều bình thường khi cổ phiếu dẫn dắt ngân hàng suy yếu. Trước đó hồi tháng 1 nhóm ngân hàng đã một lần suy yếu nhưng sau đó lại tiếp diễn đà đi lên trong đầu tháng 2 thời điểm trước Tết. Ở nhịp này, các cổ phiếu trụ khác không tăng được. Sự thay đổi đang diễn ra lúc này là một tín hiệu tốt cho thấy dòng tiền luân chuyển mạnh mẽ hơn hẳn.
Kim Phong