• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,17 +1,06/+0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 12:15:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,17   +1,06/+0,08%  |   HNX-INDEX   222,60   +0,12/+0,06%  |   UPCOM-INDEX   92,99   -0,12/-0,13%  |   VN30   1.315,94   +2,46/+0,19%  |   HNX30   462,84   +0,65/+0,14%
20 Tháng Giêng 2025 12:16:51 CH - Mở cửa
Nước Nga ra lệnh cấm, toàn cầu lo lắng, Việt Nam bị ảnh hưởng?
Nguồn tin: VietNam Finance | 29/02/2024 3:06:57 CH

 Ngay sau lệnh cấm xuất khẩu xăng của Nga, giá bán trên thị trường nhiên liệu thế giới đã bắt đầu biến động. Nhiều người lo ngại giá xăng tại thị trường Việt cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này.

Ảnh minh họa.

Bình ổn thị trường, Nga cấm xuất khẩu xăng

Theo kế hoạch, Nga sẽ chính thức áp lệnh cấm xuất khẩu xăng từ ngày 1/3 tới. Lệnh cấm này có hiệu lực trong vòng 6 tháng và sẽ không áp dụng đối với khối lượng cung cấp đã thỏa thuận cho các nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu (bao gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) và các nước Mông Cổ, Uzbekistan, Abkhazia và Nam Ossetia.

Theo Phó thủ tướng Alexander Novak, đây là một trong những biện pháp “để giải quyết nhu cầu cao điểm về các sản phẩm xăng dầu, giúp ổn định giá xăng dầu trên thị trường sản phẩm xăng dầu trong nước”.

Lệnh cấm xuất khẩu xăng của Nga diễn ra trong bối cảnh thị trường trong nước bắt đầu bước vào mùa cao điểm về nhu cầu nhiên liệu. Tính từ đầu năm đến nay, giá trên sàn giao dịch đối với xăng AI-92 và AI-95 cùng dầu diesel đã tăng từ 8 – 23%, kéo theo giá bán lẻ nhiên liệu cũng tăng.

Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, Nga đã 2 lần liên tiếp ban lệnh cấm xuất khẩu xăng, dầu. Trong  tháng 9/2023, Nga  từng ban hành lệnh cấm tương tự với xăng và dầu diesel do giá bán buôn tăng mạnh và dỡ bỏ sau 2 tháng khi nguồn cung và giá cả đã ổn định.

Cho đến nay, dầu, sản phẩm dầu và khí đốt vẫn luôn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga, mang lại nguồn thu ngoại tệ chính cho nền kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của quốc gia này.

Trong năm 2023, Nga đã sản xuất được 43,9 triệu tấn xăng, trong đó xuất khẩu khoảng 5,76 triệu tấn. Các “khách hàng” nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Nga có thể kể đến như các quốc gia châu Phi, UAE.

Ngay sau khi có thông tin về lệnh cấm, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/2, giá dầu đã lên mức cao nhất trong một tháng khi dầu WTI tăng 1,66% lên 78,87 USD/thùng; dầu Brent tăng 1,21% lên 82,66 USD/thùng.


Lệnh cấm của Nga có hiệu lực trong vòng 6 tháng.

Giá xăng dầu sẽ tăng vọt?

Nhận định về những tác động của lệnh cấm này, ông Andrey Dyachenko, nhà phân tích về thị trường kinh tế vĩ mô, dầu và sản phẩm dầu mỏ, cho hay việc dừng xuất khẩu xăng dầu hoàn toàn có thể gặp rủi ro vì sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế trong nước.

“Doanh thu và lợi nhuận giảm trong thời gian dài từ việc nhà máy lọc dầu buộc các công ty phải giảm sản lượng, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu ngân sách và nền kinh tế nói chung, vì hoạt động trong các ngành khai thác và chế biến dọc theo chuỗi cung ứng sẽ tạo ra hoạt động trong các ngành liên quan”, ông Dyachenko nói.

Tuy vậy, doanh thu xuất khẩu của Nga được cho là sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi xăng không phải là mặt hàng xuất khẩu chính của quốc gia này.

Thế nhưng, ở chiều thế giới, nhiều chuyên gia quan ngại lệnh cấm xuất khẩu xăng của Nga sẽ tác động tiêu cực đến thị trường thế giới do thiếu nguồn cung và đẩy giá xăng dầu toàn cầu tăng cao, nhất là trong bối cảnh sắp tới giai đoạn tiêu thụ phục hồi và Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) nhiều khả năng sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng do rủi ro từ xung đột chính trị ở Trung Đông.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, quyết định cấm xuất khẩu xăng của Nga sẽ ảnh hưởng một phần tới nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, mặc dù giá xăng có thể sẽ tăng nhưng không đột biến do công suất dự phòng sản xuất dầu của nhiều quốc gia đang khá dồi dào nên có thể dễ dàng bù đắp một phần thiếu hụt này.

Theo ông, ẩn số chính tác động lên diễn biến giá của thị trường xăng dầu vẫn sẽ là căng thẳng địa chính trị và kế hoạch của nhóm OPEC trong thời gian tới.

Về phía Việt Nam, ông Quỳnh nhận định “quyết định cấm xuất khẩu xăng trong vòng 6 tháng của Nga nhìn chung sẽ không có tác động trực tiếp tới nguồn cung xăng dầu của nước ta” bởi 81% tổng lượng nhập khẩu xăng dầu của nước ta từ ba quốc gia là Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.

Nhưng khi nguồn cung bị thắt chặt, giá năng lượng thế giới có khả năng tăng lên thì Việt Nam sẽ phải nhập khẩu xăng với chi phí cao hơn, trong khi các nhà máy lọc dầu trong nước cũng sẽ phải đối mặt với áp lực giá nguồn cung đầu vào. “Việt Nam vẫn đang là quốc gia nhập siêu xăng dầu nên diễn biến giá ở thị trường trong nước cơ bản vẫn sẽ “đồng pha” với giá xăng dầu thế giới”, ông Quỳnh cho hay.

Tính đến cuối tháng 2/2024, giá xăng dầu trong nước có 4 đợt điều chỉnh, trong đó, giá xăng A95 tăng 2.990 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.980 đồng/lít và giá dầu diesel tăng 3.230 đồng/lít. Theo Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, bình quân trong 2 tháng đầu năm 2024, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khánh Tú