Giao dịch đã ổn định trở lại sau phiên bán tháo dữ dội cuối tuần trước. Áp lực bán có phần suy yếu khiến thanh khoản sụt giảm tới 45% trên hai sàn. Dù vậy độ rộng vẫn đang nghiêng hẳn về phía giảm và VN-Index chỉ được một số trụ nâng đỡ tăng nhẹ 0,37%, quá ít so với mức giảm tới 1,66% phiên liền trước...
Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường cho thấy lực đỡ và xả ở các mã rất khác nhau.
Giao dịch đã ổn định trở lại sau phiên bán tháo dữ dội cuối tuần trước. Áp lực bán có phần suy yếu khiến thanh khoản sụt giảm tới 45% trên hai sàn. Dù vậy độ rộng vẫn đang nghiêng hẳn về phía giảm và VN-Index chỉ được một số trụ nâng đỡ tăng nhẹ 0,37%, quá ít so với mức giảm tới 1,66% phiên liền trước.
Duy nhất 2 cổ phiếu thuộc Top 10 vốn hóa thị trường tăng đáng kể là BID tăng 1,57% và VNM tăng 1,71%. Phần còn lại VN-Index phải trông cậy vào các mã vốn hóa trung bình như FPT tăng 1,82%, GVR tăng 3,28%, MSN tăng 1,91%. Ngoài số này, các mã khác trong Top 30 vốn hóa chỉ lác đác vài cổ phiếu tăng với biên độ nhỏ.
Hiện nhóm blue-chips tuy không mạnh nhưng vẫn là yếu tố nâng đỡ chính. Ngay cả ở nhịp hồi tốt nhất nửa đầu phiên sáng với VN-Index đạt đỉnh lúc 10h tăng gần 6,7 điểm thì độ rộng chỉ số cũng chỉ cân bằng 185 mã tăng/186 mã giảm. Phần lớn thời gian của phiên, phía giảm giá áp đảo hoàn toàn. Chốt phiên sáng nay VN-Index ghi nhận 182 mã tăng/253 mã giảm dù chỉ số vẫn tăng 4,58 điểm, cách đỉnh lúc 10h không bao nhiêu.
Sự thay đổi trong độ rộng và điểm số nói trên cho hai điều: Thứ nhất, VN-Index đang được một số mã lớn nâng đỡ kéo dần lên về cuối phiên. Thứ hai, nhiều cổ phiếu có nhịp phục hồi nửa đầu phiên, sau đó lại tụt xuống vùng đỏ. VN30-Index chốt phiên sáng tăng 0,22% với 13 mã tăng/14 mã giảm, bao gồm cả trụ như VCB, VIC, VHM, HPG, CTG nhưng điểm số quá ít, nghĩa là biên độ tăng hầu hết là nhẹ.
Dù vậy, điểm tích cực là biên độ giảm cũng không tạo nhiều áp lực. Số lớn cổ phiếu vừa sụt giảm trở lại xuống dưới tham chiếu nên mức độ vẫn hẹp. Sàn HoSE hiện mới có 44 mã giảm quá 1% với thanh khoản chiếm 8,6% tổng giá trị khớp sàn này. 3 mã duy nhất giao dịch khá lớn là TCB giảm 1,34% thanh khoản 266,7 tỷ đồng; PVD giảm 1,14% với 96,5 tỷ và GEX giảm 1,11% với 128,2 tỷ. PAN, IJC, LPB, LSS, PLX là số ít còn lại giao dịch loanh quanh 20 tỷ đồng.
Phía tăng dù ít về số lượng tổng, nhưng “chất lượng” khá hơn. HoSE có 69 mã tăng trên 1% với thanh khoản chiếm 32,6% sàn. Loạt mã thanh khoản khá ấn tượng là DBC tăng 3,57% với 453,7 tỷ đồng; MSN tăng 1,91% với 221,3 tỷ; PNJ tăng 2,9% với 208,5 tỷ; FPT tăng 1,82% với 196,5 tỷ; EIB tăng 2,82% với 148,3 tỷ; GVR tăng 3,28% với 120,1 tỷ; FRT tăng 5,89% với 114,4 tỷ; BAF tăng 3,15% với 109,8 tỷ… Trong bối cảnh tổng thanh khoản suy yếu, các cổ phiếu nói trên có được lực kéo đáng chú ý. Rõ ràng là dòng tiền vẫn rất tập trung chọn lựa cổ phiếu.
Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng sau một phiên lao dốc nặng do bán tháo, thị trường dễ phục hồi lại. Yếu tố giảm bán thường xuất hiện do những nhà đầu tư sợ hãi nhất đã cố gắng thoát ra ngày hôm qua, nên nhu cầu bán giảm xuống. Điều quan trọng là bên mua cũng sẽ giảm vì một lượng lớn tiền đã bắt đáy phiên trước, trong khi người vừa rút được tiền về sẽ ngồi ngoài quan sát tình hình. Sáng nay tổng giá trị khớp lệnh hai sàn sụt giảm tới 45% so với sáng hôm thứ Sáu tuần trước, chỉ đạt 9.803 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 10 phiên. Sàn HoSE cũng giảm 45%, chỉ còn hơn 9.085 tỷ đồng. Tuần trước sàn này các phiên sáng trung bình khớp tới 13.537 tỷ đồng, tức là sáng nay đã giảm tới một phần ba.
Việc thanh khoản giảm cũng chưa phải là điều gì đáng lo ngại, ít nhất khi biên độ giảm giá vẫn còn hẹp. Lực cầu yếu vẫn có thể cân bằng được giá nếu cung cũng kém. Tuy nhiên lượng cổ phiếu thua lỗ về liên tục sau khi chịu ảnh hưởng từ biên độ giảm lớn hôm 8/3 vừa qua sẽ dần tạo thêm sức ép. Khi đó cần có dòng tiền nhiều hơn để giữ giá.
Khối ngoại sáng nay bất ngờ quay đầu mua ròng khá lớn 201,2 tỷ đồng trên sàn HoSE nhưng bán ròng 54,5 tỷ đồng trên HNX và bán 14,2 tỷ trên UpCOM. Các mã được mua ròng tốt là VPI +57,8 tỷ, FTS +43,7 tỷ, DBC +42,5 tỷ, FRT +39,5 tỷ, EIB +37,5 tỷ, HPG +31,6 tỷ, SSI +25,1 tỷ, BAF +25 tỷ, SSI +24,2 tỷ. Có thể thấy nhiều mã trong số này tăng giá mạnh và được cầu ngoại đỡ khỏe. Phía bán ròng có MWG -41,8 tỷ, PVD -26,5 tỷ, KBC -21,2 tỷ, PVS -38,8 tỷ.