Làm thế nào để xuất khẩu nông sản vào thị trường ASEAN có sức tăng trưởng đột phá trong năm 2024 và các năm tới vẫn là “bài toán” đầy thách thức đối với nhiều doanh nghiệp Việt. Điều này rất cần họ quan tâm duy trì những mặt hàng có thế mạnh, nâng cao cạnh tranh có tính bền vững, xây dựng thương hiệu, hợp tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh liên kết với kênh phân phối, tìm hiểu thị hiếu cụ thể của người tiêu dùng ở từng thị trường trong nội khối.
Trong năm 2024 này, dự báo mới nhất cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines có thể đạt 4,1 triệu tấn, tức là ở mức cao hơn nữa so với dự kiến trước đó là nhập khẩu khoảng từ trên 3,5 triệu đến 3,9 triệu tấn.
Nhìn từ thị trường Philippines
Để gạo Việt duy trì vị trí số 1 tại thị trường chủ lực này một cách bền vững và cạnh tranh hiệu quả, ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, nhấn mạnh các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo trong nước, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cũng vẫn cần phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines.
Để xuất khẩu nông sản vào thị trường ASEAN có sức tăng trưởng đột phá rất cần các doanh nghiệp Việt nỗ lực hành động nhiều hơn nữa.
Như lưu ý của ông Thành, bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần XK gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam. Chính vì vậy, các DN Việt cần phối hợp tốt với Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam.
“Các DN cần tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo XK, qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch XK của Việt Nam đối với mặt hàng gạo vào thị trường Philippines”, ông Thành chia sẻ.
Không chỉ chú trọng mặt hàng gạo, việc nâng cao giá trị XK nhiều mặt hàng nông sản vào thị trường đầy tiềm năng như Philippines với 113 triệu dân là điều mà các DN Việt cần làm trong năm 2024 và các năm tới. Trong khi đó, dù nằm kề cận thị trường này nhưng Việt Nam lại nằm ở vị trí cuối cùng trong danh sách 10 đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, dù cho còn rất nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản Việt có tiềm năng thâm nhập sâu ở đây.
Như lưu ý của ông Thành, đó là mặc dù nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nông sản tươi sống (hoa quả, thịt) ở Philippines rất lớn nhưng các DN Việt vẫn chưa tận dụng được điều này.
Không chỉ với thị trường Philippines nói riêng, làm thế nào để XK nông sản Việt vào thị trường ASEAN nói chung có được sức tăng trưởng đột phá vẫn còn là “bài toán” đầy thách thức đối với nhiều DN Việt.
Chẳng hạn như việc XK rau quả của Việt Nam sang ASEAN. Số liệu thống kê cho thấy hồi năm rồi đã đạt kim ngạch 297,7 triệu USD, tập trung vào 4 thị trường chính là Thái Lan, Malaysia, Singapore và Lào. Con số này là còn khiêm tốn so với thị trường ASEAN đang có hơn 690 triệu dân, lẽ ra kim ngạch XK rau quả vào thị trường nội khối phải được tính bằng giá trị tỷ USD.
Bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng Phòng Đông Nam Á (ASEAN) và hợp tác khu vực thuộc Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), đánh giá tuy có tiềm năng, thị trường rộng lớn nhưng cạnh tranh gay gắt bởi cơ cấu khá tương đồng và cũng có nhiều rào cản thương mại.
Cần nỗ lực hành động nhiều hơn
Theo bà Mai Anh, nếu các DN Việt chỉ tập trung XK hoa quả tươi vào thị trường ASEAN thì sẽ còn nhiều khó khăn và bị cạnh tranh gay gắt. Chính vì vậy, các DN cần chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm chế biến từ rau củ và xây dựng thương hiệu, mẫu mã bắt mắt và phù hợp, sẽ là hướng đi tốt để khai thác thị trường đầy triển vọng này.
Đơn cử như thị trường Thái Lan với hơn 66 triệu dân. Việc đưa nông sản Việt tiến sâu hơn vào nước này là không hề đơn giản, dù cho ở đây có hệ thống kênh phân phối đa dạng, tạo nhiều cơ hội thâm nhập vào các hệ thống này và đến với người tiêu dùng Thái Lan.
Do đó, để gia tăng kim ngạch XK nông sản vào thị trường này thì đòi hỏi các DN Việt cần đẩy mạnh liên kết với kênh phân phối cũng như đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại.
Điển hình như vào ngày 14/3, tại Tp.HCM, nhà tổ chức triển lãm hàng đầu về ngành rau quả ở Việt Nam là Công ty Dịch vụ Quảng cáo và Triển lãm Minh Vi (VEAS) và Phòng Thương mại của tỉnh Chanthaburi - một tỉnh hàng đầu Thái Lan nổi tiếng về sản lượng nông nghiệp (đặc biệt là trồng cây ăn quả), đã ký kết hợp tác phối hợp trong xúc tiến thương mại, sử dụng nền tảng Hortex Vietnam hỗ trợ XK các sản phẩm rau, hoa, quả.
Từ việc hợp tác này, Phòng Thương mại Chanthaburi sẽ làm cầu nối để giới thiệu sản phẩm rau quả của các DN Việt tới tỉnh này nói riêng và thị trường Thái Lan nói chung.
Thông qua các kênh truyền thông của mình, Phòng Thương mại Chanthaburi sẽ cung cấp thông tin cũng như quảng bá sâu rộng triển lãm rau quả Việt trên khắp Thái Lan và khu vực. Ngoài ra, họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN xuất khẩu rau quả tại Việt Nam tham gia sự kiện Fruit Innovation Fair và các hoạt động quảng bá liên quan tại Thái Lan.
Bà Lê Thị Mai Anh cho biết Thái Lan hiện là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, và cho phép nhập khẩu 5 loại trái cây tươi từ Việt Nam và đang xem xét một số loại trái cây tươi khác là chôm chôm, dừa, chanh leo…Còn lại các thị trường khác như Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore không có hạn chế về số loại rau quả nhập khẩu vào.
Chính vì vậy, như chia sẻ của bà Mai Anh, thị trường rộng lớn như ASEAN có rất nhiều tiềm năng để cho các DN trong ngành hàng nông sản khai phá nhằm nâng cao giá trị XK. Và trước áp lực cạnh tranh gay gắt ở thị trường nội khối này thì các DN cần tìm hiểu các thị hiếu cụ thể của người tiêu dùng ở từng thị trường, nhất là tìm hiểu nhu cầu, mong muốn cụ thể, thói quen tiêu dùng cụ thể. Có như vậy thì các DN Việt hoàn toàn có thể đẩy mạnh các sản phẩm chế biến từ rau củ quả để thâm nhập sâu vào từng thị trường một trong ASEAN.
Đơn cử như với thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm ở Thái Lan, theo Thương vụ Việt Nam tại nước này thì sau dịch Covid-19 đã khiến người tiêu dùng Thái Lan thay đổi xu hướng, lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn, tốt cho sức khoẻ. Nhóm các sản phẩm tiềm năng tại Thái Lan như sữa, rau củ quả tươi, hải sản, trái cây tươi, bánh, hạt, rượu bia, thịt bò đông lạnh, đồ uống tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, thách thức cho các DN ở thị trường này là nhận diện thương hiệu Việt chưa cao, cần thời gian xây dựng. Bên cạnh đó, việc Thái Lan bảo hộ ngành công nghiệp thực phẩm nội địa khiến việc nhập khẩu gặp khó khăn.
Nói chung, tuy thị trường tiêu thụ nông sản trong ASEAN là cực kỳ tiềm năng, nhưng để XK của Việt Nam vào thị trường nội khối này có sự tăng trưởng đột phá thay cho mức độ chưa tương xứng như hiện giờ, đang rất cần sự nỗ lực hành động nhiều hơn từ phía DN, cũng như có thêm những chính sách tiếp sức cho việc này.
Thế Vinh