Liên tiếp 2 phiên 18/3 và 19/3, khối ngoại bán ròng mạnh lần lượt 954 tỷ đồng và 827 tỷ đồng. Chuỗi bán ròng của khối ngoại đã kéo dài 6 phiên liên tiếp.
Khối ngoại bán ròng với giá trị càng tăng từ đầu năm tới nay. Ảnh: Trọng Hiếu
Tính đến ngày 15/3, thị trường chứng khoán có 8 tuần liên tiếp khối ngoại bán ròng. Tuần 11 – 15/3 là tuần ghi nhận giá trị bán ròng lớn nhất từ đầu năm với 2.843 tỷ đồng. Áp lực bán ròng tập trung lên các quỹ ETF và cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, MWG, VHM, MSN…
Thống kê của Chứng khoán VPBankS cho thấy tuần 11 – 15/3, dòng vốn ETF bị rút thêm 23,32 triệu USD và là tuần bị rút ròng thứ 4 liên tiếp. Trong đó, Diamond ETF bị rút 12,2 triệu USD, DCVFM VN30 ETF 3,84 triệu USD, FTSE Vietnam ETF bị rút 7,8 triệu USD.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết dòng vốn rút không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều thị trường khác trong khu vực như Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines…, mức độ rút ròng ngày càng tăng lên.
Hầu hết các thị trường chứng khoán như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều đã tăng mạnh và hút dòng tiền khá tốt thời gian qua trước kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất. Ông Sơn cho rằng đến thời điểm hiện nay, các kỳ vọng đã phản ánh và bị điều chỉnh khiến cho dòng vốn rút ra khỏi các thị trường.
Riêng Việt Nam, tỷ giá đang khá căng thẳng trước áp lực giá vàng tăng nóng theo đà tăng giá vàng thế giới, nhu cầu USD cho nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất trong khi dòng tiền từ xuất khẩu có độ trễ hơn, đồng USD tăng trở lại do Fed chần chừ trong việc giảm lãi suất, chênh lệch lãi suất giữa VND với USD cao.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do thậm chí đã tăng lên 25.700 VND/USD và tỷ giá USD tại Vietcombank lên mức 24.910 VND/USD, vượt đỉnh củ 24.888 VND/USD thiết lập tháng 12/2022. Sau động thái rút tiền của NHNN thì tỷ giá mới hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao. Tính đến 19/3, NHNN đã hút ròng 100.000 tỷ đồng trên thị trường mở qua kênh phát hành tín phiếu. Lãi suất khoảng 1,35% đến 1,4%/năm.
Khối ngoại bán ròng trong 6 phiên liên tiếp.
Ông Sơn cho rằng áp lực tỷ giá vẫn còn rất lớn khi mà chỉ số đồng USD (DXY) đang tăng trở lại. Nhiều đồng tiền đã mất giá mạnh từ đầu năm như đồng Yên Nhật mất giá 6,2%, đồng Bath Thái mất giá 5%, đồng Won của Hàn Quốc mất giá khoảng 3%. Còn đồng VND của Việt Nam mới mất giá khoảng 1,8 – 2%.
USD tăng giá trở lại trong bối cảnh Fed kéo dài thời gian giảm lãi suất. Ban đầu, giới phân tích kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất từ tháng 3 nhưng nay có thể chuyển sang tháng 7. Ông Sơn cho biết tuần này là tuần Fed sẽ họp và đưa ra một số nhận định về xu hướng lãi suất trong thời gian tới. Diễn biến lạm phát đang tăng trở lại khá nhanh trong tháng 1 và 2 vừa qua, số liệu việc làm vẫn tốt khả năng cao Fed chưa giảm lãi suất trong tháng 3. Đồng thời, tần suất giảm lãi suất cũng ít hơn. Trước đây, giới phân tích kỳ vọng Fed giảm lãi suất 3 đến 4 lần trong năm nay nhưng gần đây đã giảm còn 2 đến 3 lần.
Chuyên gia đến từ VPBankS kết luận trong bối cảnh Fed chưa hạ lãi suất ngay thì đồng USD có thể tăng trở lại, áp lực khối ngoại rút ròng vẫn lớn. Xu hướng hiện nay khá giống tháng 10 năm ngoái. Do vậy, chiến lược thận trọng nên được ưu tiên và duy trì trong giai đoạn này, nhà đầu tư có thể chốt lời cổ phiếu đã tăng nóng, chờ đợi điểm mua tại các vùng hỗ trợ kỹ thuật gần nhất quanh mốc 1.200+/- 20 điểm với một số nhóm ngành lựa chọn như ngân hàng, chứng khoán, công nghệ thông tin, thép, dầu khí, bất động sản,....
Theo Mỹ Hà/Nhà đầu tư