VN-Index trải qua một "cú sốc" lớn và kéo dài đà giảm mặc dù mọi thông tin xoay quanh vẫn đang khá ổn định, chưa xuất hiện nhiều tiêu cực. Chuyên gia cho rằng khả năng cao là vì nhà đầu tư bị ảnh hưởng tâm lý bởi những tin đồn thiếu tính xác thực.
Với những động lực mới xuất hiện từ cuối năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng lên đến 13,6% trong quý I/2024. Tuy nhiên, chỉ trong 3 phiên đầu tuần này (15-16-17/4), VN-Index đã trải qua một cú sốc lớn khi có phiên giao dịch tiêu cực nhất trong gần 2 năm trở lại đây.
Ghi nhận “cú giảm sốc”
Cụ thể, ngày 15/4, VN-Index có cú giảm sốc tới gần 60 điểm trong tình cảnh cổ phiếu la liệt nằm sàn. Riêng sàn HoSE có tới 111 cổ phiếu giảm hết biên độ. Chỉ trong phiên này, thị trường “bốc hơi” tới 10 tỷ USD giá trị giao dịch. Áp lực bán tháo tiếp tục duy trì trong phiên 16/4 khiến VN-Index tiếp tục đi xuống, thậm chí trong phiên 17/4 đã chính thức thủng mốc 1.200 điểm.
VN-Index “lao dốc” trong khi mọi thông tin xoay quanh vẫn đang khá ổn định, chưa xuất hiện nhiều tiêu cực.
Mặc dù trước đó, giới phân tích đã bày tỏ lo ngại về việc thị trường có khả năng rơi vào cuộc điều chỉnh trong tháng 4 nhưng không đáng ngại, tuy nhiên việc thị trường đột ngột giảm sốc vẫn khiến giới đầu tư “ngỡ ngàng” không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Trên khắp các diễn đàn, group chứng khoán đều là lời than vãn của các “chứng sĩ”: “VN-Index đang xảy ra chuyện gì vậy? 10 tỷ USD vốn hóa thị trường bốc hơi trong 1 phiên, thật kinh khủng”, rồi thì “Ngủ trưa, tỉnh dậy thấy VN-Index bay gần 56 điểm”,…
Chị Thùy Linh (Hà Nội) – một nhà đầu tư lâu năm cho biết, danh mục của chị đang có lợi nhuận khá tốt nhưng chỉ trong bỗng chốc trở thành lỗ nặng, không kịp xoay xở.“Sau 2 phiên, một số mã chạm lỗ 10% buộc tôi phải cắt lỗ nhanh chóng, lo thị trường tiếp tục rơi mạnh”, chị Linh nói.
Đáng chú ý, thị trường “lao dốc” trong khi mọi thông tin xoay quanh vẫn đang khá ổn định, chưa xuất hiện nhiều tiêu cực.
Về bối cảnh thế giới, các số liệu cho thấy "sức khỏe" nền kinh tế Mỹ vẫn đang rất tốt và khó có một cuộc khủng hoảng ở nền kinh tế số 1 thế giới.
Về bối cảnh vĩ mô trong nước, kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi với nhiều tín hiệu rõ nét ở rất nhiều lĩnh vực, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 6-6,5%. Bên cạnh đó, định hướng rõ ràng từ Chính phủ là tiếp tục nới lỏng, hỗ trợ hồi phục kinh tế, được coi là "điểm sáng".
Có hay chăng việc tỷ giá “tăng nóng” được cho là một trong những “thủ phạm” làm dấy lên lo ngại lớn của thị trường cũng như các quỹ, nhà đầu tư ngoại ở thời điểm hiện tại. Dù vậy, theo giới phân tích, vấn đề này chỉ tác động trong ngắn hạn, và cũng chưa thể tạo tác động mạnh đến thị trường như vậy.
Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề “nóng” nhất dẫn đến cú sốc giảm gần 60 điểm khả năng cao đến từ ảnh hưởng tin đồn không có căn cứ (liên quan đến pháp luật).
“Sau khi thị trường trải qua giai đoạn năm 2022-2023 với nhiều biến động, nhiều tin đồn đã xuất hiện và thành sự thật khiến nhà đầu tư trở nên nhạy cảm với tin đồn. Vì vậy, dựa vào tâm lý nhạy cảm trên, nhiều cá nhân, đội nhóm đã cố ý phát tán tin đồn để “lái’ thị trường thực hiện mục đích...”, theo chuyên gia tài chính cá nhân Lê Xuân Huy.
Cần làm chủ được tâm lý
Cũng theo chuyên gia Lê Xuân Huy, đã đến lúc nhà đầu tư cần có bản lĩnh "chinh chiến hơn".
“Nhà đầu tư nên cảnh giác với các tin đồn chưa được xác thực. Nếu không làm chủ được tâm lý, nhà đầu tư sẽ rất dễ bị mua bán sai lầm dẫn tới thua lỗ. Nhà đầu tư cũng cần có phương pháp đầu tư của riêng mình và tuyệt đối tuân thủ phương pháp để thực hiện giao dịch mua bán cổ phiếu. Như vậy, kể các lúc có tin đồn tốt, hay tin đồn xấu thì tâm lý của nhà đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng”, ông Huy khuyến nghị.
Chuyên gia này cho rằng thị trường chứng khoán tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Cổ phiếu tăng hay giảm phụ thuộc tình hình kinh doanh của doanh nghiệp (trừ các trường hợp bị thao túng). Do đó, tin đồn chỉ gây ảnh hưởng tâm lý ngắn hạn. Nhà đầu tư cũng không nên quá bi quan, dẫn tới việc bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cũng lưu ý, khi đã tham gia vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý "sẽ phải đối diện với những cú đảo chiều, sụt giảm mạnh". Đây chính là một đặc trưng của thị trường chứng khoán, nhất là những thị trường còn non trẻ như Việt Nam dễ bị tác động bởi tâm lý và tin đồn thất thiệt.
"Đầu tư vào thị trường chứng khoán là đầu tư vào doanh nghiệp chứ không hẳn là mua bán cầu may, đánh cược. Do đó, nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu tốt của những doanh nghiệp có tiềm năng, có bề dày hoạt động tốt, có kết quả kinh doanh tốt. Dù thị trường có thông tin bất lợi trong ngắn hạn, bị bán tháo nhưng triển vọng trong trung dài hạn vẫn tốt hơn. Khi thị trường lao dốc, hầu hết cổ phiếu đều giảm giá sàn nhưng khi phục hồi thì cổ phiếu tốt sẽ tăng nhanh hơn", ông Phương nói.
Đưa ra lời khuyên tránh hành động bán tháo của “chứng sĩ” khiến thị trường lao dốc không phanh, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư không nên bán bằng mọi giá, mà cân nhắc kỹ trước khi quyết định để tránh bán sai, bán nhầm cổ phiếu tốt.
Ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng phòng Khách hàng trực tuyến, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra dẫn chứng, với những cổ phiếu tăng theo câu chuyện đầu cơ, không phải bản chất tăng từ hoạt động kinh doanh bền vững thì dù thị trường có hồi phục thì những mã này cũng sẽ tiếp tục giảm. Với những cổ phiếu này, nhà đầu tư cần quyết liệt bán để cơ cấu danh mục, chọn mua hoặc giữ cổ phiếu tiềm năng.
Hải Giang
Link gốc