Năm 2024, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước vào giai đoạn quan trọng với mục tiêu nâng cấp từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đây cũng là tiền đề quan trọng nhằm thu hút dòng vốn nước ngoài trở lại.
Thực tế, việc hiện thực hóa nâng hạng TTCK Việt Nam còn vướng phải nhiều rào cản, trong đó nổi cộm nhất phải kể đến 2 vấn đề then chốt: thực hiện yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch và nới lỏng giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.
TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), đã nhấn mạnh rằng thị trường chứng khoán (TTCK) đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho nền kinh tế.
Theo số liệu cụ thể, trong năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đã đạt hơn 418 nghìn tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022. Đến ngày 12/4/2024, chỉ số VN-Index đã đạt 1.276,6 điểm, tăng 13% so với cuối năm 2023. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt 6,8 triệu tỷ đồng, tăng 13,8% so với cuối năm 2023, tương đương với 66,1% GDP ước tính của năm 2023.
Theo World Bank, TTCK Việt Nam được nâng hạng sẽ thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế đến năm 2030.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các TTCK của các nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng TTCK. Do đó, TS. Nguyễn Như Quỳnh nhận định, việc nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cùng với đó, theo ước tính của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), trong trường hợp nếu TTCK Việt Nam được nâng lên thị trường mới nổi sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Hiện tại, Việt Nam được 2 tổ chức quốc tế MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên. Đến nay, TTCK Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số thị trường cận biên (khoảng 30% tổng tài sản quản lý).
Ông Đặng Hồng Quang - đại diện VinaCaptial nhận định, với quy mô tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm qua, việc Việt Nam ở trong nhóm thị trường cận biên được ví như “một con cá lớn nằm trong ao nhỏ”.
Đó là do Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường cận biên, lên đến 29% trong chỉ số thị trường cận biên của MSCI và 38% trong chỉ số của FTSE Russell. Chính vì vậy, việc nâng hạng TTCK lên nhóm thị trường mới nổi thứ cấp sẽ là động lực cấp thiết để kỳ vọng vào sự tăng trưởng và thu hút các dòng vốn nước ngoài.
Theo ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, tham vọng của TTCK Việt Nam là đẩy nhanh lên thị trường mới nổi, gắn liền với việc đạt mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045. Muốn vậy, Việt Nam cần đạt mức tăng trưởng trung bình 5,9%/năm. Điều này cũng có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam phải phát triển tốt và có tiềm năng tốt hơn trước kia.
“Để đạt được mục tiêu này, thì khu vực tài chính có vai trò quan trọng, trong đó đặc biệt nhất là thị trường vốn”, ông Andrea Coppola nói.
Cũng theo chuyên gia của WB, việc nâng hạng này không chỉ giúp tăng vị thế của TTCK Việt Nam, mà còn đảm bảo tiếp cận vốn đầy đủ cho NĐT nước ngoài. Tất nhiên, ông Andrea Coppola cho rằng để thu hút được 25 tỷ USD đến năm 2030 theo dự báo thì cần phải đảm bảo một số điều kiện, trong đó bao gồm việc nâng mức sở hữu của NĐT nước ngoài, TTCK Việt Nam phải thỏa mãn các tiêu chí mà hai tổ chức đánh giá xếp hạng đưa ra...
Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng để nâng hạng TTCK còn rất nhiều giải pháp cần thực hiện và nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Cụ thể, việc triển khai nhanh chóng hệ thống KRX được xem là bước đi quan trọng, đồng thời cần giải quyết các vấn đề như thực hiện yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding), cải thiện giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài (FOL) và chất lượng hàng hóa trên TTCK.
Trên cơ sở này, TS. Nguyễn Văn Phụng đề nghị cần làm rõ và thu hẹp dần danh mục ngành nghề hạn chế sở hữu nước ngoài tại các luật liên quan; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường,…
Ngoài ra, theo ông Phụng, cần thẩm định, giám sát chặt chẽ việc phát hành chứng khoán; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích theo phương án phát hành được cấp phép theo quy định pháp luật; kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin của các doanh nghiệp huy động vốn trên TTCK; giám sát việc cung cấp dịch vụ kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán, bảo đảm độ tin cậy, minh bạch.
Mặt khác, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cũng khuyến cáo, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK có thể gây tác động đến mức độ biến động của TTCK do tác động đến tâm lý thị trường; gây áp lực cho thị trường ngoại hối do gia tăng nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ - tiền đồng của các NĐT nước ngoài.
Ngoài ra, hoạt động giao dịch tăng mạnh, có thể cao hơn nhiều lần so với bình thường, gây áp lực đến hệ thống giao dịch, thanh toán của thành viên thị trường.
Cần nói thêm, hồi tháng 3 năm nay, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến rộng rãi về Thông tư sửa đổi, bổ sung 4 Thông tư nhằm tháo gỡ các nút thắt hỗ trợ tiến trình nâng hạng, trong đó có 2 nhóm vấn đề chính là loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và tăng quyền tiếp cận thông tin cho NĐT nước ngoài.
Bàn luận về vấn đề này, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán, Công ty quản lý Quỹ VinaCapital, cho biết: “Việc loại bỏ yêu cầu pre-funding đối với NĐT tổ chức nước ngoài sẽ là yếu tố tiên quyết giúp cho TTCK Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng”.
Cũng theo bà Thu, chỉ một thời gian rất ngắn sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK do Thủ tướng chủ trì, Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo sửa đổi cho các Thông tư và lấy ý kiến, trong đó tập trung vào quy trình cho phép NĐT tổ chức nước ngoài mua chứng khoán mà không cần ký quỹ đủ 100% tiền trước giao dịch và tăng quyền tiếp cập thông tin cho NĐT nước ngoài.
“Hiện, nhiều công ty chứng khoán đã sẵn sàng quy trình cho việc cung cấp dịch vụ cho NĐT tổ chức nước ngoài mua chứng khoán mà không cần ký quỹ đủ 100% tiền. Khi Thông tư sửa đổi được ban hành, tôi cho rằng những thay đổi và quy định mới có thể được áp dụng ngay vào hoạt động giao dịch của các NĐT. Sau đó, FTSE Russell sẽ cần lấy ý kiến từ các NĐT tổ chức đang đầu tư vào TTCK Việt Nam. Nếu không có trở ngại gì cho việc giao dịch của các NĐT, FTSE Russell sẽ ra quyết định chính thức về việc nâng hạng TTCK Việt Nam”, bà Thu nhận định.
Bùi Ly