• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
30 Tháng Mười Một 2024 6:16:41 CH - Mở cửa
Khó khăn chưa thể hiện rõ qua con số tăng trưởng GDP quý 1-2024
Nguồn tin: Vneconomy | 22/04/2024 4:10:33 CH

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp trong quý 1-2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Đình Cung,  phục hồi của nền kinh tế trong quý 1-2024 là không bền vững...

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sau hơn 30 năm chứng kiến những nỗ lực cải cách và phát triển kinh tế, hiện nay là thời điểm mà nền kinh tế của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức nặng nề nhất.

Tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam và Thế giới quý 1-2024 với chủ đề: “Nhận diện kinh tế quý 1-2024: Mở lối cho kinh tế cả năm 2024” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/ Vietnam Economic Times và Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chia sẻ rằng sau hơn 30 năm chứng kiến những nỗ lực cải cách và phát triển kinh tế, hiện nay là thời điểm mà nền kinh tế của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức nặng nề nhất.

Cụ thể, GDP quý 1-2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp trong quý 1-2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

NHỮNG CON SỐ BIẾN ĐỘNG "BẤT THƯỜNG"?

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của từng tháng trong quý 1-2024 lại không ổn định (tháng 1 tăng 18,3%, tháng 2 giảm 6,8%, tháng 3 tăng 4,1%). Đồng thời, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng 3/2024 dưới ngưỡng 50 điểm. “Như vậy, tôi cho rằng phục hồi của nền kinh tế trong quý 1-2024 là không bền vững”, TS. Nguyễn Đình Cung nhận xét.

Một bất thường nữa cần phải lưu ý đó là mối quan hệ giữa giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất công nghiệp. TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ rằng trong thời kỳ trước đại dịch Covid-19 và trong thời gian dịch bệnh đó, tăng trưởng trung bình của giá trị sản xuất công nghiệp thường cao hơn so với tăng trưởng trung bình của giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp, hoặc có thể hai chỉ số này sẽ ổn định ở mức gần nhau.

Tuy nhiên, đến năm 2023 và quý 1-2024, giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp lại vượt xa giá trị sản xuất công nghiệp. “Điều này làm cho tôi nghi ngờ vì chi phí tiền lương và nguyên liệu đều gia tăng, trong khi bán hàng không đổi, mà lợi nhuận lại tăng lên”, chuyên gia Nguyễn Đình Cung nói.

Toạ đàm Kinh tế Việt Nam và thế giới "Nhận diện kinh tế quý 1-2024: Mở lối cho kinh tế cả năm”

Ngoài ra, tỷ lệ giữa doanh nghiệp gia nhập thị trường và doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong quý 1-2024 cũng ghi nhận nhiều biến động đáng chú ý. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2018-2022, trung bình cứ bốn doanh nghiệp gia nhập thị trường thì chỉ có một doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến quý 1-2024, tỷ lệ này thay đổi rõ rệt khi cứ mỗi doanh nghiệp gia nhập thị trường thì sẽ có hai doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Theo thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có 36.244 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý 1-2024, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đối lập với số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có đến 73.978 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường quý 1-2024, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có: 53.365 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn; hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Bình quân một tháng có hơn 24 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý 1-2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở hầu hết các lĩnh vực là một biểu hiện rõ ràng cho thấy doanh nghiệp và nền kinh tế đang gặp phải những khó khăn đáng kể và tình trạng này đặt ra nhiều vấn đề về sự ổn định và động lực phát triển của các doanh nghiệp, cũng như cả nền kinh tế trong tương lai.

PHỤC HỒI Ở MỨC TƯƠNG ĐỐI VÀ KHÔNG CÓ BỨT PHÁ 

Tính chung quý 1-2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, mức tăng trưởng này là chưa đáng kể và có khả năng sẽ tiếp tục đi ngang trong tương lai gần. TS. Nguyễn Đình Cung nhận định: nếu tình hình xuất khẩu không tăng trưởng, thì việc phục hồi của ngành công nghiệp sẽ gặp khó khăn, vì các hoạt động của lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào sự thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và hoạt động xuất khẩu. Do đó, nếu tình hình xuất khẩu không cải thiện, có thể gây ra áp lực đáng kể đối với sự phát triển và ổn định của nền kinh tế Việt Nam.

Lĩnh vực dịch vụ từ lâu đã được coi là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ sau quý 3/2022, các chỉ số liên quan đến lĩnh vực dịch vụ như tăng trưởng dịch vụ, tăng trưởng dịch vụ theo giá hiện hành và tăng trưởng dịch vụ đã loại trừ yếu tố giảm giá liên tục đã trải qua những biến động không lường trước.

Trong quý 1-2024, tăng trưởng dịch vụ chỉ đạt mức 6,12%, tăng trưởng dịch vụ theo giá hiện hành đạt 8,2% và tăng trưởng dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá đạt 5,1%. Điều này thể hiện một thách thức mới đối với sự ổn định và sự phát triển bền vững của ngành dịch vụ trong nền kinh tế Việt Nam.

“Những con số của lĩnh vực dịch vụ thấp hơn nhiều so với trước đại dịch và đang có xu hướng đi xuống vì lạm phát có thể gia tăng trong khi thu nhập của người dân lại không tăng. Khi một động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng bị xói mòn thì nền kinh tế khó có thể phục hồi mạnh mẽ”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Một vấn đề đáng lo ngại tiếp theo là tăng trưởng của đầu tư theo các thành phần kinh tế trong quý 1 vẫn chưa thể phục hồi. Cụ thể, mức tăng trưởng của đầu tư công được coi là “hụt hơi” khi giảm từ 21,2% trong quý 4-2023 xuống chỉ còn 3,7% trong quý 1/2024; tăng trưởng của đầu tư xã hội giảm từ 6,2% xuống còn 5,2%; đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực khác giảm từ 5,4% xuống còn 4,2%; đầu tư của lĩnh vực tư nhân tăng từ 2,7% lên 4,2%; đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng từ 6,2% lên 8,9%. Những kết quả này đã phản ánh sự không ổn định trong đầu tư và khó khăn của việc tăng trưởng đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Về số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 1-2024 đã có hơn 6,17 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn tăng thêm đạt 934,6 triệu USD, giảm 22,6%; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 466 triệu USD, giảm 61,7% so với cùng kỳ.

Nhìn tổng quan, dù con số về vốn FDI trong quý 1-2024 đã đạt mức tăng, nhưng theo nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, sự gia tăng này là không đáng kể. Ông dự báo rằng tổng số vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2024 sẽ không vượt quá ngưỡng 36 tỷ USD. Thêm vào đó, quy mô vốn đầu tư của mỗi dự án FDI, tính từ năm 2015 đến nay, đều thấp hơn so với mức trung bình của hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam...

Phương Hoa

Link gốc