Trong bối cảnh vàng nguyên liệu khan hiếm, nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn cung để sản xuất vàng, đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá vàng tăng cao trong thời gian qua. Thế nhưng khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng, doanh nghiệp lại không mấy mặn mà, dẫn đến tình trạng "ế" đến 80% trong phiên đấu thầu 23/4.
Ngày 23/4, chia sẻ với VnBusiness bên lề Đại hội đồng cổ đông, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, ngân hàng từ chối tham gia đấu thầu vàng miếng vì biên lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 20.000 đồng/chỉ nên ngân hàng không muốn đầu tư vào vàng.
Doanh nghiệp không có can đảm để “ôm” 1.400 lượng vàng
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng; tối đa là 20 lô, tương đương 2.000 lượng.
Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, mức đặt thầu tối thiểu này là quá cao so với nhu cầu thị trường hiện nay. Theo tính toán của vị này, nhu cầu tiêu thụ vàng miếng SJC bình quân của toàn thị trường khoảng 200-300 lượng/ngày. Ngày cao điểm ghi nhận mức bán ra 400 lượng - gần như cao nhất kể từ đầu năm nay.
Đáng chú ý, gần đây, khi người tiêu dùng chuyển sang mua vàng nhẫn, sức tiêu thụ vàng miếng có phần chậm lại. Với sức tiêu thụ này, đặt cọc mua ngay 1.400 lượng vàng miếng thì không biết bao giờ mới bán hết. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều tuân thủ nguyên tắc mua bao nhiêu bán bấy nhiêu. Nguyên nhân là bởi, giá vàng tăng giảm liên tục, do đó việc trữ một khối lượng vàng giá cao trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh là rủi ro không nhỏ.
Giá vàng thế giới liên tục lao dốc khiến các công ty vàng sợ không dám "ôm" vàng với số lượng lớn.
Chưa kể là việc giá tham chiếu 80,7 triệu/lượng để các đơn vị tham gia đấu thầu đặt cọc, với tỷ lệ đặt cọc là 10%. Như vậy, để đặt mua tối thiểu 1.400 lượng vàng, doanh nghiệp cần đặt cọc hơn 11 tỷ đồng và tổng số tiền phải thanh toán là 113 tỷ đồng cho một lô.
“Tôi có tham khảo một số doanh nghiệp vàng thì 1.400 lượng tương đương số lượng vàng mà họ bán ra trong vòng một tuần. Doanh nghiệp sẽ cần tính toán mua giá đó thì bán cho ai, hoặc phải có đầu ra thì các doanh nghiệp mới tham gia đấu thầu. Chưa kể rủi ro về giá vì giá vàng thế giới hiện nay biến động trong biên độ rất lớn", ông nói.
Trong phiên đấu thầu ngày 23/4, NHNN cho biết chỉ có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 34 lô, tương đương 3.400 trong tổng số 16.800 lượng vàng được đưa ra đấu thầu. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, còn giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
Theo ghi nhận của VnBusiness, kết phiên giao dịch sáng ngày 23/4, giá vàng miếng SJC được doanh nghiệp niêm yết ở mức 80-82,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy, giá trúng thầu cao hơn 1,33 triệu đồng/lượng so với giá mà các doanh nghiệp mua vào, và chỉ thấp hơn 1,17 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
“Với sự chênh lệch như vậy, doanh nghiệp mua vàng ở ngoài thị trường sẽ có lợi hơn tham gia đấu thầu”, một doanh nghiệp cho hay.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, với tình hình giá vàng giảm liên tục như hiện nay, rất ít công ty vàng có can đảm để "ôm" một lúc 1.400 lượng vàng.
Cần biện pháp thương mại
Các chuyên gia cho rằng đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý. Trong khi xoá bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại và cũng theo thông lệ quốc tế. Tức là sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, việc đều đặn bổ sung nguồn cung bằng cho cách cho nhập khẩu vàng sẽ giúp chênh lệch giá vàng thu hẹp.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng để cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp, trước hết cần phải nghiên cứu toàn diện, tính toán được nhu cầu vàng của người dân mỗi năm là bao nhiêu. Muốn như vậy, phải tính toán được giá trị gia tăng của Việt Nam mỗi năm là bao nhiêu và với giá trị gia tăng đó, bao nhiêu có thể được tích lũy ở dạng ngoại tệ hoặc vàng, từ đó có thể tính ra được số lượng vàng hợp lý nhập khẩu vào Việt Nam.
Bên cạnh việc cho nhập khẩu vàng, nhiều ý kiến chuyên gia cũng đề xuất Chính phủ cần dùng công cụ mạnh nhất để xử lý vấn đề này là thuế. Hiện nay, hải quan điện tử đã có thể quản lý tốt nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng.
GS-TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng cần đánh thuế hoạt động đầu tư vàng, mức thuế suất phải hợp lý để phát triển thị trường vàng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư.
"Mọi hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ đều phải có hóa đơn, chứng từ ghi nhận giao dịch. Trước đây, hóa đơn được thực hiện bằng bản giấy, kể từ ngày 15/7/2022 được thực hiện bằng hóa đơn điện tử. Ngay cả hoạt động kinh doanh xăng dầu bán lẻ, kể từ ngày 1/4/2024 bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử. Nếu mua bán vàng mà không thực hiện thì không công bằng với các mặt hàng khác", ông Đạt nói.
Mới đây, NHNN yêu cầu tất cả doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng phải thực hiện hóa đơn điện tử trong giao dịch mua - bán vàng. Giao dịch được xác lập bằng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng kết nối với cơ quan thuế, thì mọi giao dịch mua vào - bán ra được ghi nhận, từ đó sẽ thu được thuế. Còn thu với tỷ lệ bao nhiêu, thu thế nào, cơ quan thuế sẽ tính toán để bảo đảm phát triển thị trường vàng, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Huyền Anh
Link gốc