Chính phủ cùng các địa phương đang quyết liệt vào cuộc, tuy nhiên, không ít doanh nghiệp bất động sản vẫn trong tình trạng mòn mỏi chờ đợi, đối diện nhiều khó khăn vì những vướng mắc pháp lý, đất đai, đẩy tiến độ các dự án mới vào “ngõ cụt”.
Dù đã nộp ký quỹ hơn 80 tỷ đồng, tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc, song T&T Group của “bầu” Hiển vừa phải xin dừng thực hiện 2 dự án tại An Giang gồm khu đô thị mới Bình Khánh và Vàm Cống. Nguyên nhân là vì gặp khó khăn về đất đai, giải phóng mặt bằng.
Mòn mỏi chờ gỡ vướng
Thông tin trên được Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết trong văn bản gửi Sở KH&ĐT mới đây. Theo đó, 2 dự án được chấp thuận đầu tư vào tháng 10/2019, tổng diện tích theo quy hoạch là 260 ha.
Đáng chú ý, theo Sở TN&MT An Giang, hai dự án này nằm trong danh sách 11 dự án khu đô thị, dân cư có quy mô trên 20 ha vướng mắc về thủ tục pháp lý đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương dừng thực hiện, vận động nhà đầu tư lập thủ tục chấm dứt.
Trước đó, lãnh đạo Tập đoàn Đạt Phương cũng gửi đơn “kêu cứu” đến chính quyền địa phương bởi những vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, pháp lý kéo dài tại 3 dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, dẫn tới nguy cơ gây đổ vỡ và phá sản.
Các dự án mới vẫn đang rất hiếm hoi trên thị trường vì những khó khăn về pháp lý, đất đai, dòng tiền...
“Chúng tôi khẩn thiết kính mong các cơ quan ban ngành sớm tập trung chỉ đạo, xem xét các đề xuất, tháo gỡ những vướng mắc để doanh nghiệp có thể quay trở lại ổn định sản xuất, yên tâm đầu tư kinh doanh lâu dài trên địa bàn tỉnh", đơn kiến nghị của Đạt Phương nêu.
Thực tế, việc các doanh nghiệp bất động sản gặp khó vì vướng mắc về pháp lý, đất đai, giải phóng mặt bằng là “câu chuyện muôn thuở” và được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài trong tương lai.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Đầu tư Nam Long cuối tuần trước, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT công ty, nhìn nhận một trong ba vướng mắc lớn nhất của bất động sản thời gian tới là pháp lý dự án, bởi một số luật hiện vẫn còn chồng chéo.
Chính vì vậy, trong năm 2024, NLG dự kiến sẽ "chỉ bán thứ thị trường cần", tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và phù hợp nhu cầu thị trường, đẩy mạnh xử lý hàng tồn kho để tăng doanh số, và đặc biệt là tập trung "mở khóa" pháp lý các dự án trọng điểm.
Dự án mới vào “ngõ cụt”
Với những diễn biến từ thực tế, có thể khẳng định, vướng mắc về pháp lý, đất đai... là một trong những nguyên nhân khiến các dự án mới trong quý I/2024 vẫn như “tìm hoa trong gương”.
Điển hình, tại TP.HCM, dù đã và đang được gỡ vướng quyết liệt, song trong 3 tháng đầu năm chỉ có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Nguồn cung thị trường chủ yếu đến từ các dự án cũ, hàng tồn kho, hoặc những dự án đã đủ điều kiện bán theo quy định từ trước.
Cần phải nhắc lại, trước đó, báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết tại TP.HCM đã có khoảng 77 dự án bất động sản được gỡ vướng và 143 dự án đang tiếp tục được xử lý theo quy định.
Lý giải nguyên nhân việc số lượng dự án được gỡ vướng nhiều nhưng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư lại hiếm hoi, ông Vũ Anh Dũng, Phó trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng việc xác định cụ thể dự án đang vướng mắc, đã được tháo gỡ vướng mắc tại từng thời điểm là rất khó, bởi các dự án nhà ở sẽ trải qua nhiều bước theo các quy định khác nhau. Gỡ xong tại giai đoạn này thì đến giai đoạn sau lại phát sinh.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Dũng, đại diện chủ đầu tư dự án quy mô hơn 350 căn hộ kèm shophouse tại Đồng Nai, nhìn nhận sự vào cuộc của Chính phủ đang giúp các doanh nghiệp có thêm niềm tin để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, công tác gỡ khó cần đẩy nhanh hơn.
Có một thực tế, theo ông Dũng, là các chính sách gỡ vướng đang tập trung quá nhiều vào các doanh nghiệp đầu ngành, trong khi phần nào đó bỏ quên các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các tỉnh. Hiện khó khăn, vướng mắc chủ yếu là ở các các dự án đất nền có quy mô vừa và nhỏ.
"Khó khăn hiện tại là sự chồng chéo từ quy định pháp luật, nó tồn tại rất nhiều năm rồi. Gỡ chỗ này vướng chỗ khác, nhiều khi địa phương không thể tự quyết phải gửi lên cấp trên, thời gian lại càng kéo dài. Vì vậy, chúng tôi không kỳ vọng được gỡ vướng nhanh, chỉ cần triệt để, dự án có đường ra, không quá lâu là vui rồi", vị đại diện doanh nghiệp thổ lộ.
Không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực từ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, tuy nhiên, theo giới phân tích, tốc độ gỡ vướng cần đẩy nhanh hơn, bởi các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là quy mô vừa và nhỏ, vẫn đang ở giai đoạn đuối sức, chỉ cần các chính sách ngưng “thẩm thấu” là đà hồi phục có thể bị đứt. Minh chứng là số lượng doanh nghiệp thành lập mới đang lép vế so với số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc “chết lâm sàng”.
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DKRA, từng nhấn mạnh ách tắc lớn nhất hiện tại là pháp lý, trong đó đầu bảng là đền bù, tiền sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, đất công xen kẹt...
Riêng ở TP.HCM, theo ông Lâm, từ năm 2022 đến nay liên tục hô hào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng thực tế vẫn chưa có một kết quả nào rõ ràng. “Những khó khăn của doanh nghiệp đang rất nghiêm trọng, vì vậy, việc đẩy nhanh tốc độ gỡ khó về cơ chế, chính sách là giải pháp tối cần thiết lúc này”, đại diện DKRA cho hay.
Nhật Minh
Link gốc