• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
10 Tháng Mười Một 2024 12:20:22 SA - Mở cửa
Nan giải chữa bệnh 'có tiền mà không tiêu được' cho nhà ở xã hội
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 25/04/2024 9:01:32 SA

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn đang mang lại nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, bài toán khó nhất lúc này là gỡ vướng về thủ tục, pháp lý và kéo giảm lãi suất để chữa bệnh “có tiền mà không tiêu được”.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà Nước cho biết gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội đến nay mới giải ngân được khoảng 531 tỷ đồng, tức chưa tới 1% với 6 dự án. Đặc biệt, số tiền từ nhà băng đến tay người mua nhà chỉ đạt hơn 540 triệu đồng cho 2 dự án.

Giải ngân “nhỏ giọt”

Những con số trên có thể khiến nhiều người quan tâm “giật mình” bởi gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng tính đến nay đã triển khai được vừa tròn 1 năm và từng mang theo rất nhiều kỳ vọng.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Đức, đại diện chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội ở Bắc Ninh, cho hay vào tháng 4/2023, khi gói 120 nghìn tỷ đồng chính thức được triển khai, các doanh nghiệp và cả người mua nhà đều khấp khởi vui mừng.

Tuy nhiên, đến nay theo ông Đức, cả doanh nghiệp và người mua nhà đều đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do thủ tục phức tạp, thẩm định hồ sơ kéo dài, đặc biệt là mặt bằng lãi suất cao (trên dưới 8%/năm) dẫn đến việc giải ngân gói hỗ trợ này chậm.

Tăng tốc giải ngân gói ưu đãi cho nhà ở xã hội vẫn là bài toán nan giải.

Ở góc nhìn của đơn vị quản lý, phía Ngân hàng Nhà nước cũng không ít lần chỉ ra nguyên nhân khiến gói ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng bị chậm là do quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng cũng đánh giá lãi suất gói ưu đãi cao, thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được doanh nghiệp, người dân vay vốn. Vốn cao cộng thủ tục phức tạp khiến nhiều chủ đầu tư lớn chỉ tập trung xây khu đô thị, nhà ở thương mại khiến nguồn cung thiếu trầm trọng.

Còn nhớ, giai đoạn 2013-2016, khi thị trường bất động sản “vỡ bong bóng”, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được tung ra đã phần nào giải cơn khát nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp. Nhiều chủ đầu tư tiến hành cơ cấu lại sản phẩm, “chẻ nhỏ” căn hộ để bán, giúp thị trường dần tan băng.

Bối cảnh của thị trường nhà đất hiện tại có nhiều điểm tương đồng trong quá khứ, và gói 120.000 tỷ đồng hướng vào nhà giá rẻ hiện tại nếu chỉ xét về những con số, có giá trị gấp 4 lần, rõ ràng đem theo niềm hy vọng nhân 4 cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, câu chuyện vay và cho vay mua nhà không chỉ đơn thuần là những con số, bài toán khó nhất lúc này là nhanh chóng gỡ vướng về thủ tục, pháp lý và lãi suất vay. Tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, có tiền mà không tiêu được.

Cách nào khơi thông?

Cần phải nhắc lại, kể từ cuối năm 2023 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh lãi suất cho vay. Cụ thể, mức lãi suất vay ưu đãi với doanh nghiệp phát triển dự án được điều chỉnh giảm từ 8,5%/năm (tháng 4/2023) xuống 8,2%/năm (tháng 7/2023), và 8%/năm kể từ đầu năm 2024.

Lãi vay với người mua nhà cũng được điều chỉnh giảm lần lượt từ 8%/năm xuống 7,7%/năm, và đến nay là 7,5%/năm. Động thái điều chỉnh lãi suất gói 120 nghìn tỷ đồng cho thấy sự lắng nghe của phía nhà băng, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp và người mua nhà, nó chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Vì vậy, theo giới quan sát, để đẩy nhanh tiến độ gói ưu đãi, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là giảm lãi suất và khơi thông các vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Mới đây, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh cần nhanh chóng rút ngắn thủ tục, giảm lãi suất để tăng nguồn cung, khơi thông dòng vốn ưu đãi cho người mua nhà và doanh nghiệp phát triển dự án.

Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại, trước hết là nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề nghị Bộ Xây dựng khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (từng được Bộ Xây dựng đề xuất trước đó) để đạt mục tiêu xây tối thiểu một triệu căn nhà xã hội đến 2030. Ở gói này, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5% một năm, thời hạn vay tối đa 25 năm, tương tự gói tín dụng 30.000 tỷ đồng áp dụng hơn 10 năm trước.

Bên cạnh đó, để tăng sức hút với doanh nghiệp, ông Châu đề nghị dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội tăng thêm lợi nhuận định mức lên 15%, thay vì 10% như trước, áp dụng cho doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất.

Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, cho rằng cần lập quỹ phát triển nhà ở xã hội với nguồn vốn ưu đãi từ ngân sách nhà nước, giúp lãi suất cho vay hạ xuống. Nguồn vốn ngân sách sẽ đóng vai trò đầu mối, cùng với nhiều nguồn lực khác được huy động thêm…

Bên cạnh các gói ưu đãi, một trong những giải pháp quan trọng để giải cơn khát vốn cho nhà ở xã hội đang được triển khai là phát hành trái phiếu chính phủ. Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án phát hành trái phiếu chính phủ, hỗ trợ lãi suất cho hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2024.

Theo Bộ Xây dựng, để thực hiện mục tiêu xây ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ cần nguồn vốn khoảng 849.500 tỷ đồng. Vì thế, bên cạnh việc huy động nguồn lực từ xã hội, nguồn vốn từ Chính phủ tham gia vào đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đóng vai trò quan trọng.

Hưng Nguyên

Link gốc