Tính tới cuối quý 1/2024, Hòa Phát ghi nhận nợ phải trả 96.315 tỷ đồng tăng mạnh so với con số đầu năm 84.946 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay tài chính lên đến hơn 77.500 tỷ đồng, cao nhất lịch sử
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long.
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát vừa chính thức công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 trong đó ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 31.092 tỷ đồng tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán tăng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận 2.887 tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, Hòa Phát báo lãi sau thuế 2.869 tỷ đồng, con số này tương ứng với lợi nhuận mà Chủ tịch Trần Đình Long tiết lộ trước với cổ đông trong đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra mới đây.
Giải trình về con số lợi nhuận tăng mạnh, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết chủ yếu nhờ sản lượng thép thô tiêu thụ tăng mạnh, giá vốn tốt, giá bán tốt.
Ở bảng cân đối kế toán, hàng tồn kho của Hòa Phát 42.714 tỷ đồng tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với con số đầu năm.
Đáng lưu ý, vay nợ của Hòa Phát đang ghi nhận ở mức cao kỷ lục. Tính tới cuối quý 1/2024, Hòa Phát ghi nhận nợ phải trả 96.315 tỷ đồng tăng mạnh so với con số đầu năm 84.946 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay tài chính lên đến hơn 77.500 tỷ đồng vào ngày cuối quý, tăng hơn 12.000 tỷ so với đầu năm và đây là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Cả nợ ngắn và dài hạn của Hòa Phát đều tăng mạnh trong quý 1/2024. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng gần 6.500 tỷ so với đầu năm lên hơn 61.400 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Nợ dài hạn cũng tăng gần 5.700 tỷ so với đầu năm lên gần 16.100 tỷ đồng, ghi nhận mức cao nhất kể từ cuối quý 3/2021.
Chi phí lãi vay của Hòa Phát giảm từ 989 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống còn 635 tỷ đồng năm nay. Trong đó, lỗ tỷ giá đã thực hiện 231 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phát sinh thêm 184 tỷ đồng.
Nói về tình hình vay nợ, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra mới đây, ông Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát đang hạn chế tối đa vay ngoại tệ. Hết quý 1, Công ty vay 400 triệu USD ngoại tệ và trích lập dự phòng 200 tỷ đồng nên Công ty áp dụng nhiều biện pháp để làm giảm bớt rủi ro.
Tương lai gần, Hòa Phát sẽ không tăng việc đòn bẩy tài chính. Nhiều công ty đã phải nhận hậu quả.
Hòa Phát đã chuẩn bị lượng tiền mặt lớn cho dự án Dung Quất 2. Đây không phải là số tiền Công ty không dùng đến mà để dành cho những “quả đấm thép”. Hòa Phát cũng không thể cầm tiền đi đầu tư hay ôm bất động sản mà phải để chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng tăng 16% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 10.000 tỷ đồng tăng 47% so với thực hiện năm 2023, chia cổ tức 10%. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động và lợi nhuận sau thuế cao nhất từ năm 2022 của Hòa Phát.
Tại đại hội, Chủ tịch Hòa Phát thừa nhận: "Ngành thép hiện tại khốc liệt hơn tôi nghĩ rất nhiều". Dù vậy, công ty vẫn dự kiến đầu tư 5 tỷ USD vào dự án thép tại Phú Yên - tương đương Dung Quất 2. "Chúng tôi muốn trở thành một trong 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Nếu mà chúng ta không thay đổi, không nâng cấp thì sẽ bị đè bẹp", ông Long khẳng định.
Như vậy, chiến lược của Hòa Phát đã có sự thay đổi nhất định. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Chủ tịch Hòa Phát ông Trần Đình Long từng nói: Không ai có thể làm thép mãi được. Hoà Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn đa ngành và một trong những hướng đó là bất động sản. "Chúng ta đang có uy tín, có tiếng trên thị trường, năm vừa rồi chúng tôi liên tục đi địa phương tìm tòi để phát triển các dự án giá vốn thấp. Lúc nào cũng vậy, trước đây, hiện nay và sau này cũng sẽ tìm dự án để M&A và chỉ M&A khi mà chắc chắn có lợi nhuận", ông Long từng nói.
Kiều Chinh
Link gốc